Xây dựng doanh nghiệp Việt đúng nghĩa

(ĐTTCO) - Tình trạng nền kinh tế hiện nay nhìn từ góc độ cơ cấu thành phần rất đáng báo động. Đây là kết quả của chiến lược phát triển kinh tế nhiều thành phần có vấn đề, như phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, đã làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách chênh lệch.
Xây dựng doanh nghiệp Việt đúng nghĩa ảnh 1 Vingroup được xem như đại diện của khu vực KTTN khi đầu tư đã lĩnh vực đều rất thành công, nhưng một "cánh én" không thể vực dậy cả khu vực KTTN. (trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp xe ô tô VInfast bằng robot). 
Chưa tôn trọng nguyên lý kinh tế thị trường
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa, khi mới quan tâm đến việc thành lập nhiều doanh nghiệp mà chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng này.
Đây là hậu quả của tư duy về phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, nhưng không hiểu đúng và không tôn trọng các nguyên lý nền tảng cốt lõi của kinh tế thị trường. Điển hình như chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng không chú trọng đến phát triển các nguồn lực, không coi trọng phát triển khu vực của doanh nghiệp tư nhân đúng kiểu thị trường. 
 Ngay trong từng khu vực doanh nghiệp cũng có sự phân biệt đối xử. Thí dụ, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn thường có quan hệ chính trị, nên được đối xử có lợi hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự phân biệt đối xử diễn ra thường xuyên hơn vào thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân giải thích thực trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam, trong đó nguyên nhân chính là thiếu vắng hệ thống chính sách nhất quán phù hợp. Sự méo mó trong chính sách về cải cách kinh tế diễn ra theo hướng không tôn trọng các quy tắc của thị trường trong thời gian dài, vận hành nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ thân hữu, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tư nhân không có môi trường tốt để phát triển.
Malesky và Tausig (năm 2008) đã chứng minh rằng các doanh nghiệp có càng nhiều quan hệ chính trị, càng có nhiều khả năng tiếp cận được vốn vay từ hệ thống ngân hàng. Còn Perkins và các cộng sự (năm 2013) cũng cho rằng các ưu đãi về tiếp cận đất và tín dụng thường đến với các doanh nghiệp thân hữu, có quan hệ 2 cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại.
Hơn 20% nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa hoạt động trong thời gian gần đây, do không thể tiếp cận tín dụng chính thức. Nạn tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của khu vực tư nhân nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp nhà nước, hành vi tham nhũng chủ yếu diễn ra ở khu đăng ký kinh doanh tiếp cận đất đai và trong việc thực thi các chính sách phát triển khu vực tư nhân.
Hiện nay cũng không có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn đầu tư. Phần lớn chi ngân sách nhà nước khoảng 90% dành cho doanh nghiệp nhà nước, thông qua việc cấp tín dụng trực tiếp để tăng vốn hàng năm, trong khi doanh nghiệp tư nhân có số lượng lớn hơn nhưng phải tự cạnh tranh nhau trong tiếp cận tài chính trên hệ thống ngân hàng.
Điều này cho thấy kinh tế nhà nước không chỉ chèn lấn, còn trực tiếp tranh chấp cơ hội kinh doanh tiếp cận tài chính tín dụng với KTTN, và chính sách tiền tệ phần nào đang được sử dụng làm công cụ tài trợ cho các dự án đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. 

Giỏi đầu cơ, kém đầu tư
Trong những năm gần đây, mặc dù khu vực KTTN có những bước tiến, song thực về cơ bản vẫn nhỏ bé, manh mún và yếu kém. Một số tập đoàn KTTN mới trỗi dậy như Vingroup, Hòa Phát, Vietjet, Trường Hải… song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức chân dung tổng thể của khu vực KTTN.
Trong khi đó, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vài năm gần đây không có bước tiến đáng kể, nổi bật hơn cả là sự tăng trưởng mạnh của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thể hiện xu hướng bành trướng và gây áp lực lên khu vực nội địa một cách đáng lo ngại.
 Khi đã thừa nhận KTTN là động lực phát triển quan trọng, cần thay đổi quan niệm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển thành khái niệm tư nhân hóa và xúc tiến đẩy nhanh quá trình này hơn. Theo đó, về dài hạn Nhà nước phải coi khu vực doanh nghiệp tư nhân là nền tảng của phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, trong đó phải xem các tập đoàn KTTN là cốt lõi.
Khách quan nhìn nhận, thực lực cơ cấu của nền kinh tế hiện tại rất yếu. Sản xuất GDP chủ yếu vẫn dựa vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp 22%) và kinh tế hộ gia đình (đóng góp 32%), nhưng đây là 2 lực lượng có vấn đề nhất về năng lực.
Cụ thể, khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún và yếu kém nhất, trong khi kinh tế nhà nước hoạt động rất kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ xấu lớn, tiêu phí tài nguyên và nguồn lực quốc gia. Do đó, cả 2 thành phần chủ yếu tạo GDP này khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế tăng năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công.
Trong khi đó, KTTN về nguyên tắc là lực lượng đóng góp chủ yếu GDP, sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%. Mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, nhưng thành phần này chỉ tăng thêm được 0,8% trong GDP sau 6 năm tính đến thời điểm hiện tại.
Xây dựng doanh nghiệp Việt đúng nghĩa ảnh 2 Tập đoàn Vietjet thời gian qua đã nổi lên như một trụ cột của khu vực KTTN.
Hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp vừa quá ít (chỉ chiếm khoảng 1,7%), đã tạo thành khuyết thiếu nghiêm trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam có nhiều cơ hội để lớn, nhưng lại đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro.
Lực lượng này lớn lên nhờ đầu cơ là chính, tài năng của doanh nhân Việt tập trung vào đầu cơ, không phải vào đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật rất cao. Việt Nam cũng có quá ít tập đoàn tư nhân lớn và càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất đúng với xu thế toàn cầu, vẫn chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản.
Các tập đoàn tư nhân lớn này cũng ít được quan tâm hỗ trợ phát triển đúng hướng, nếu không muốn nói vẫn bị kỳ thị, phân biệt và đối xử. Thực tế, sau 30 năm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột dẫn dắt nền kinh tế.

Những đòi hỏi tất yếu
Kể từ khi mở cửa, từ chỗ yếu kém, hiện nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, tạo mặt bằng xuất phát cao hơn, với các điều kiện và năng lực mới, như cam kết hội nhập quốc tế đẳng cấp cao với các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc).
Các điều kiện cam kết này ở tầm cao, phạm vi rộng, toàn diện và buộc chặt chẽ về thời gian với các yêu cầu thực thi rất nghiêm ngặt. Do đó, đối với phát triển KTTN, về cách tiếp cận cần tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản dài hạn. Trong cơ cấu và cơ chế, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng phải thay cách làm cái cũ, căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất để thay đổi cấu trúc thể chế và phát triển năng lực.
Ngoài ra, cần nhận diện chính sách và xu hướng trong bối cảnh phát triển của toàn cầu hóa cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), những xung đột và tác động của chúng đến xu hướng phát triển các lực lượng kinh tế, cũng như khẩn trương xây dựng khung pháp lý nền tảng cho sự phát triển của CMCN 4.0.
Mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều có thể đổi mới áp dụng những thành tựu công nghệ mới, do vậy việc cần thiết và có tính quyết định là xây dựng ban hành được hệ thống pháp lý trong lĩnh vực mới mẻ. Các bộ ngành, hiệp hội nghề nghiệp, địa phương cần đề xuất chương trình, kế hoạch hành động, nêu ra những khuôn khổ pháp lý để làm cơ sở, để từ đó Quốc hội và Chính phủ tổng hợp thành chương trình hành động quốc gia, chọn lựa các vấn đề ưu tiên để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật cần thiết, tạo môi trường pháp lý.
Việc xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp Việt cho giai đoạn phát triển mới, với nền tảng của Luật Doanh nghiệp tư nhân, phải xem các tập đoàn kinh tế là trục cốt lõi, trong đó phải định vị theo đúng nguyên tắc thị trường hiện đại. Vai trò, chức năng của từng thành phần kinh tế không thể thiên kiến, chi phối quá trình ra chính sách. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia phải đi kèm với thừa nhận, bảo đảm bằng pháp luật sự bình đẳng các thành phần kinh tế trong các chính sách cơ chế.  
 Đổi mới nhưng theo cách thay cũ là không đủ, vì thời đại biến đổi nhanh nên điều kiện, xu hướng, tình thế và công cụ phát triển mới đòi hỏi những động lực mới. Mới ở đây có thể là kết nối số tự động, kinh tế chia sẻ, phải chấp nhận trả giá chuyển đổi, phải chú trọng xây dựng hệ thống thể chế và phát triển công nghệ, phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống trong điều kiện chuyển nhanh sang thời kinh doanh số. 

Các tin khác