Kinh tế Việt Nam

Vốn nhà nước phải mang tính dẫn dắt

(ĐTTCO) - Sau loạt bài “Định hướng phát triển kinh tế 2016-2020” đăng trên chuyên mục Chủ điểm - Sự kiện số ra ngày 1, 5 và 8-12, ĐTTC đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Để bạn đọc tiếp tục nhìn nhận về vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

(ĐTTCO) - Sau loạt bài “Định hướng phát triển kinh tế 2016-2020” đăng trên chuyên mục Chủ điểm - Sự kiện số ra ngày 1, 5 và 8-12, ĐTTC đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Để bạn đọc tiếp tục nhìn nhận về vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

TCC nền kinh tế quá chậm

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016 và dự báo ra sao về những năm tới? 

Vấn đề bây giờ không chỉ là huy động nguồn lực mà phải sử dụng hiệu quả những nguồn lực đang có. Theo đó, cần phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, nếu không các dòng chảy sẽ khô cạn dần, không thể tạo được các dòng chảy, các dòng xoáy, mở rộng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

TS. TRẦN DU LỊCH: - Năm 2016, nền kinh tế thực hiện 4 mục tiêu cơ bản vĩ mô: tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm và xuất khẩu ròng, để củng cố giá trị đồng tiền và dự trữ ngoại hối. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đã đề ra, còn các mục tiêu khác thực hiện tốt. Thực ra mục tiêu lớn trong 2016 là tiếp tục quá trình xử lý các vấn đề nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM), giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu (TCC) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa… đạt được tương đối, dù chúng ta mong muốn nhiều hơn.

 Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng quá trình TCC nền kinh tế quá chậm, chúng ta đối đầu với nợ công đạt trần, không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước. Công cụ về tài khóa, chính sách hạn chế, một phần công cụ chính sách tiền tệ cũng hạn chế.

Do đó, năm 2017 chưa thể có sự khởi sắc mạnh mẽ. Dù vậy, với đà phục hồi tăng trưởng từ năm 2013 đến nay, nếu giải quyết được các vấn đề nợ xấu, thị trường mua bán nợ, giữ lạm phát dưới 5%, ổn định giá trị đồng tiền, đặc biệt có phương án tốt trong việc thoái vốn các DNNN để dùng nguồn lực này kích thích đầu tư, tôi nghĩ năm 2017 sẽ ổn định hơn để tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển từ năm 2018 trở đi. Với giai đoạn 2016-2020, nhìn trên tổng thể, tốc độ tăng trưởng có thể đạt được theo trung hạn, tức 6,5-7%.

- Để tiếp tục đẩy mạnh TCC nền kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự kiến cần khoảng 10,5 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông, làm cách nào để huy động được nguồn vốn này?

- Khoản tiền 10,5 triệu tỷ đồng tương đương 480 tỷ USD đang được cho là nhu cầu vốn để TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nhưng theo tôi, đây là tổng đầu tư xã hội trong giai đoạn tới để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5-7%. Do đó, nếu nghĩ rằng 10,5 triệu tỷ đồng này dùng để TCC nền kinh tế cần phải đánh giá lại.

Thực chất kế hoạch TCC và chuyển đổi mô hình tăng trưởng Quốc hội đã thông qua gắn liền với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong tổng nguồn vốn đầu tư có phần phục vụ cho mục tiêu TCC, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo dự báo, nguồn vốn này có phần nguồn vốn của ngân sách nhà nước (NSNN) và của tư nhân. Cụ thể, NSNN khoảng 3,57 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 1,4 triệu tỷ đồng; vốn ODA và vốn vay ưu đãi 39,5 tỷ USD; thoái vốn nhà nước tại các DN 15-20 tỷ USD…

Với cách tính như vậy, theo tôi có 2 vấn đề quan trọng đặt ra. Thứ nhất, phần vốn nhà nước sẽ đầu tư như thế nào để trở thành vốn mồi và huy động được các nguồn vốn khác. Thứ hai, TCC gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nghĩa là việc thay đổi mô hình tăng trưởng phải thực hiện như thế nào để định hướng cho phần đầu tư nhà nước trở thành nguồn vốn mang tính dẫn dắt nền kinh tế.

Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

- Vậy trong giai đoạn tới những mục tiêu nào cần phải tập trung thực hiện để TCC đạt mục tiêu, thưa ông? 

Một trong những chỉ tiêu cần đánh giá trong giai đoạn 2016-2020 là tỷ trọng đầu tư của nguồn vốn nhà nước so với tổng đầu tư xã hội. Tỷ trọng này phải giảm dần, có thể là số tuyệt đối tăng nhưng tỷ trọng phải giảm. Chẳng hạn, nếu trước đây trong tổng đầu tư xã hội, phần đầu tư nhà nước chiếm 30%, trong giai đoạn tới phải giảm xuống thấp hơn mức này.

- Quá trình TCC giai đoạn 2011-2015 đã đạt một số kết quả, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại lớn, nhất là đối với 3 lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu tái cấu trúc đầu tư công, NHTM và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng thực hiện vẫn còn dang dở, dù đó là trọng tâm ưu tiên trong giai đoạn trước. Trong đầu tư công còn tồn tại vấn đề liên quan đến việc thay đổi phương thức phân bổ ngân sách, cách sử dụng NSNN. Với mục tiêu tái cấu trúc NHTM, tuy đạt được một số kết quả như ổn định hệ thống, kéo giảm lãi suất, giảm một phần nợ xấu, hợp nhất sáp nhập một số NH để tránh nguy cơ đổ vỡ, nhưng để lành mạnh hóa toàn bộ hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm rủi ro cho lĩnh vực tài chính NH vẫn là bài toán phải giải ở phía trước, tức còn khá nhiều việc để làm.

 Một điểm đáng quan tâm nữa, là bên cạnh việc tái cấu trúc 3 lĩnh vực ưu tiên, trong Quyết định 39 ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án TCC tổng thể nền kinh tế trong tất cả lĩnh vực, đến nay các lĩnh vực khác chưa tái cấu trúc được.

Chẳng hạn, mục tiêu trong lĩnh vực công nghiệp là phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyển từ gia công sang sản xuất, hay trong nông nghiệp phải TCC toàn bộ các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu… vẫn chưa có kết quả. Đồng thời, các nội dung trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại thực hiện được cũng còn rất hạn chế. Tôi cho rằng, tồn tại lớn nhất là chúng ta đưa ra mục tiêu rất nhiều nhưng giải pháp đồng bộ để xử lý chưa có.

Do đó, trong thời gian tới, để thúc đẩy quá trình TCC 5 trọng tâm và thực hiện 10 nhiệm vụ ưu tiên Chính phủ đề ra, cần phải xem lại và bổ sung, hoàn thiện một số chính sách. Thí dụ, lĩnh vực nông nghiệp phải giải quyết vấn đề thay đổi phương thức tổ chức sản xuất phù hợp, vấn đề nông hộ, sản xuất theo kinh tế hộ, giải quyết cơ cấu cây trồng vật nuôi thế mạnh, những rủi ro do điều kiện tự nhiên, cũng như bài toán về thị trường cho ngành nông nghiệp.

Trong công nghiệp, tập trung lớn nhất vẫn là vấn đề chuyển từ gia công sang sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành luật hỗ trợ DNNVV. 3 lĩnh vực ưu tiên TCC vẫn phải tiếp tục nhưng trọng tâm TCC phải hướng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ khai thác tài nguyên thô, lao động rẻ, tăng trưởng dựa trên vốn sang tăng trưởng dựa trên chất lượng, lao động tay nghề cao và yếu tố quản lý.

CPH DNNN chưa đạt được như kỳ vọng.

CPH DNNN chưa đạt được như kỳ vọng.

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn

- Một vấn đề cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm là làm thế nào để sử dụng có hiệu quả vốn nhà nước trong đầu tư tái cấu trúc, quan điểm của ông ra sao?

- Tôi cho rằng muốn sử dụng có hiệu quả của vốn nhà nước trong vấn đề đầu tư tái cấu trúc, đầu tiên phải đánh giá lại nguồn lực, đẩy nhanh tiến trình thoái vốn của khu vực nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực thúc đẩy tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển, không theo đuổi vấn đề kinh doanh và lợi nhuận.

Nguồn lực này rất lớn từ việc thoái vốn các DNNN hiện nay để tiến hành tái cấu trúc. Không sử dụng nguồn vốn từ việc thoái vốn của DNNN để chi tiêu hay bù đắp thâm hụt, mà phải đầu tư vào những mục tiêu và chương trình rất cụ thể. Muốn vậy, Quốc hội phải giám sát việc sử dụng vốn, vì nếu mất chúng ta sẽ không có nguồn nào để bù đắp.

Thứ hai, mặc dù tái cấu trúc đầu tư công đã có Luật Quản lý đầu tư công, Luật Nợ công, song phải xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay vẫn theo kiểu xin-cho, ban phát, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, như vậy sẽ dàn trải.

Thứ ba, liên quan đến lĩnh vực này cần phải xem xét lại tình trạng đầu tư dàn trải, xem lại quan điểm liên quan đến cơ cấu kinh tế địa phương. Từ đó có chính sách đầu tư cho các vùng kinh tế để tạo điều kiện khai thác lợi ích chung. Đây là cũng là những vấn đề nằm trong 10 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên Chính phủ đề ra và Quốc hội đã thông qua trong kỳ họp tháng 11 vừa rồi.

Trong tất cả nhiệm vụ ưu tiên trên, theo tôi vấn đề ưu tiên nhất là rà soát lại thể chế, nếu không sẽ không tạo động lực để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chung được. Các vấn đề xã hội như đầu tư và kết cấu hạ tầng cũng liên quan đến thể chế; hay giải quyết bài toán nợ xấu, thị trường mua bán nợ cũng liên quan đến thể chế.

Tất cả vấn đề này đều có thể thực thi được nhưng lại đang vướng mắc thể chế, dẫn đến không tiến hành được. Chính phủ muốn xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển hay chính quyền liêm chính phải bắt đầu từ việc rà soát lại thể chế. Trong quản lý hành chính, vấn đề phân cấp phân quyền phải minh bạch, cơ chế giám sát rõ ràng, đặc biệt phải phát huy được sự năng động của chính quyền địa phương.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác