Vốn FDI: Đua dự án, hiệu quả bèo bọt

(ĐTTCO) - Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đã đạt ngưỡng hàng trăm tỷ USD, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia (TNCs) như Samsung, Intel, LG, Microsoft, Canon, Honda, Toyota… đã đầu tư nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD tại nước ta. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC về việc chuyển giao công nghệ giữa TNCs với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, TS. ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng mục tiêu tạo lan tỏa, kết nối DN trong nước vào mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs vẫn chưa đạt được.

(ĐTTCO) - Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đã đạt ngưỡng hàng trăm tỷ USD, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia (TNCs) như Samsung, Intel, LG, Microsoft, Canon, Honda, Toyota… đã đầu tư nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD tại nước ta. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC về việc chuyển giao công nghệ giữa TNCs với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, TS. ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng mục tiêu tạo lan tỏa, kết nối DN trong nước vào mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs vẫn chưa đạt được.

Bất ổn chính sách ưu đãi  

Nếu đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa cao, nhà đầu tư FDI không cần đến lợi thế lao động giá rẻ. Đây là vấn đề đầu tiên cần xem lại trong chiến lược thu hút đầu tư FDI, cần định vị lại các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI. Nếu không nâng cấp được trình độ lao động, không bao giờ thu hút được nhà đầu tư FDI với công nghệ hiện đại.

PHÓNG VIÊN: - Vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục trong quý I-2017, nhưng với chính sách thu hút đầu tư FDI hiện nay, nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào đầu tư FDI. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?

 TS. ĐỖ THIÊN ANH TUẤN: - Khu vực FDI đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2016. Cụ thể (không kể dầu thô xuất khẩu) DN FDI đạt 123,5/175,9 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tại sao khu vực FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn như vậy, và nếu không có khu vực FDI tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt bao nhiêu? Phải thừa nhận một thực tế rằng năng lực xuất khẩu của DN trong nước kém nên khu vực FDI giữ vị trí chủ chốt trong xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề này cần nhìn lại chính sách hỗ trợ, cũng như vực dậy khu vực trong nước.

Hiện đang có sự chênh lệch trong chính sách ưu đãi, bảo hộ và trợ cấp cho khu vực DN. Theo thứ tự, khu vực DNNN nhận ưu đãi nhiều nhất, tiếp đến là DN FDI và cuối cùng là DN tư nhân. Sự bất cập trong chính sách dành ưu đãi cho DN FDI đã được chỉ ra nhưng dường như đến nay vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.

Vì thế, vấn đề đặt ra là những chính sách ưu đãi phải công bằng, bình đẳng, tương xứng, không chênh lệch giữa các thành phần kinh tế, như giữa khu vực FDI với khu vực trong nước, giữa khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Không có lý do gì chỉ dành các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng cho DN FDI, trong khi khu vực DN trong nước lại không được hưởng.

Tôi cũng xin nói thêm rằng trong số hơn 300 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI hiện nay chỉ 158,45 tỷ USD (khoảng 52,6%) được giải ngân, còn lại là vốn chưa được giải ngân, hoặc vốn đăng ký các dự án treo. Thực trạng này đang gây lãng phí tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, một số địa phương xúc tiến đầu tư công bố mục tiêu thu hút đầu tư FDI 5, 10 hay 15 tỷ USD, sau đó để chạy thành tích cấp phép đầu tư, trong đó có cả những dự án khả năng triển khai rất thấp.

Chính vì vậy mới có tình trạng nhà đầu tư cam kết đầu tư xong rồi để đó. Việc thẩm định dự án, đánh giá môi trường, nhiều địa phương lại làm sau khi đã cấp phép đầu tư. Điều này cần phải chấm dứt.

Lao động giá rẻ không còn là lợi thế 

Rất có thể kịch bản đầu tư vào Việt Nam của Intel sẽ lặp lại với Samsung, vì hiện chưa có một nền tảng CNHT cho ngành công nghiệp điện tử để Samsung bám rễ sâu vào thị trường Việt Nam, thông qua các mắt xích DN cung ứng Việt. Để có được điều này phải có chiến lược đầu tư cho R&D, chính sách nâng đỡ, hỗ trợ cho DN CNHT trong nước.

- Thưa ông, vì sao mục tiêu và chiến lược thu hút đầu tư FDI những năm qua là chuyển giao công nghệ và kết nối khu vực DN trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu của các TNCs vẫn chưa đạt được?

 - Mục tiêu này chưa đạt được nằm ở phía chúng ta, không nằm ở nhà đầu tư FDI. Thứ nhất, chúng ta duy trì quá lâu chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI là lao động và giá thuê đất rẻ, các ưu đãi về thuế phí. Với lợi thế này nhà đầu tư FDI đến Việt Nam thường không mang theo dự án đầu tư với trình độ công nghệ cao. Vì muốn tận dụng lao động giá rẻ họ chỉ cần đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ vừa phải, thậm chí công nghệ thấp, thâm dụng lao động.

Thứ 2, đến nay chúng ta vẫn chưa có nền tảng để nhận chuyển giao những công nghệ cao từ các TNCs, ngoại trừ Viettel, Thaco, FTP. Thí dụ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sau 10 năm có mặt tại Việt Nam (2006-2016), giá trị gia tăng của Tập đoàn Intel tạo ra tại Việt Nam chỉ ở mức 3% tổng chuỗi giá trị.

Đây là lý do Intel chỉ lắp ráp, kiểm định chip Intel mà không nghiên cứu, phát triển chip đó tại Việt Nam. Phía Intel giải thích vì bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn nhiều điều đáng ngại nên chưa chuyển giao công nghệ sản xuất chip.

Thực tế, 10 năm sau khi vào Việt Nam đóng góp của Intel cho nền kinh tế rất thấp. Xuất khẩu Intel khoảng 3-4 tỷ USD/năm nhưng giá trị gia tăng thấp, quy mô sử dụng lao động khoảng 1.200-1.300 lao động, đóng góp ngân sách rất hạn chế.

Nhưng lỗi cũng không phải ở họ, mà do chính chúng ta không tạo ra những cụm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để có thể gắn những mắt xích DN trong nước vào chuỗi giá trị Intel. Trước khi đến Việt Nam, Intel đã rời bỏ thị trường Costa Rica cũng sau 10 năm gắn bó, bởi Costa Rica thất bại trong việc gắn kết Intel với các mắt xích DN phụ trợ trong nước.

Với thực trạng như hiện nay, khả năng Intel rời khỏi Việt Nam rất cao. Hiện chưa nhìn thấy sự gắn kết của Intel với các mắt xích DN CNHT nội địa. Đến giờ DN trong nước chỉ làm những hộp giấy, cung cấp suất ăn công nghiệp và dịch vụ bảo vệ, dọn vệ sinh, chiếu sáng cho Intel. Có thể nói nếu ta không bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ, không nhà đầu tư FDI nào dám chuyển giao công nghệ cho DN trong nước.

Thực ra, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 1% ngân sách trong cơ cấu GDP. Chính vì vậy mới có hàng loạt tập đoàn trong nước thích đầu tư vào bất động sản, tài chính, ngân hàng. Rõ ràng tầm nhìn xa hơn đó là sự thất bại của thị trường, chính sách phát triển. Môi trường thể chế chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao.

Điển hình là năm 2016, sau khi Apple chọn được 2 địa điểm đầu tư nhà máy quy mô khoảng 1 tỷ USD tại châu Á là Việt Nam và Ấn Độ, nhưng cuối cùng họ chọn Ấn Độ để đầu tư vì môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn.

- Nhưng thực tế DN trong nước rất khó để trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho các TNCs đang đầu tư tại Việt Nam. Theo ông vì sao?

- Hiện không có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển CNHT trong nước, trong khi đó những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bảo hộ với nhà đầu tư FDI không đi kèm những ràng buộc về nội địa hóa. Thí dụ, những ưu đãi, trợ cấp, bảo hộ vô điều kiện cho DN FDI đầu tư vào ngành ô tô đã không đi kèm việc buộc họ phải cam kết nâng cao tỷ lệ nội hóa. Mặt khác, những bất cập về sự manh mún trong quy hoạch phát triển CNHT cũng cản trở quá trình chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư FDI.

Hiện tỉnh nào cũng thu hút FDI với những lợi thế giống nhau. Chẳng hạn, Vĩnh Phúc có nghị quyết về chiến lược phát triển CNHT tập trung vào công nghiệp ô tô, nhưng lại không liên kết với các địa phương khác để xây dựng lộ trình phát triển cho ngành này. Trong khi đó Vĩnh Phúc có thể liên kết với Quảng Nam, Hải Dương để cùng hoạch định chính sách chung cho phát triển CNHT ngành ô tô.

Chính vì mạnh ai ấy làm, địa phương nào cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi phát triển CNHT ô tô, mỗi tỉnh làm một cụm công nghiệp phát triển ô tô, không chuyên môn hóa được, dẫn đến không đủ quy mô thị trường để phát triển CNHT. Không thể đầu tư một công nghệ ép các linh kiện nhựa để cung cấp cho một thương hiệu ô tô lắp ráp vài chục ngàn chiếc, nó phải đạt doanh số hàng triệu chiếc.

Với thực trạng như hiện nay, khả năng Intel rời khỏi Việt Nam rất cao, bởi chưa nhìn thấy sự gắn kết của Intel với các mắt xích DN CNHT nội địa.

Với thực trạng như hiện nay, khả năng Intel rời khỏi Việt Nam rất cao,
bởi chưa nhìn thấy sự gắn kết của Intel với các mắt xích DN CNHT nội địa.

Những bài học rút ra

- Trong các mảng sáng, tối thu hút đầu tư FDI, Tập đoàn Samsung đầu tư chuỗi nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, TPHCM được coi là một thành công. Vậy thành công này mang đến bài học gì trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới, thưa ông?

- Không phải khi Samsung vào ta mới rút ra được bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI. Nhưng qua việc đầu tư của Samsung, chúng ta có thêm những bài học mới về những gì làm được và chưa làm được trong thu hút đầu tư FDI.

Thứ nhất, thu hút được những nhà công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Canon, LG... Ngược lại cũng có những bài học không thành công như kỳ vọng như trường hợp Intel. Đóng góp bước đầu của Samsung là tăng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2016 Samsung xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, đóng góp 22,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số này rất đáng trân trọng, đặc biệt là xuất khẩu hàng công nghệ. Nhưng nó giống tấm huy chương 2 mặt, đó là xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp. Các nhà CNHT trong nước hiện cũng chỉ cung cấp được những linh kiện đơn giản cho Samsung, vẫn chưa đủ khả năng để tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài học rõ ràng là tại sao 10 năm thu hút Intel vào, Việt Nam vẫn không có được những nhà cung cấp linh kiện đúng nghĩa cho Intel, để 10 năm sau lại phải bắt đầu với Samsung. Hiện có khoảng 190 DN tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung, trong đó có 12 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng, nhà cung cấp linh, phụ kiện cấp 2, nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở khâu đóng gói, bao bì.

Bên cạnh đó, Samsung đóng thuế nhiều, giải quyết một lượng lớn lao động cho khu vực phía Bắc. Tay nghề lao động làm việc cho Samsung sẽ được nâng cao và những nhân tố khởi nghiệp xuất hiện ngay trong chuỗi giá trị của Samsung, học hỏi được từ Samsung và quay lại cung cấp linh kiện cho chính tập đoàn này. Đáng lẽ những vấn đề này phải được đặt ra từ 20 năm trước.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác