Vàng và ngoại hối đã lặng sóng

(ĐTTCO) - Khác với các năm trước, từ đầu năm đến nay giao dịch trên thị trường vàng rất trầm lắng, giá vàng trong nước nhiều lần đi ngược chiều với giá vàng thế giới.
Vàng và ngoại hối đã lặng sóng

 Trong khi đó, USD cũng không còn những đợt tăng nóng mà được điều chỉnh giảm khiến NHNN phải nhiều lần chặn đà rơi tỷ giá.

Vàng liên tục lỗi nhịp

 Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Cùng với xu hướng biến động khó lường đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Mở đầu năm 2017, giá vàng SJC được CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 35,97-36,47 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới đến 5,1 triệu đồng/lượng. Trước đó trong năm 2016, giá vàng đã tăng hơn 3 triệu đồng/lượng, do đó các nhà đầu tư rất kỳ vọng giá vàng trong nước năm nay sẽ tiếp tục diễn biến tích cực.
Kỳ vọng này càng gia tăng khi giá vàng miếng SJC leo lên mức 36,53-36,98 đồng/lượng vào ngày 25-1 và đến ngày 3-2, vàng SJC lập đỉnh với mức giá 37,6-38 triệu đồng/lượng. Nhưng sau đó giá vàng dần dần suy yếu. Ngày 17-4, giá vàng SJC chỉ còn 37,02-37,3 triệu đồng/lượng và những tháng tiếp theo trượt dần khỏi mốc giá 37 triệu đồng/lượng. Cho đến ngày 12-7, giá vàng SJC đã lùi sâu về mức 36,1-36,32 triệu đồng/lượng, giá bán ra giảm 150.000 đồng/lượng so với đầu năm. 

Một điểm đáng chú ý trên thị trường vàng từ đầu năm đến nay là giá vàng trong nước tăng giảm rất chậm so với thế giới. Ngày 15-3, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 1%. Theo đó, giá vàng thế giới đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 9-2016. Tại New York, giá vàng giao ngay tăng 21,1USD/ounce, tương đương tăng gần 1,8%, chốt ở 1.220USD/ounce, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng thêm 4,5USD/ounce, đạt 1.225USD/ounce, nhưng giá vàng miếng trong nước chỉ điều chỉnh tăng 150.000 đồng/lượng. Đồng thời, có khá nhiều thời điểm trong hơn 6 tháng qua, vàng trong nước đi ngược chiều với giá vàng thế giới. 

Ngày 23-3, khi USD giảm xuống gần mức thấp nhất 6 tuần và lợi tức trái phiếu sụt giảm do bất ổn về chính sách kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,45% lên 1.250USD/ounce, vàng kỳ hạn tăng 3,2 USD lên 1.249 USD, trong khi giá vàng SJC lại điều chỉnh giảm 110.000 đồng/lượng. Ngày 3-4, giá vàng thế giới điều chỉnh giảm nhưng SJC và các công ty kinh doanh vàng khác điều chỉnh giá giao dịch vàng miếng tăng khoảng 20.000 đồng/lượng. Đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới đã có những bước hồi phục, song giá vàng trong nước lại lùi ngày càng sâu về sát mốc 36 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới dao động quanh mức 2,7 triệu đồng/lượng. 

Theo các chuyên gia, sau khi NHNN áp dụng Nghị định 24/2012 thu hẹp các đầu mối kinh doanh vàng, kiểm soát chặt cho vay, kinh doanh vàng miếng cũng như mua bán vàng miếng của hơn 2.000 doanh nghiệp trên cả nước, đã làm cho giao dịch vàng miếng SJC trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn, nên giao dịch vàng miếng cũng đã giảm xuống.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá vàng trong nước đã không theo kịp biên độ, xu hướng thế giới trong thời gian qua. Diễn biến này càng làm tăng thêm sự thận trọng của nhà đầu tư trong các quyết định, do đó giao dịch trên thị trường vàng càng ngày càng trầm lắng hơn. 

NHNN can thiệp giữ tỷ giá

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tỷ giá USD/VNĐ tại các NHTM và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm. Tính đến ngày 20-6, tỷ giá tại các NHTM xoay quanh mức 22.726 đồng/USD, giảm 0,17% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do bám khá sát với tỷ giá của các NHTM, giao dịch ở mức 22.735 đồng/USD, giảm 1,65% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 1,2%. Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền trong rổ tiền tệ đều tăng giá so với USD. 

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá thực hữu hiệu đã mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm. Trước diễn biến đó, chỉ trong vòng 6 tháng qua, NHNN đã 3 lần “ra tay” chặn đà rơi tỷ giá. Cụ thể, ngày 9-1, giá mua vào USD tại Sở Giao dịch NHNN tăng từ 22.300 đồng lên 22.575 đồng/USD, ngày 11-4 giá mua vào tiếp tục được nâng 100 đồng lên mức 22.675 đồng/USD và ngày 19-6 Sở Giao dịch NHNN tiếp tục nâng giá mua vào USD thêm 50 đồng lên 22.725 đồng/USD.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, tỷ giá tại các NHTM giảm xuất phát từ cung cầu của thị trường. Dù Việt Nam nhập siêu nhưng hiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, không có hiện tượng khan hiếm USD, cộng với hoạt động đầu cơ giảm dẫn đến tỷ giá giảm. Nhưng USD giảm giá, VNĐ tăng giá trị so với USD sẽ bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, do đó NHNN đã chủ động ngăn chặn đà rơi của tỷ giá.
Khảo sát thị trường cho thấy, sau 3 lần chặn đà rơi tỷ giá, tính đến ngày 12-7 tỷ giá USD/VNĐ cũng đã có sự hồi phục tốt, xoay quanh mức 22.700-22.770 đồng/USD. Nhiều ý kiến cũng dự đoán sau các đợt chủ động nâng giá mua vào USD, NHNN sẽ trở lại mua vào ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối.
Điều này đã được chính thức công nhận khi NHNN vừa cho biết trong 6 tháng đầu năm nay dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD mặc dù nhập siêu đã trở lại. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt được khoảng 41 tỷ USD vào cuối 2016. 

Như vậy có thể nói, việc FED tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm 2017 với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. 

Các tin khác