TTHC: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

(ĐTTCO) - Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng. Thế nhưng, việc cải cách hành chính đang được nhìn nhận là nhiệm vụ nặng nề thời gian tới, bởi điều này thường gắn bó mật thiết với yêu cầu về công khai, minh bạch và yếu tố con người.

(ĐTTCO) - Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng. Thế nhưng, việc cải cách hành chính đang được nhìn nhận là nhiệm vụ nặng nề thời gian tới, bởi điều này thường gắn bó mật thiết với yêu cầu về công khai, minh bạch và yếu tố con người.

Những bước chuyển động 

Những hạn chế trong việc cải cách TTHC không phải ở vấn đề kỹ thuật mà là quan điểm, nhận thức. Trên thực tế, công nghệ điện tử chỉ là công cụ trợ giúp, còn cốt lõi của vấn đề cần giải quyết là nhiều thủ tục còn nhiêu khê, phức tạp dẫn tới sự ì trệ, ách tắc. Sự thiếu chuyên nghiệp, minh bạch của đội ngũ cán bộ được cho do những thủ tục này.

Ông Vương Đình Huệ,Phó Thủ tướng Chính phủ

Bộ Công Thương vừa khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm cải cách, giảm tải các TTHC. Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ dịch vụ công cấp độ 3 và 4 tại một cửa. Việc triển khai cổng này nhằm thực hiện cam kết cải cách TTHC mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương, như đảm bảo toàn bộ quy trình được thực hiện trên mạng theo một quy trình xử lý thống nhất chung; cho phép người khai có thể thực hiện tất cả dịch vụ công trực tuyến của bộ thông qua tài khoản duy nhất; giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ doanh nghiệp phải nộp...

 Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục 15 TTHC được bãi bỏ và 108 TTHC đơn giản hóa. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, bãi bỏ quy định phải có bản chính hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, việc bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC sẽ tạo môi trường thông thoáng hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Công Thương thay vì quản lý tiền kiểm sẽ ưu tiên khâu hậu kiểm thông qua việc phối hợp với các địa phương, đảm bảo các chính sách được thực hiện phù hợp và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Trong năm 2017, hơn 300 TTHC do bộ này quản lý sẽ tiếp tục được rà soát để có phương án thay đổi nếu có bất cập và vướng mắc. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn trong năm 2017.

Thống kê từ kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cho thấy xếp hạng của Bộ Công Thương liên tục thụt dần đều: năm 2012 xếp 2/19, năm 2013: 6/19, năm 2014: 12/19 và năm 2015: 18/19. Chính vì vậy, theo ông Linh, năm 2016 bộ này phấn đấu đạt top 10 về chỉ số xếp hạng Par Index trong các bộ, ngành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này phải nhìn thẳng vào những tồn tại. Đó là hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu gắn với công tác thi đua, nên có tình trạng thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ thực hiện chưa đầy đủ; đánh giá chất lượng công chức, viên chức qua điều tra xã hội học về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ còn hạn chế...

Một bộ khác cũng có sự quyết liệt trong cải cách TTHC là Bộ Tài chính, cũng đạt được những kết quả ban đầu: tổng số giờ thực hiện của thuế 117 giờ (đã giảm được 420 giờ/năm); thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành; thực hiện kê khai thuế qua mạng đối với hơn 99% doanh nghiệp đang hoạt động; triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 9/14 bộ...

Vẫn còn gian nan, thách thức 

Việc bãi bỏ, đơn giản TTHC lần này nhằm thay đổi căn bản cách thức quản lý theo hướng chú trọng khâu hậu kiểm và đơn giản hơn nữa khâu tiền kiểm. Bởi dựng lên TTHC chỉ ngăn cản được người ngay, còn những doanh nghiệp, cá nhân có ý định lừa đảo cũng rất khó. Vì thế, tác động cải cách TTHC lần này còn phải chờ xem thực tế diễn ra ra sao.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Theo nhiều chuyên gia, việc đẩy mạnh cải cách TTHC để đạt mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những lý do nếu chỉ đạo quyết liệt, cắt bỏ, đơn giản hóa TTHC, đưa lên online cấp độ 3 và 4, xây dựng, thực hiện đúng đề án vị trí việc làm có thể ảnh hưởng đến cán bộ. Chính vì lẽ đó, vấn đề đặt ra là vai trò của bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị; tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công khai và hiện đại hóa TTHC... Bên cạnh đó là chế độ giám sát, kiểm tra và đôn đốc thực thi thông qua việc xây dựng quy trình giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực thi cải cách hành chính, họp rà soát tình hình hàng quý cho tới khi công tác cải cách hành chính đã thực sự đi vào nề nếp.

 Đánh giá về việc cải cách TTHC thời gian qua, ông Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho biết đến hết năm 2015, các TTHC đã được đơn giản hóa 4.481/4.723, đạt tỷ lệ 94,87%; TTHC được công bố, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết; nhiều đề án, sáng kiến cải cách TTHC mang tính đột phá như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương. Tuy nhiên, việc cải cách TTHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính còn chưa thực sự quyết liệt; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn còn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi còn yếu, có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực... Còn theo Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt. Tình trạng mệnh lệnh hành chính chưa được chấp hành một cách nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn lỏng lẻo và tình trạng tùy tiện, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan nhằm thúc đẩy thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đề án của Chính phủ. Trong đó, 76 nhóm văn bản Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung đến 11 bộ. Các kiến nghị của Bộ Tài chính tập trung vào việc tăng cường áp dụng phương pháp quản lý rủi ro (miễn, giảm kiểm tra, thừa nhận chứng nhận của nước xuất khẩu)... Văn bản cần sửa, bổ sung nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với 28 văn bản, ít nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1 văn bản. Điều đáng nói, đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 11-2015. Điều đó cho thấy, dù 1 bộ có nỗ lực cải cách TTHC trong khi các bộ khác không tích cực, các cải cách sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, giải pháp quan trọng là hành động để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Theo đó, trong thời gian tới cần phát huy những rà soát độc lập, những ý kiến phản biện đối với các quy định đang cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp; trước hết về điều kiện cấp phép, quy định TTHC. Qua quá trình rà soát một cách độc lâp các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo yêu cầu của Chính phủ, VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phát hiện hàng trăm vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa… Điều đó cho thấy hoàn toàn có thể phát hiện thêm rất nhiều những vấn đề tương tự đang tồn tại không chỉ tại rất nhiều thông tư mà trong các nghị định, luật.

Các DN kiến nghị với ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan bên lề hội nghị đối thoại với DN vào cuối năm. Ảnh: HẢI QUỲNH

Các DN kiến nghị với ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng
Tổng Cục Hải quan bên lề hội nghị đối thoại với DN vào cuối năm. Ảnh: HẢI QUỲNH

Tăng công khai, minh bạch

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, từ nay đến năm 2020, trọng tâm cải cách TTHC là kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC; đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80% vào năm 2020; tăng cường công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và trên trang thông tin điện tử cũng như niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết…

Còn theo Bộ Tư pháp, nhiệm vụ trọng tâm của cải cách TTHC giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đơn giản hóa và bảo đảm cắt giảm ít nhất 25% chi phí tuân thủ TTHC; thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo để bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất; tăng cường công khai, minh bạch TTHC, trong đó chú trọng việc công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý hoặc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương cũng như công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và trên trang thông tin điện tử…

Tại hội nghị sơ kết về cải cách hành chính vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cải cách hành chính cần tập trung cao nhất việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế  và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, loại bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua việc đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mọi TTHC; tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và có cơ chế giám sát việc thực hiện, tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu và phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Các tin khác