Trung tâm tài chính TPHCM: Công cụ chủ lực thu hút vốn

(ĐTTCO) - Chính quyền TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ chấp thuận chọn Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) làm nhà đầu tư dự án Trung tâm Tài chính TPHCM tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Đây là mô hình TPHCM ấp ủ từ hơn 10 năm nay, bởi trung tâm tài chính sẽ là công cụ chủ lực trong việc huy động các nguồn vốn trung, dài hạn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nguồn chi cho đầu tư của TP ngày càng khó khăn.

Đô thị Thủ Thiêm - trung tâm mới của TPHCM
 TPHCM đã là trung tâm tài chính của đất nước, nhưng muốn nó làm tốt chức năng của trung tâm này cần phải làm nhiều việc. Ước vọng chính đáng có thể trở thành hiện thực hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng không có chuyện “đi tắt, đón đầu, ngày một ngày hai” để TP trở thành trung tâm tài chính khu vực.
TS. Nguyễn Quang A
Theo quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị được UBND TPHCM ban hành, trung tâm tổng hợp chính của TP sẽ được mở rộng sang khu Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737ha, ngoài khu nội thành cũ rộng 930ha.
Theo đó, trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, một phần phường Bình An, Bình Khánh và được chia làm 5 khu vực chính gồm: khu lõi trung tâm chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía Nam. Dân số cư trú thường xuyên tại đây khoảng 145.400 người, có hơn 217.000 người đến làm việc thường xuyên và khoảng 1 triệu khách vãng lai ghé đến trong các dịp lễ hội.

 Thủ Thiêm sẽ được phân chia thành 8 khu chức năng. Điểm nhấn của trung tâm là công trình tòa tháp quan sát cao 86 tầng, dự án đã được UBND TP cho phép liên doanh Tiến Phước - Keppel Land (Singapore) thực hiện trên khu đất 8,7ha và sẽ là công trình cao nhất tại TP khi hoàn thành.
Cùng với đó, Quảng trường trung tâm với diện tích trên 20ha cùng công viên bờ sông rộng 9ha sẽ là nơi tập trung các công trình kiến trúc cảnh quan tiêu biểu, cảnh quan cây xanh mang tính biểu tượng. Khi hoàn thành đây sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với quy mô sức chứa tối đa lên đến 430.000 người. Một công trình khác nhằm phục vụ người dân là Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM cao 5 tầng, đây là công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn có các công trình công cộng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân như Nhà hát giao hưởng lớn, Nhà bảo tàng...  Hệ thống đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại Thủ Thiêm cũng được quy hoạch theo hướng mở với 4 tuyến đường chính: Đại lộ Vòng cung sẽ là tuyến trung tâm. Đường Ven hồ trung tâm đóng vai trò đối với phát triển du lịch và sinh thái học. Đường Ven sông Sài Gòn là tuyến bao quanh phía Tây bán đảo. Và tuyến đường Vùng châu thổ nối tiếp từ Đại lộ Vòng cung nằm ở vùng ngập nước phía Tây - Nam bán đảo. 4 trục đường chính này với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao đã được khởi công.  Về giao thông công cộng, Thủ Thiêm được quy hoạch có tuyến tàu điện ngầm nối từ khu trung tâm hiện hữu tại trạm cuối đường Hàm Nghi (quận 1) vượt sông Sài Gòn, đi ngầm sang Thủ Thiêm theo hướng từ Tây sang Đông về phía quận 2. Cùng với đó, 6 bến phà sẽ được xây xây dựng nhằm phục vụ di chuyển giữa quận 1, trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và những điểm chính dọc theo sông Sài Gòn. Một mạng lưới hơn 12 đường tàu taxi phục vụ cho việc di chuyển của công nhân và du khách đặt dọc theo lòng sông của Thủ Thiêm.Ước vọng chính đáng
 TP cần đến 40 tỷ USD để thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực… thuộc 7 chương trình đột phá được chính quyền TP đề ra từ nay đến năm 2020. Nhu cầu vốn lớn nhưng nguồn ngân sách TP không đảm đương nổi, nên đòi hỏi cần phải thu hút thêm các nguồn từ xã hội. Nhằm thu hút nguồn vốn từ các nước đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm, TPHCM sẽ hợp tác với một tập đoàn tài chính lớn thế giới xây dựng một cụm trung tâm tài chính lớn tại TPHCM
Ông Trần Vĩnh Tuyến,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM 
TS. Nguyễn Quang A, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho biết thực ra hiện nay TPHCM đã là một trung tâm tài chính của Việt Nam, vấn đề là nâng tầm như thế nào để thành trung tâm tài chính của khu vực (hay thế giới) là chuyện phải làm. Bởi đóng góp kinh tế của TP cho đất nước rất lớn: khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 30% tổng thu ngân sách.
Với vị trí như vậy TP không thể không là trung tâm tài chính của đất nước. Và quả thật, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) có mạng lưới rộng khắp ở TPHCM, không NH nào không có sự hiện diện tại TP. Tổng dư nợ của hệ thống NH trên địa bàn TP chiếm khoảng 30% tổng dư nợ toàn quốc. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM là sở giao dịch đầu tiên và chiếm vị thế dẫn dắt thị trường. Các công ty bảo hiểm, các NH đầu tư cũng phát triển mạnh tại TP. 

Tuy nhiên, theo TS. Quang A, để biến thành trung tâm tài chính lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP còn nhiều việc phải làm, chưa nói đến ước mơ thành trung tâm tài chính khu vực hay toàn cầu. Thứ nhất, hệ thống NHTM tuy đã có bước tiến lớn trong 20 năm qua, nhưng so với khu vực và thế giới vẫn còn rất yếu kém và không thể nhanh chóng cải thiện theo mong muốn.
Luật các tổ chức tín dụng và các quy định cho các tổ chức tài chính khác (quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, chứng khoán, tổ chức đánh giá tín dụng, các công ty quản lý tài sản...) cũng cần được cải thiện khẩn cấp. Không thể phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế nếu môi trường pháp lý của chúng ta chưa tạo điều kiện cho hội nhập thật sự. Đấy là vấn đề mấu chốt đầu tiên Nhà nước phải làm, có thể làm và không thể làm trong một sớm một chiều. Thứ hai, để trở thành trung tâm tài chính thực sự hữu hiệu của đất nước và của khu vực (hay quốc tế), phải có sự hiện diện của các tổ chức tài chính quốc tế lớn và tạo điều kiện cho họ hoạt động thuận lợi hơn, hay chí ít không kém các nước khác như Hồng Công, Singapore... Điều này lại liên quan đến nhiều luật lệ, từ thuế khóa, cư trú, xuất nhập cảnh, hoạt động hành chính, viễn thông...  Thứ ba, phải kéo những người nước ngoài đến làm việc. Muốn thế các thủ tục cư trú, xuất nhập cảnh, đi lại phải tốt, phải có cơ sở học hành, khám chữa bệnh tốt cho họ và gia đình họ. Đáng tiếc, tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục, y tế hiện nay chưa thật sự hấp dẫn họ.  Thứ tư, không chỉ những người nước ngoài, mà đội ngũ người lao động Việt Nam trong lĩnh vực này (và các lĩnh vực khác) cũng phải được cải thiện một cách đáng kể cho phát triển nói chung và cho ý muốn biến TP thành trung tâm tài chính nói riêng. Vấn đề này, trong lĩnh vực tài chính, khu vực tư nhân có đóng góp quan trọng, nhưng Nhà nước cũng có vai trò lớn trong giáo dục đào tạo. “Thực ra có những việc chỉ Nhà nước mới làm được như luật, nhưng có nhiều việc phải để cho (hay khuyến khích) khu vực tư nhân làm. Ước vọng là một đằng, nhưng chính sách tốt và có các biện pháp cụ thể để thực thi và kiên quyết thực thi lại là chuyện khác. Do vậy, để thực hiện ước vọng biến TPHCM thành trung tâm tài chính mạnh, chính quyền TP phải thuyết phục Chính quyền Trung ương thay đổi luật pháp, có các chính sách tốt ở địa phương nhằm tạo ra môi trường thuận lợi - TS. A nhấn mạnh.
Trung tâm tài chính TPHCM: Công cụ chủ lực thu hút vốn ảnh 1 Một góc khu dân cư nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm đang hình thành. 
Ảnh: LONG THANH
 
Xây dựng các cụm trung tâm tài chính
Tại cuộc họp với các sở ngành vào tháng 6 vừa qua, khi bàn về kế hoạch xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2017-2020, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết việc hợp tác xây một cụm các trung tâm tài chính lớn tại TP vừa mới được lãnh đạo UBND TP bàn bạc với một tập đoàn đối tác nước ngoài đầu tư vào những dự án trọng điểm của TP.
Hiện nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại TP bao gồm 4 nguồn chính: ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, trái phiếu phát hành hàng năm và nguồn thu hút từ các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính nước ngoài. Ông Tuyến cho biết, dự án cụ thể trước mắt được tập đoàn tài chính này xúc tiến thu hút nguồn vốn cho TP là tuyến metro TPHCM - Bình Dương. Tuy nhiên tên tuổi của tập đoàn tài chính lớn nói trên chưa được tiết lộ.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP giai đoạn 2011-2015 đạt gần 1.193.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9% mỗi năm và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa TP. Trong đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt khoảng 250.880 tỷ đồng (chiếm 21%), khu vực ngoài nhà nước mà phần lớn từ doanh nghiệp tư nhân gần 729.454 tỷ đồng (chiếm 61%) và còn lại từ các nguồn khác.
TPHCM có chủ trương thu hút đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) cho đến nay là 20 dự án, với tổng vốn khoảng 67.200 tỷ đồng theo các hình thức như xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO).

Thực tế những năm gần đây đã từng có một số tập đoàn nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư trung tâm tài chính tại TPHCM. Chẳng hạn Tập đoàn Berjaya của Malaysia từng đề nghị xây Trung tâm tài chính Việt Nam tại quận 10, sau đó đến tháng 10-2016, Tập đoàn Vinci Construction của Pháp cũng đề nghị được hợp tác với Berjaya xúc tiến dự án trung tâm tài chính có số vốn đầu tư lên đến 930 triệu USD. Mới đây, một liên doanh gồm 3 nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đề xuất đầu tư xây dựng một khu phức hợp, trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm với giá trị đầu tư 4 tỷ USD trên diện tích 11 ha…

Các tin khác