TPHCM: Vượt qua thách thức, bứt phá đi lên

(ĐTTCO) - LTS: TPHCM luôn đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP cũng là nơi được xem là “đất lành” thu hút người dân nói chung và giới đầu tư nói riêng. 
Tuy nhiên từ thực tiễn đó cũng phát sinh rất nhiều áp lực trong quá trình phát triển của TP, từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội… Trong bối cảnh đó, bên cạnh những quy định chung của Trung ương, những người lãnh đạo TP luôn trăn trở tìm kiếm những giải pháp đột phá để TPHCM phát triển xứng tầm, bền vững. Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP (ảnh), đã trao đổi với ĐTTC về một số nội dung liên quan.
Những dấu ấn đột phá
PHÓNG VIÊN: - Thưa Chủ tịch, thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, TP thực hiện 7 Chương trình đột phá để xứng đáng là đô thị hàng đầu của cả nước. Đến nay TPHCM đã có những bước tiến nào tạo đà phát triển?
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG: - Thực hiện 7 chương trình đột phá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND TP nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ngay sau khi ban hành kế hoạch triển khai, lãnh đạo đã chỉ đạo từng chương trình phải thành lập Ban Chỉ đạo, chi tiết công việc thực hiện từng quý, từng năm và tổ chức ngay 6 Đoàn công tác do các đồng chí Thường trực UBND TP làm Trưởng đoàn để góp ý kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị.  
TPHCM: Vượt qua thách thức, bứt phá đi lên ảnh 1
 Vừa qua, tôi cũng đã kiểm tra các nội dung trên, nhìn chung 7 chương trình đột phá đạt được những kết quả tích cực. Điển hình như chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh có 10/13 chỉ tiêu hàng năm hoàn thành và 38/64 đề án đã xây dựng xong. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện khi trong 7 tháng năm 2017 có 23.000 doanh nghiệp thành lập mới và gần 1.000 hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào TP đạt 2,75 tỷ USD gấp 2 lần cùng kỳ. Các chương trình còn lại cũng có chuyển biến mạnh mẽ, đã có 20-30% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4; thông xe cầu vượt Trường Sơn, cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...
Kết quả đó, đã góp phần tăng trưởng kinh tế TP đạt 8,05% năm 2016 và 7,76% trong 6 tháng năm 2017; đồng thời, được Tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics của Anh đánh giá đứng thứ 2 châu Á về tăng trưởng nhanh. - TPHCM vẫn thể hiện là đầu tàu kinh tế cả nước với những bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch có thể nêu những điểm khái quát so với Sài Gòn trước đây, vị thế mới TPHCM xác lập là gì?
- Sau 42 năm xây dựng, đổi mới, phát triển và hội nhập, TPHCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, là nơi khởi xướng và đi đầu của cả nước về khát vọng vươn lên. Dấu ấn nổi bật của TP là phát triển kinh tế khá nhanh, bình quân 5 năm tăng trưởng kinh tế gấp đôi. Dấu ấn thứ hai là phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Ngân hàng Thế giới đã đánh giá dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đóng vai trò như một điểm chuẩn thành công trong cách thức sử dụng các tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn để cải thiện đời sống người dân. Sự thành công của việc cải tạo hệ thống kênh rạch kết hợp với chỉnh trang đô thị đã giúp cải thiện đáng kể môi trường sống cũng như hình ảnh của TP. Đây là công việc rất khó khăn, nhiều TP trên thế giới không thể làm.
Dấu ấn thứ ba là TP đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo, như xây dựng các khu chế xuất - khu công nghiệp; sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Dấu ấn thứ tư là công tác giảm nghèo nhanh chóng, TP đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và từ năm 2015 công tác giảm nghèo đã bước sang một giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều (chuẩn thế giới). Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.428USD, cao gấp 14,5 lần so với năm 1976. Tăng trưởng theo chiều sâu
 - Vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy kế hoạch hành động của TP ra sao và giải pháp về vấn đề này như thế nào để xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt, thưa ông?
Những kết quả trên là công sức, trí tuệ, tâm huyết, mồ hôi nước mắt của bao thế hệ đồng bào, đồng chí qua 42 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP thân yêu. So với Sài Gòn - Gia Định 42 năm trước đây, quy mô kinh tế TP tăng gấp nhiều lần, đã trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí chính trị - kinh tế quan trọng của cả nước. 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong
- Vấn đề người dân quan tâm cũng là sự trăn trở của lãnh đạo TP và cá nhân tôi. TP của chúng ta đang phát triển nhanh nhưng trên nền hiện trạng của một đô thị cũ với quy mô dân số vừa phải. Trong khi đó, chúng ta đang thấy bóng dáng của một siêu đô thị với quy mô dân số gần 13 triệu dân.
Thực tiễn phát triển đô thị đang đặt ra những vấn đề lớn buộc chúng ta phải giải quyết song không thể nóng vội, làm một sớm một chiều, mà phải có lộ trình và giải pháp đồng bộ, cùng với đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và có sự chia sẻ, chung lòng, chung sức của người dân TP. 

Ngoài các giải pháp đã đề ra tại 7 chương trình đột phá, trước hết TP cần khẩn trương triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, trong đó các vấn đề người dân quan tâm phải đặt lên ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, TP phát triển các khu đô thị vệ tinh, để mật độ dân cư không tập trung quá lớn tại nội thành, gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng. TP cũng cần phát triển đồng bộ các loại thị trường để giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
Bên cạnh đó, TP phải thực hiện bằng được liên kết vùng, liên kết với các địa phương lân cận để tận dụng, mở rộng và tối ưu hóa nguồn lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của TP. Hiện nay, TP kiên trì kiến nghị với Trung ương cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế về tài chính để tạo ra nguồn thu và đóng góp ngân sách quốc gia nhiều hơn. Ngoài ra, TP cần có khát vọng cao hơn, đó là nằm trong top 10 TP đẳng cấp thế giới (TP toàn cầu). 

- Thưa Chủ tịch, trong xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay và kỷ nguyên công nghiệp 4.0, TPHCM đã làm gì và sẽ làm gì để không tụt hậu, thực hiện phương châm đi trước về đích trước?

- Lợi thế lớn nhất của TPHCM là cung cấp dịch vụ và sản phẩm giá trị gia tăng cao. Do đó, TP sẽ tìm những giải pháp để khơi dậy lợi thế này để biến thành trung tâm dịch vụ cho khu vực.
Trước mắt, TP tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông các điểm nghẽn trong cải cách hành chính; hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để sản xuất ra các sản phẩm đồng nhất về tiêu chuẩn, chất lượng vượt trội các sản phẩm truyền thống; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ, chất xám cao vào Khu công viên Phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ cao, nhằm cung cấp những dịch vụ cao cấp có giá trị gia tăng cao góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của TP. 

TP sẽ tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn. Đó là sự phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; hoạt động kinh tế chủ yếu của TP trong dài hạn là dịch vụ và sáng tạo. 

Hỗ trợ khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp

- Việc thực hiện gói 1.000 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển sang doanh nghiệp, gói 2.000 tỷ đồng ngân sách cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, và hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, TPHCM thực hiện ra sao và kết quả bước đầu như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, TP đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp có thể lớn mạnh trên sân nhà, trong đó, chương trình kích cầu đầu tư và chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những đặc trưng của TP.
Đến nay, 2 chương trình trên đã được HĐND bố trí 3.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong 7 tháng năm 2017, TP đã hỗ trợ cho 97 dự án tham gia chương trình kích cầu với tổng mức đầu tư đạt 5.000 tỷ đồng, vốn vay ngân sách hỗ trợ lãi suất 2.700 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó số lượng các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay (VIISA đạt 5%, VSVA đạt 8%).

Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia chương trình theo hướng tập trung hơn vào những lĩnh vực mới, có triển vọng, phát huy lan tỏa đối với nền kinh tế như năng lượng tái tạo, vật liệu mới, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), các dự án gắn với Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh...

-  Khai thông hạ tầng các cửa ngõ như khu Đông, Tây Bắc Củ Chi, Tây Nam và hướng Nhà Bè - Cần Giờ cũng được người dân và nhà đầu tư quan tâm. Kỳ vọng bộ mặt mới của TPHCM thời gian tới như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Việc khai thông hạ tầng các cửa ngõ TP sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng vượt bậc so với tốc độ tăng trưởng hiện nay.
Là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn của cả nước và khu vực, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng TP sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, sớm nằm trong top 10 TP đẳng cấp thế giới, trong đó các cửa ngõ của TP là những khu đô thị sinh thái (city garden), đây không phải là ước mơ không có cơ sở thực tế bởi nhiều nơi như Singapore,  Kuala Lumpur, Jakarta đã làm được.

- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch. 

Các tin khác