TPHCM: Cơ chế phù hợp, đột phá phát triển

 
(ĐTTCO) - Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã mở ra nhiều cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho TPHCM huy động tối đa nguồn lực cho sự phát triển, xứng tầm là trung tâm kinh tế - tài chính - đô thị lớn nhất nước và cả khu vực.
TPHCM cần một cơ chế đặc thù phù hợp mới tạo sự đột phá. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM cần một cơ chế đặc thù phù hợp mới tạo sự đột phá. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, hiện nay về quy mô kinh tế và lợi thế cạnh tranh, TPHCM cũng mới so sánh với các địa phương trong nước và còn nhiều thách thức cạnh tranh trong khu vực. Do đó, để phát huy vị trí của mình, TPHCM rất cần có cơ chế quản lý phù hợp mới mong tạo sự đột phá, vươn tầm khu vực.

“Chiếc áo thể chế”vẫn quá chật

TPHCM với diện tích tự nhiên 2.095km2, nhưng khu vực nội thành cũ (gồm 13 quận) chỉ 142km2, dân số khoảng 4 triệu người, mật độ 28.000 người/km2, 6 quận mới đang đô thị hóa với diện tích 351km2. Như vậy, hiện trạng TPHCM bao gồm khu vực đô thị với diện tích đã đô thị hóa khoảng 300km2 (gồm diện tích 13 quận nội thành cũ và diện tích đã đô thị hóa của 6 quận mới), chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên và vùng nông thôn bao bọc chiếm khoảng 7 lần diện tích đã đô thị hóa.

Hiện nay chính quyền 13 quận nội thành cũ chịu trách nhiệm quản lý chỉ 6,7% diện tích nhưng với gần 50% dân số, trong khi chính quyền 6 quận mới và 5 huyện quản lý 50% dân số và 93,3% diện tích. Do vậy quá trình trên sẽ thay đổi theo tiến trình chỉnh trang và phát triển đô thị mới đang diễn ra.

Về lĩnh vực kinh tế, TPHCM có quy mô chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách quốc gia; mức thu nhập dân cư bình quân gấp hơn 2,5 lần mức chung cả nước... Thế nhưng, TP luôn là một bộ phận cấu thành cơ cấu kinh tế của cả nước, với mô hình quản lý đô thị không khác biệt so với 62 tỉnh, thành khác.

Sự năng động, sáng tạo của TP không thể thay thế sự đổi mới về chính sách, thể chế kinh tế chung của cả nước, nên trong nhiều năm qua những  kiến nghị của TP đối với Trung ương trước hết là nhằm tháo gỡ về mặt thể chế cho TP phát triển. Chúng ta thường nói TP không xin tiền mà xin cơ chế, hay thường ví chiếc áo về thể chế quá chật đối với cơ thể ngày càng lớn của TP.

Từ khi có Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị (năm 2002), cho phép TP áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để có thể huy động nguồn lực cho sự phát triển, như “tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn và cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định, hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp…”.

Nhưng trên thực tiễn 15 năm qua, để thực hiện nội dung này TPHCM đã gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật đã bao phủ hầu hết lĩnh vực. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự năng động, sáng tạo vốn có của người dân TP.

Thách thức cạnh tranh

Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang mô hình kinh tế thị trường, nếu tính từ đầu thập niên 90, TPHCM đã là nơi lập nghiệp và thành đạt của hàng vạn doanh nhân từ mọi miền đất nước. Nếu hiện nay tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mới cũng phù hợp với vị trí vai trò của TP đang là trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Tuy nhiên, về quy mô kinh tế và lợi thế cạnh tranh, TPHCM cũng chỉ so sánh được với các địa phương trong nước, trong khi vị trí vai trò của TP phải đặt ở tầm cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN, như yêu cầu của Nghị quyết 20 (năm 2002) và Nghị quyết 16 (2012) của Bộ Chính trị về TPHCM.

Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng hơn 150.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 300.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. So với TP gần 10 triệu dân, đây vẫn là con số khiêm tốn. TP chưa thu hút được các tập đoàn, công ty đa quốc gia đặt trụ sở hoạt động quy mô khu vực và châu lục như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur...; chưa có những “con sếu đầu đàn” trong các ngành kinh tế nhằm  tác động lan tỏa, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có 3 yếu tố chính để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút doanh nghiệp, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và  cơ sở hạ tầng đô thị. Cả 3 yếu tố này đang là điểm yếu của TP, thậm chí có những yếu tố chưa thể vượt trội các địa phương khác trong nước, như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...

Theo định hướng quy hoạch TP đến năm 2025, tổng diện tích đô thị đạt khoảng 530km2, gấp gần 2 lần hiện nay và gấp 4 lần so với lịch sử hình thành đô thị của Sài Gòn - Chợ Lớn đã thực hiện trong 300 năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu văn minh và hiện đại ngang tầm các đô thị khác trong khu vực TP vẫn chưa đạt được, dù đang hình thành “một siêu đô thị”, có vị trí rất quan trọng so với các đô thị lớn trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Điều này cho thấy việc phát triển đô thị mới và chỉnh trang đô thị cũ là nhiệm vụ rất quan trọng đối với TP.

Như vậy, đối với tổ chức bộ máy chính quyền TP hiện hữu, nhiệm vụ này khó có thể đáp ứng được. Từ các đặc điểm nêu trên, cho thấy cần phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu xây dựng quản lý đô thị và điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Đây cũng là yêu cầu khách quan, cần thiết để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn,  phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, phân định rõ nét chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và hải đảo.

Phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị

Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra 7 chương trình đột phá tương đối toàn diện, nếu triển khai có hiệu quả những nội dung, mục tiêu của 7 chương trình này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của TP trong những năm tới.

Hiện nay có điều kiện pháp lý thuận lợi là mô hình chính quyền đô thị đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và đã được luật hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Theo đó, Điều 111 Khoản 2, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã chế định khá cụ thể. Điều 4, Khoản 3 Luật Chính quyền địa phương quy định chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở TP trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, địa phương, thị trấn.

Luật cũng đã dành hẳn Chương III từ Điều 37 đến Điều 71 để chế định mô hình chính quyền ở các loại đô thị như TP, quận, thị xã, thị trấn. Như vậy, một số hạn chế do hiến định trước đây về tổ chức chính quyền đô thị đã được Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tháo gỡ, tạo điều kiện cho TP xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Do tính đặc thù của đô thị, nên chính quyền của hầu hết đô thị trên thế giới, không phân biệt quy mô, đều có 2 điểm chung là tính tự quản cao để phát huy tiềm năng của đô thị và có nền hành chính theo chế độ thị trưởng do thị trưởng đứng đầu. Ở nước ta, đô thị có 4 tên gọi là TP, quận, thị xã, thị trấn và dựa vào quy mô  để phân thành loại  đặc biệt, loại 1, 2, 3...

Một đặc  điểm cần lưu ý về khái niệm đô thị của nước ta tuy gọi đô thị nhưng nhiều TP, thị xã có địa bàn nông thôn rộng hơn, thậm chí dân cư nông thôn nhiều hơn. 2 đô thị xếp hạng đặc biệt là Hà Nội và TPHCM thực ra là mô hình 1 đô thị cộng với 1 tỉnh nông nghiệp, nên không thể áp dụng quy chế đô thị cho quy mô toàn TP, mà chính quyền TP (gọi là đô thị) phải quản lý cả nông thôn. Nhiều TP và thị xã thuộc tỉnh cũng có đặc điểm tương tự.

Hơn nữa, do quy hoạch phát triển dài hạn nên nhiều đô thị ở Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng nông thôn lớn hơn đô thị. Do đó, tổ chức đô thị Việt Nam cần có sự linh hoạt trong việc chế định mô hình tổ chức phù hợp với đặc điểm từng nơi, tức có thể tổ chức theo mô hình cấp chính quyền (có HĐND và UBND) và chính quyền như Điều 111 Hiến pháp 2013 đã phân định 2 khái niệm chính  quyền địa phương và cấp chính quyền địa phương.

Thế nhưng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương chưa cụ thể và tùy theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước do các luật chuyên ngành quy định. Cho đến nay phần lớn luật chuyên ngành vẫn chưa quy định cụ thể các loại cơ chế nêu trên, nên để thực hiện điều này cần phải được nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực, để qua đó xác định từng loại công vụ cụ thể.

Đây là công việc rất khó khăn, phải xuất phát từ thực tiễn đối chiếu với các quy định hiện hành để xây dựng cơ chế phù hợp đối với TPHCM. Trong đó cần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP trong lĩnh vực ngân sách và quản lý đô thị, nhằm huy động và quản lý có hiệu quả các nguồn lực phát triển vững chắc.

Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng, mở không gian và tạo điều kiện để TPHCM có cơ hội bứt phá phát triển. Trong đó, cho phép TP được tìm kiếm, đề xuất và thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội mà chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp; bảo đảm cơ chế khuyến khích tài chính - ngân sách mạnh mẽ, ưu tiên các nguồn tài chính, tạo điều kiện để TP phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước… Nhưng thực tế cho thấy thời gian qua tư tưởng nói trên của Nghị quyết 16 chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của TPHCM.

Các tin khác