TPHCM: Cơ chế phù hợp, cú hích phát triển

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù đối với TPHCM, những kiến nghị của lãnh đạo TP về tạo cơ chế đặc thù cho TP phát triển đã được hầu hết thành viên Thường vụ Quốc hội đồng tình. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, người có nhiều nghiên cứu về mô hình đặc thù cho TPHCM.

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù đối với TPHCM, những kiến nghị của lãnh đạo TP về tạo cơ chế đặc thù cho TP phát triển đã được hầu hết thành viên Thường vụ Quốc hội đồng tình. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, người có nhiều nghiên cứu về mô hình đặc thù cho TPHCM.

Vượt rào cản bằng mô hình thí điểm

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đây là vấn đề TPHCM nhiều năm theo đuổi và kiến nghị, đến nay xem như đã có tín hiệu vui. Quan điểm của ông như thế nào, có thỏa mãn những đề xuất của ông trước đây về mô hình chính quyền đô thị? 

Vấn đề không chỉ cho TPHCM một cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách mà phải có quy định bằng một Nghị định, Nghị quyết của Quốc hội nhằm giải quyết đồng bộ. Đặc biệt, phải tổ chức lại Đề án mô hình chính quyền đô thị. Hiện nay, Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã mở ra hướng cho TP tổ chức mô hình chính quyền đô thị. TPHCM cần tiếp tục mô hình này mới giải quyết đồng bộ các vấn đề, chứ không phải chỉ vấn đề ngân sách.

TS. TRẦN DU LỊCH: - Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, qua nội dung Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những kiến nghị của UBND TPHCM về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TPHCM, tôi cho rằng về mặt chủ trương, từ Chính phủ cho đến Thường vụ Quốc hội có sự ủng hộ mạnh mẽ để TPHCM có một cơ chế tài chính, ngân sách phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay có những giới hạn, nhất là Luật Ngân sách nhà nước hiện hành đang thực hiện cơ chế lồng ghép ngân sách trung ương và địa phương chung vào cơ chế nhà nước, thiếu tính tự chủ địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu ngân sách bảo đảm như TPHCM.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất của TPHCM không phải là xin Trung ương cho thêm hay bớt về ngân sách, mà là có cơ chế để TPHCM tự chủ về ngân sách, để có thể tự tạo ra nguồn thu cho mình một cách chủ động hơn, cũng như quyết định các khoản chi cho địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển của TP như là đầu tàu tăng trưởng cho cả nước. Việc này cũng phù hợp với xu hướng chung của các đô thị lớn trên thế giới.

 Đặc điểm của đô thị là tính tự quản cao, đó là chính quyền đô thị, đây là điểm khác với nông thôn. Năm 2001, TPHCM đã có Nghị định 93 về một số cơ chế phân cấp cho TP, lúc bấy giờ tôi là người tham gia giúp TP thực hiện và trình Nghị định này. Sau đó, năm 2002 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 về TPHCM cũng xác định vị trí, vai trò và tạo điều kiện cho TP phát triển.

Năm 2007, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị cũng đã xác định một vấn đề rất quan trọng là nâng vị trí TPHCM trong quan hệ với các đô thị trong khu vực, không chỉ nhìn các địa phương khác trong nước. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua từ chủ trương đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Hiện nay, TPHCM tiếp tục nỗ lực đề xuất cơ chế phù hợp, không chỉ trong lĩnh vực ngân sách mà còn bao gồm vấn đề quản lý đô thị, vấn đề công chức, phân cấp phân quyền, các vấn đề công vụ trên địa bàn.

- Theo ông, liệu cơ chế đặc thù cho TPHCM có được các bộ, ngành đồng quan điểm và hỗ trợ?

- Tôi cho rằng không phải dành cơ chế đặc thù cho TPHCM, thay vào đó TPHCM cần có cơ chế phù hợp, bởi lâu nay chúng ta thường nói cơ chế quản lý TPHCM giống như chiếc áo quá chật so với cơ thể. Chúng ta đề ra mô hình quản lý các nền hành chính của cả nước thống nhất nhưng không đồng nhất giữa các địa phương với nhau, vì đặc điểm mỗi địa phương khác nhau.

Do đó, thống nhất mô hình quản lý nền hành chính nhưng không được đồng nhất mô hình tổ chức. Từ Đại hội Đảng lần thứ 10 cũng đã chủ trương xây dựng mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đó là thống nhất hành chính nhưng không đồng nhất về mô hình.

Chính vì vậy, năm 2007 TPHCM đã xây dựng Đề án mô hình chính quyền đô thị, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên một số lĩnh vực, không chỉ là việc tổ chức HĐND hay các vấn đề khác.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội thảo tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội thảo tìm giải pháp
phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua theo dõi, tôi thấy Trung ương cũng như các bộ, ngành đều ủng hộ mô hình trên của TPHCM. Tuy nhiên, các bộ, ngành không vượt qua được quy định của pháp luật, nhất là các luật có liên quan. Trước đây là quy định của Hiến pháp, sau này có các luật như Luật Ngân sách.

Do đó, hạn chế lớn nhất hiện nay là bản thân các đạo luật chi phối chung và TPHCM nằm trong đó không thoát ra ngoài được, dẫn đến việc các cơ quan Trung ương khi bàn về cơ chế TPHCM đều thấy rằng trái luật này, trái luật kia.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có thoát những quy định đó bằng chỉ đạo hay Nghị quyết của Bộ Chính trị như tôi đã nói ở trên. Theo đó, vấn đề gì chưa phù hợp, không phù hợp thì cho thí điểm. TPHCM xin mô hình là xin thí điểm vấn đề không phù hợp đó. Còn nếu đã căn cứ vào luật sẽ không cần phải bàn.

Tháo gỡ khó khăn ngân sách, đầu tư 

Năm 2012, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 16 về phương hướng phát triển TPHCM. Theo đó, tiếp tục xác định một vấn đề rất quan trọng là từ Nghị quyết 20 trở đi, Bộ Chính trị luôn luôn nhắc nội dung này cũng như quy định những vấn đề gì pháp luật chưa quy định, hoặc quy định không phù hợp, Chính phủ nghiên cứu cho TP thực hiện thí điểm. Đây là một điểm mở rất rộng để TP phát triển.

- Bên cạnh những cơ chế ưu đãi do Chính phủ đề xuất tại dự thảo, tại phiên họp Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng có nhiều đề nghị để tạo cơ chế đặc thù cho TP phát triển. Ông nhận định gì về những đề xuất này?

 - Những đề xuất của UBND TPHCM chủ yếu tập trung vào cơ chế chính sách tài chính và ngân sách. Đây là đề xuất phù hợp để trước mắt tháo gỡ khó khăn ngân sách TP, nhất là về đầu tư vì mức điều tiết để lại cho TP hiện nay chỉ 18%, quá thấp để TP có thể đầu tư.

Chưa kể TPHCM khi vay vốn cũng chịu giới hạn của Luật Ngân sách bằng 60% tổng ngân sách của địa phương, nên cũng không có khả năng huy động vốn nhiều. Bố trí ngân sách đầu tư của TP chỉ đáp ứng 20-30% tổng nhu cầu đầu tư hàng năm rõ ràng không thể giải quyết bài toán phát triển.

TP đề xuất như vậy là để tháo gỡ trước một số khó khăn về ngân sách. Song về cơ bản, tôi cho rằng không phải vấn đề 1 nghị định quy định về cơ chế tài chính, ngân sách mà phải có quy định trong những lĩnh vực, như thẩm quyền của TPHCM trong quản lý đô thị, tổ chức bộ máy hành chính, thậm chí cả vấn đề lương bổng cho công chức địa phương phù hợp với điều kiện sống của TP.

Dĩ nhiên vấn đề lớn nhất là cơ chế tài chính,  nhưng không phải cho TP bao nhiêu mà quan trọng là TP được quyền huy động nguồn lực thế nào, có thể đặt ra những khoản thu, khoản chi hay không. Hiện nay theo Luật Ngân sách và Luật Phí và lệ phí, TP không có quyền đặt ra. Những giới hạn đó phải tháo ra, TPHCM mới có thể bung lên tự chủ được.

- Thưa ông, hiện tại trong vấn đề tăng trưởng đâu là những thuận lợi và thách thức của TPHCM?

- TPHCM hiện nay vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đang đứng trước thách thức rất lớn. Thứ nhất, cơ cấu kinh tế đang có sức cạnh tranh thấp, nhất là trong hội nhập; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, những sản phẩm có hàm lượng chất lượng cao chưa phát triển được.

Thứ hai, sự bất cập của hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, những chương trình chống ùn tắc giao thông, chống ngập, biến đổi khí hậu cũng như hạ tầng không phải công trình nào cũng xã hội hóa được, mà Nhà nước phải làm. Trong vấn đề nhà ở xã hội, phúc lợi người dân cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ ba, thể chế và cơ chế hành chính không tạo được hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương nếu theo mô hình như hiện nay, cần phải thay đổi. Những hạn chế này cần giải quyết một cách căn cơ, bằng một cơ chế phù hợp để TP phát triển. Bởi với quy mô kinh tế như hiện nay, TP không thể phát triển trong một cơ chế như vậy. Nói nôm na, chiếc áo phải phù hợp với cơ thể lớn mạnh.

Chính sách đặc thù sẽ tạo động lực

- Nếu được ưu tiên cấp cơ chế tài chính đặc thù sẽ giúp TPHCM phát huy tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế, nhân lực... như thế nào? Và liệu điều này có tạo sức bật cho TPHCM bù đắp khoảng cách với các đô thị lớn trong khu vực, thưa ông?

- Trong quá trình 30 năm thực hiện đổi mới, với vị trí, vai trò và lợi thế của mình, TPHCM đã có sự phát triển vượt bậc. Trong nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng 2 con số, quy mô kinh tế tăng nhiều lần và hiện thành một siêu đô thị trên 10 triệu dân.

Song điều này cũng đặt ra cho TP nhiều thách thức trong bài toán phát triển. Đó là TP phải nhanh chóng phát triển không gian đô thị theo quan điểm phát triển vùng đô thị TPHCM và buộc phải phát triển đa trung tâm, bởi xu hướng phát triển hướng tâm sẽ bế tắc.

Cùng với đó là yêu cầu TP phải xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Nhưng muốn xây dựng đô thị văn minh hiện đại, trước hết hạ tầng đô thị, không gian đô thị phải được phát triển và cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế sử dụng lao động kỹ thuật cao. Khi chất lượng kinh tế thay đổi, chất lượng dân cư cũng sẽ thay đổi.

Ở đây tôi xin được nhấn mạnh, để xây dựng đô thị văn minh hiện đại, điểm mấu chốt là nguồn nhân lực. TPHCM hiện có lực lượng khoa học kỹ thuật lớn, nhưng lực lượng lao động có chất lượng cao để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn hạn chế, bất cập giữa yêu cầu chất lượng lao động cho tái cơ cấu kinh tế với vấn đề nguồn nhân lực được đào tạo.

Nhưng theo tôi, khi tháo gỡ cơ chế cho TP cũng chính là tạo điều kiện để giải quyết những vấn đề nói trên. Kỳ vọng nếu có một cơ chế như vậy, TPHCM sẽ phát huy vai trò như Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đề ra cho TPHCM đến 2020 và tầm nhìn xa hơn, đó là một đô thị văn minh, hiện đại ngang tầm với các đô thị trên thế giới. Đồng thời, TPHCM muốn là trung tâm tài chính, trung tâm khoa học cần phải có chính sách tạo điều kiện để phát triển.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác