TPHCM 500.000 DN: Cửa rộng mở, đường vào gập ghềnh

(ĐTTCO) - Đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, chính quyền TPHCM đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, có cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp (start up), hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN… Song dù chính sách thuận lợi, nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
 Muốn lớn mạnh về kinh tế phải cạnh tranh sòng phẳng, trước hết là cạnh tranh tiếp cận nguồn lực. Nhưng nền kinh tế nước ta hiện nay lại rất thiếu. Các nguồn lực quốc gia nói chung, ngân sách nói riêng, không được phân bổ phù hợp. Đã là nguồn lực quốc gia không thể dành riêng cho DNNN, càng không thể dành theo lối “ưu đãi”, “phân biệt đối xử”.
TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
 
Triển khai Nghị quyết 35/ND-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2020 có ít nhất 500.000 DN hoạt động, với nhiều DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Trong đó, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% GDP, 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; hàng năm khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện mục tiêu này, TP đưa ra nhiều giải pháp như tổ chức đối thoại công khai định kỳ 2 lần/năm giữa lãnh đạo các cấp và DN để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN thuộc lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; giảm 30% các cuộc họp và dành thời gian để đi thực tế nắm bắt các thông tin và kiến nghị của DN để có thể tháo gỡ kịp thời; triển khai chương trình đột phá của TP về cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 để đơn giản hóa thủ tục hành chính... 

Cùng với đó, TP ban hành Quyết định 2954/QĐ-UBND thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và đồng bộ lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2016 -2020, hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ KH-CN đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Quyết định 4181/QĐ-UBND cũng được ban hành kèm với chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể hỗ trợ DNNVV trên địa bàn ứng dụng KH-CN vào tổ chức quản trị, sản xuất kinh doanh; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho DN; hình thành hệ sinh thái start up sáng tạo… Đặc biệt, nhằm hướng đến mục tiêu 500.000 DN việc thúc đẩy, hỗ trợ các DN start up cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, theo đó TP đã ban hành Quyết định 1339/QĐ-UBND về kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái start up tại TPHCM.

Có thể thấy chưa bao giờ DN start up tại TPHCM nhận được nhiều sự hỗ trợ như hiện nay. Tại chương trình “Lãnh đạo TP đối thoại cùng doanh nhân trẻ, cá nhân start up”, ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA), cam kết tham gia cùng lãnh đạo TPHCM thực các chỉ tiêu của chương trình “Sáng tạo start up” giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, hỗ trợ 1.000 dự án start up sáng tạo, phát triển đồng hành 300 DN start up, hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư cho 100 start up với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Hay như Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và start up (SIHUB) - trực thuộc Sở KH-CN đang trở thành nơi tiếp nhận và kết nối để cộng đồng start up tiếp cận các chính sách, nguồn lực công từ TP. Riêng về vấn đề hỗ trợ vốn, theo Quy chế kèm Quyết định 5342 của UBND TP hỗ trợ các dự án start up đổi mới sáng tạo có sử dụng ngân sách sự nghiệp KH-CN của TP, các cá nhân, nhóm cá nhân và DN có dự án start up sẽ được hỗ trợ kinh phí lên đến 2 tỷ đồng. Trường hợp đặc biệt trên 2 tỷ đồng sẽ được UBND TP quyết định.

Theo Sở KH-CN TPHCM, tính đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 2.000 nhóm start up. Đến nay, có khoảng 600 nhóm đang được SIHUB hỗ trợ kết nối với các nhà tư vấn; hơn 80 nhóm được hỗ trợ chỗ ngồi, phòng thí nghiệm... tại trung tâm và một số nhóm đang được các quỹ đầu tư xem xét rót vốn.
Tại nhiều cuộc họp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong luôn yêu cầu việc hỗ trợ DN phải cụ thể, không được nói một cách chung chung và giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả thiết thực nhất.
TPHCM 500.000 DN: Cửa rộng mở, đường vào gập ghềnh ảnh 1 TPHCM tiếp tục triển khai nhiều chương trình đột phá về cải cách hành chính từ nay đến năm 2020. Ảnh: LONG THANH 
Nhưng khó khăn vẫn bủa vây
 Phải tạo điều kiện tốt nhất để các hộ kinh doanh cá thể thực hiện chuyển đổi lên DN, đồng thời tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DN hiện hữu. Trong các năm qua, số lượng DN của TP phát triển tự nhiên xuất phát từ nhu cầu. Vấn đề hiện nay là không chạy theo số lượng mà phải đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng DN hiệu quả và bền vững.
Ông Lê Thanh Liêm
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, dường như đã trở thành một gương mặt quen thuộc trong các buổi lấy ý kiến DN, hiệp hội của TP cũng như Trung ương. Gần như buổi gặp nào ông Tống cũng tranh thủ kêu khó cho các DN trong ngành.
Những cái khó thậm chí như quá quen thuộc vì lần nào cũng có nhiêu đó, thậm chí thêm nỗi khổ. Chẳng hạn câu chuyện về thuế, theo ông Tống nếu chính sách thuế quy định hàng cơ khí nhập khẩu bằng 0%, hàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi, khó cạnh tranh. Hơn nữa, DN cơ khí có tỷ lệ lãi thấp nhưng vẫn phải đóng thuế bằng các DN lãi lớn.
Thí dụ, DN ngành khác kinh doanh mỗi năm lãi 1 tỷ đồng đóng thuế 20%, DN cơ khí kinh doanh mỗi năm lãi 100 triệu đồng vẫn đóng thuế 20%, trong khi vẫn hô hào hỗ trợ cho ngành cơ khí phát triển, hội nhập.

Song song đó, chính sách đất đai được miễn giảm như thế nào phải rõ ràng hơn, đồng thời phải có chính sách xây dựng cụm công nghiệp cơ khí tạo điều kiện phát triển ngành…
Chính phủ đã ra chỉ thị phải hỗ trợ ngành cơ khí, nhưng trên thực tế chưa có chính sách nào được triển khai. Gần đây, liên quan đến Thông tư 23 về việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, Hội DN Cơ khí điện TP đã gửi công văn tới Bộ Công Thương nêu rõ những khó khăn của DN trong ngành.
Trong đó nhấn mạnh: “Nếu Thông tư 23 của Bộ KH-CN chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, trong khi Bộ Công Thương không có thông tư xác định riêng về tuổi của các máy công cụ, thiết bị đã qua sử dụng của ngành cơ khí chế tạo được phép nhập khẩu cho ngành cơ khí, thì các DN cơ khí chế tạo nói chung và ngành cơ khí sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng sẽ gần như “chết đứng” trong đầu tư phát triển sản xuất, không thể phát triển được, trong khi đây là ngành được Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ phát triển”. 

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi, chia sẻ nếu để DN “khó riết thành quen” họ sẽ không thể phát triển, bởi DN không thấy tương lai sẽ không nỗ lực đầu tư. Ông Hùng nhấn mạnh: “Hô hào cải cách hành chính, giảm phí chính thức và phi chính thức nhưng chẳng thấy “cải” cũng như chẳng thấy giảm. Vấn đề cấp thiết hiện nay là nhà quản lý phải đồng hành cùng DN, cùng nhau chia sẻ khó khăn, có vậy những chính sách, giải pháp hỗ trợ DN mới thực sự đi vào cuộc sống”.

Để có 500.000 DN vào năm 2020, trong vòng 4 năm tới mỗi năm TPHCM cần có khoảng 50.000 DN thành lập mới. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp lãnh đạo TP luôn xác định ngoài ươm mầm cho start up, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên mô hình DN, việc làm thế nào để cộng đồng DN hiện hữu yên tâm đầu tư, kinh doanh rất quan trọng. Thế nhưng thực tế nhiều chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng như của TP, DN vẫn chưa tiếp cận được. 
Vốn rẻ không dành cho DN nhỏ

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và DN diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết năm 2016 Chính phủ và TP đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên những chính sách này mới đến với một số ít DN. Chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp hỗ trợ của TP vẫn thấp hơn các địa phương khác. 80%  DN ngành cơ khí - điện thuộc loại siêu nhỏ và nằm ngoài khu công nghiệp với quy mô nhỏ, rải rác, không hình thành chuỗi liên kết, không tiếp cận được với nhà sản xuất đầu cuối, không tạo được nguồn lực đủ mạnh xây dựng thị trường đầu cuối, và do vậy cũng không đủ điều kiện vay vốn.

Hiện nay, mối lo chung của nhiều DN là tình trạng thanh kiểm tra tràn lan của nhiều sở, ngành. Đó cũng là lý do nhiều hộ kinh doanh ngán ngại khi chuyển lên DN. Một điều tra gần đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một thực tế đáng buồn, DN càng lớn bị thanh kiểm tra càng nhiều. Hội nghị nào DN cũng nêu ý kiến, nhưng rồi mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến nhiều.
Nguyên nhân nữa cũng khiến DN hiện hữu cũng như DN start up chưa thực sự an tâm đầu tư đó chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa khối DN tư nhân và DNNN, giữa DN nội và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Rất nhiều DN đã có kiến nghị về một môi trường kinh doanh bình đẳng. 

Có thể thấy, TPHCM cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển song cũng không thể tránh khỏi thực trạng chung của cả nước. Chính vì thế TP cần tiếp tục đồng hành với các DN để không chỉ hoàn thành mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020, mà còn xây dựng nhiều DN lớn, nhiều thương hiệu mạnh đủ sức vươn tầm khu vực và thế giới.

Các tin khác