TPCP: Hướng đến nguồn vốn dài hạn

(ĐTTCO) - 2016 được đánh giá là năm bội thu của trái phiếu chính phủ (TPCP) khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã 2 lần điều chỉnh tăng lượng phát hành, với mục tiêu huy động TPCP cả năm lên mức 281.000 tỷ đồng nhưng vẫn hoàn thành. Đồng thời, nếu trước đây 80% nhà đầu tư là ngân hàng thương mại (NHTM), hiện con số này đã giảm xuống mức 60%. Năm 2017, dự báo thị trường tiếp tục có sự thay đổi đáng kể hơn về cơ cấu nhà đầu tư nhằm đưa TPCP hướng đến là nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

(ĐTTCO) - 2016 được đánh giá là năm bội thu của trái phiếu chính phủ (TPCP) khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã 2 lần điều chỉnh tăng lượng phát hành, với mục tiêu huy động TPCP cả năm lên mức 281.000 tỷ đồng nhưng vẫn hoàn thành. Đồng thời, nếu trước đây 80% nhà đầu tư là ngân hàng thương mại (NHTM), hiện con số này đã giảm xuống mức 60%. Năm 2017, dự báo thị trường tiếp tục có sự thay đổi đáng kể hơn về cơ cấu nhà đầu tư nhằm đưa TPCP hướng đến là nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Siết lại điều kiện 

Thị trường TPCP những năm tới tiếp tục đi theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020, tập trung vào khung pháp lý, điều hành thị trường và phát triển hệ thống nhà đầu tư. Cụ thể sẽ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nhà đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP, thông qua khuyến khích thành lập quỹ hưu trí tự nguyện, đổi mới cơ chế đầu tư của bảo hiểm xã hội để tăng cầu đầu tư, tăng nguồn vốn cho TPCP.

Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính NH, Bộ Tài chính

Năm 2015, đến đầu tháng 11, KBNN mới huy động được hơn 50% kế hoạch TPCP đặt ra và chỉ hoàn thành kế hoạch khi Quốc hội cho phép phát hành trở lại trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Nhưng 2016, TPCP lại thành công ngoài mong đợi.

 Hồi đầu năm, tại Công văn 521, KBNN thông báo năm 2016 phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP để huy động vốn cho ngân sách nhà nước nhưng chỉ trong 6 tháng đã huy động được hơn 182.271 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch đề ra. Đầu tháng 7, KBNN thông báo điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm 2016, theo đó tăng phát hành TPCP năm 2016 thêm 30.000 tỷ đồng, từ 220.000 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng. Đến ngày 23-9, huy động TPCP đạt 251.898 tỷ đồng, tương đương 100,76% kế hoạch điều chỉnh lần 1.

Đầu tháng 10, KBNN tiếp tục thông báo điều chỉnh lần 2 kế hoạch phát hành TPCP năm 2016 tăng thêm 31.000 tỷ đồng, lên 281.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm khối lượng lớn nhất là TPCP kỳ hạn 5 năm với 157.000 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ đồng so với lần điều chỉnh trước đó. Các loại TPCP kỳ hạn khác cũng tăng khối lượng phát hành, riêng TPCP kỳ hạn 3 năm ở mức 25.000 tỷ đồng, giảm 15.000 tỷ đồng so với kế hoạch trước.

Theo báo cáo nhanh thị trường tài chính tuần 3 tháng 12 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến ngày 19-12, KBNN  đã hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP năm 2016 với tổng giá trị phát hành đạt 281.294 tỷ đồng. Theo đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dù các NHTM vẫn là nhà đầu tư chính của thị trường TPCP, nhưng mức độ nắm giữ đã giảm từ mức 80% trong các năm trước xuống còn 60% năm 2016. Trong khi đó, khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã bắt đầu tăng sự hiện diện khi nắm giữ khối lượng TPCP lưu hành lên đến 20%.

Năm 2017, thị trường TPCP dự báo sẽ tiếp tục có những thay đổi đáng kể về cơ cấu thành viên, khi mới đây Bộ Tài chính ban hành dự thảo quyết định về nghĩa vụ, quyền lợi và các tiêu chí đánh giá xếp hạng của thành viên đấu thầu TPCP năm 2017. Theo đó, trong kỳ đánh giá từ ngày 1-11-2016 đến 31-10-2017, dự thảo này sẽ siết chặt hơn điều kiện tham gia thị trường khi yêu cầu các thành viên đấu thầu phải hoàn thành khá nhiều nghĩa vụ về số phiên tham gia, khối lượng tham gia đấu thầu, niêm yết giá chào mua/chào bán, báo cáo…

Trong đó điểm đáng chú ý là thành viên đấu thầu phải đảm bảo tối thiểu 70% nghĩa vụ mua tối thiểu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đặc biệt nghĩa vụ mua áp dụng với thành viên đấu thầu là NHTM tăng lên 4.500 tỷ đồng. Trước đây, chi nhánh NH nước ngoài, NH 100% vốn nước ngoài có nghĩa vụ mua tối thiểu 3.000 tỷ đồng, còn đối với NHTM có vốn nhà nước, NHTM cổ phần, NH liên doanh phải mua tối thiểu 4.300 tỷ đồng. Như vậy, sắp tới, thị trường TPCP sẽ được cơ cấu lại và định chế tài chính nào có đủ tiềm lực mới có thể tham gia thị trường.

Hút vốn dài hạn 

Năm 2015, KBNN lần đầu tiên thực hiện phát hành TPCP kỳ hạn dài 20 năm và 30 năm theo hình thức riêng lẻ cho các doanh nghiệp BHNT, với tổng khối lượng phát hành 10.130 tỷ đồng, chiếm 3,95% tổng khối lượng vốn huy động cả năm. Việc đưa thêm kỳ hạn trái phiếu dài hạn mới và hướng tới các doanh nghiệp BHNT đã giúp Bộ Tài chính thu hút thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách.

ThS.Trần Kim Vân, Phó Tổng giám đốc KBNN

Theo Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội, từ năm 2015 chỉ phát hành TPCP  có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, do huy động TPCP dài hạn khó khăn nên năm 2015, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công cùng các văn bản hướng dẫn và đã được chấp thuận.

Tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội đã cho phép phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP, nhưng giới hạn khối lượng tối đa đối với kỳ hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm không quá 30% tổng khối lượng phát hành trong năm 2015-2016.

Đồng thời, Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm bao gồm nội dung như mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020, đã quy định xây dựng thị trường trái phiếu, hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế, giữ kỳ hạn TPCP trên 5 năm là chủ yếu, nâng kỳ hạn trung bình TPCP phát hành trong giai đoạn 2016- 2020 lên khoảng 6-8 năm. Các quy định này nhằm đảm bảo thị trường phát triển ổn định, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư muốn tham gia phải có nguồn lực vốn dài hạn.

 Theo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm, năm 2015 tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp BHNT ước đạt khoảng 119.137 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp BHNT có xu hướng tập trung vào các kênh an toàn, cụ thể khoảng 72,2% đầu tư vào TPCP và 16,3% đầu tư vào tiền gửi NH.

Trong 8 tháng năm 2016, các doanh nghiệp BHNT tiếp tục đầu tư 10.791 tỷ đồng vào TPCP kỳ hạn 20 năm và 30 năm. Điều này cho thấy doanh nghiệp BHNT đang trở thành khách hàng tiềm năng đối với nhu cầu thu hút vốn đầu tư dài hạn của TPCP.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trước đây 80% TPCP phát hành do NHTM mua nhưng năm 2016 NHTM chỉ mua hơn 60%, còn lại là các định chế tài chính khác và nhóm này có xu hướng đầu tư tập trung vào TPCP dài hạn.

Do đó, dự thảo lần này hướng đến mục tiêu giảm dần tỷ trọng NHTM mua, khuyến khích các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, nhất là các công ty BHNT có vốn đầu tư dài hạn mua TPCP. Việc tăng nghĩa vụ mua TPCP đối với thành viên đấu thầu là NH lên 4.500 tỷ đồng, tức tăng gói mua lên nhằm giảm đầu mối, tạo sự ổn định dài hạn.

Quy định này sẽ hạn chế các tổ chức tín dụng nhỏ tham gia nhưng sẽ khuyến khích các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tham gia vì những đối tượng này có dòng tiền lớn phù hợp với TPCP dài hạn. Từ nền tảng này sẽ dần hướng đến theo thông lệ quốc tế là TPCP không phải chỉ NHTM mua mà còn có các công ty đầu tư, hệ thống bảo hiểm mua.

Cổ đông Nhà nước đã thoái hết vốn tại CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vào năm 2015.

Cổ đông Nhà nước đã thoái hết vốn
tại CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vào năm 2015.

Chờ TPCP lãi suất thả nổi

Năm 2016, hoạt động phát hành TPCP thuận lợi chủ yếu nhờ thanh khoản hệ thống NH dồi dào, tăng trưởng tín dụng lại khá chậm. Đồng thời, lãi suất hấp dẫn quanh mức 6% và rủi ro bằng 0, trong khi thanh khoản khá tốt, là lý do các NH chọn kênh đầu tư này.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng nguồn tiền từ các NH chủ yếu là huy động ngắn hạn từ dân cư. Nếu TPCP phụ thuộc vào hệ thống NH, khi NH có những biến động đầu vào, khả năng huy động TPCP cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, dù thị trường TPCP Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN nhưng cũng chưa thể vội mừng. Yêu cầu đặt ra phải kéo dài kỳ hạn để tạo ra sự bền vững của dòng chảy vốn. Năm 2016, KBNN đã phát hành đa dạng các kỳ hạn theo hướng tăng kỳ hạn dài, giảm lượng TPCP kỳ hạn dưới 5 năm và đã thành công với kế hoạch này.

Cụ thể, kỳ hạn 5 năm đã chiếm 58%, trong khi kỳ hạn 3 năm chỉ còn 9%. Bên cạnh đó, kỳ hạn 7 năm chiếm 9%, 15 năm chiếm 11%, 30 năm là 7%, còn lại là kỳ hạn 10 năm và 20 năm. Đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng TPCP kỳ hạn dài nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, cũng như hỗ trợ hình thành đường cong lợi suất chuẩn để làm tham chiếu cho các thị trường khác.

Liên quan đến việc đa dạng hóa các sản phẩm TPCP, nhiều thành viên thị trường đã đề xuất triển khai phát hành TPCP lãi suất thả nổi do khung pháp lý cho sản phẩm này cũng đã được quy định trong Thông tư 111/2015/TT-BTC hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước.

Ưu điểm của sản phẩm này là giảm chi phí huy động vốn khi lãi suất có xu hướng đi xuống cũng như tăng độ linh hoạt khi phát hành TPCP, tăng sự linh hoạt trong quản lý rủi ro cho nhà đầu tư, tạo điều kiện để phát triển và thành lập mặt bằng lãi suất tham chiếu ngắn hạn cho trái phiếu…

Tuy nhiên, muốn phát hành TPCP lãi suất thả nổi yêu cầu phải có chỉ số tham chiếu. Theo thông lệ các nước, tham chiếu trên lãi suất tín phiếu kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm. Nhưng tại Việt Nam, theo yêu cầu của Quốc hội, tín phiếu KBNN không được phát hành thường xuyên nên khó đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, 2 năm nay, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và tham vấn về sản phẩm này nhưng “món ăn mới” vẫn chưa được áp dụng.

Các tin khác