Thương mại điện tử: Xu thế soán ngôi mảng bán lẻ

(ĐTTCO) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang làm thay đổi cuộc chơi trong ngành bán lẻ và đặt các doanh nghiệp vào thế hoặc phải thay đổi, hoặc phải chấp nhận rời bỏ thị trường nhường chỗ cho những tên tuổi khác.
“Ông hoàng” bán lẻ Parkson hết thời?
Đầu tháng 3 năm nay, trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington Lê Đại Hành (quận 11, TPHCM) chính thức đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Thông tin này phát đi không làm bất ngờ giới bán lẻ và người tiêu dùng, vì vài năm trở lại đây Parkson luôn chứng kiến cảnh khách hàng thưa thớt. Tính đến thời điểm này, Parkson đã đóng cửa 4 TTTM ở Việt Nam sau những năm tháng hoàng kim của mình.
Nguyên nhân chính khiến Parkson lâm vào hoàn cảnh này do hệ thống không chịu thay đổi mô hình kinh doanh suốt 13 năm qua. Vẫn đơn điệu là một trung tâm bán hàng cao cấp, phục vụ lượng khách có thu nhập cao chiếm tỷ lệ ít, trong khi những TTTM khác trong những năm gần đây đã ồ ạt chuyển hướng đa chức năng, phục vụ phần đông khách hàng có thu nhập trung bình, với mô hình có cả chỗ vui chơi, ăn uống, giải trí, làm đẹp, mua sắm… đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
 Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Trên thực tế, TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại tại Việt Nam. 
Ông ĐỖ KIM LANG
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
Ngoài ra, một lý do khác để giải thích việc kinh doanh hàng thời trang cao cấp ở các TTTM đang gặp khó là do sự phát triển của TMĐT. Qua kênh mua bán trực tuyến, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm từ chính đơn vị cung cấp, đồng thời họ có thể đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài, không nhất thiết phải đến cửa hàng phân phối sản phẩm ở Việt Nam.
Và cũng không riêng các sản phẩm cao cấp, giờ đây người tiêu dùng có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn chỉ bằng một vài click chuột, sản phẩm sau đó sẽ được chọn, được giao đến tận địa chỉ người dùng mong muốn. Sự bùng nổ của TMĐT đang đánh dấu bước đi mới cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. 
Trước sức ép lớn từ các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng đang phát triển thêm mảng online. Đơn cử, Lotte với việc ra đời trang mua sắm online, đã tuyên bố sẽ giành 20% thị phần TMĐT Việt Nam.
Hay đại gia bán lẻ AEON (Nhật Bản) cũng chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam khi cho ra mắt website thương mại trực tuyến AeonEshop. Việt Nam là quốc gia thứ 3 AEON tham gia TMĐT sau Nhật Bản và Malaysia. Chắc chắn sau những bước chuyển mình này, 2 ông lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ nhanh chóng bắt kịp các công nghệ trong thời đại 4.0 để cạnh tranh với các trang TMĐT sẵn có tại Việt Nam. Khi ranh giới giữa online và offline dần không còn, sẽ càng làm cho TMĐT Việt Nam thêm sôi động và quyết liệt.
Trong khi cả thị trường bán lẻ đang xoay chuyển bởi TMĐT và cuộc cách mạng 4.0, một ông lớn trong ngành bán lẻ của Việt Nam là Saigon Coop lại dường như chưa có những động thái tích cực nào.
Mặc dù Saigon Coop đang phát triển khá nhiều mô hình bán lẻ, thêm cả kênh bán hàng qua truyền hình, song lại chưa thấy xuất hiện kênh bán hàng online. Tất nhiên nếu so với các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu về tiềm lực kinh tế và cả kinh nghiệm. Nhưng nếu không nhanh chântrongcuộc chơi này e sẽ không còn kịp. 
Những thay đổi trong thời 4.0
Theo thống kê, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với 49 triệu người kết nối mạng. Số người sử dụng điện thoại để truy cập internet ở Việt Nam, đặc biệt là ở độ tuổi 18-34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau.
Chưa hết, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên TMĐT của người tiêu dùng. Cụ thể, tại các đô thị lớn, tỷ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95%, trong đó 78% là sử dụng smartphone.
 Sự có mặt của Amazon sẽ buộc các đơn vị bán lẻ trực tuyến phải đẩy nhanh việc thực thi chiến lược, nhất là việc đầu tư vào hệ thống kho bãi, vận tải. Amazon là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức hệ thống cất trữ hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tối đa. Không chỉ bán lẻ trực tiếp đến khách hàng (B2C), những năm tháng gần đây Amazon cũng đẩy mạnh kết hợp với các đối tác để kinh doanh trực tiếp trên sàn của mình (B2B).
Ông PHẠM VĂN TRỌNG, 
Giám đốc sàn TMĐT vuivui
TMĐT bùng nổ, người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm, đương nhiên sẽ kéo theo các doanh nghiệp bán lẻ phải bước vào sân chơi mới không kém phần khốc liệt, đặc biệt khi các ông lớn trên thế giới như Alibaba (Trung Quốc) đang có nhiều động thái muốn chiếm lĩnh nhanh chóng thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam thông qua thương vụ thâu tóm Lazada.
Cùng với đó một ông lớn khác là Amazon cũng đang xúc tiến những bước đi đầu tiên của mình ngay trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, đại diện Amazon (Hoa Kỳ) đã có những buổi làm việc riêng với nhóm khách hàng tại Việt Nam lâu nay đã kết nối thông tin với họ. Từ đó có thể Amazon nắm thông tin, nếu được sẽ mở kho hàng tại Việt Nam.
Thử tìm kiếm một chiếc nồi cơm điện trên website TMĐT tiki.vn nhưng không mua hàng, ngay sau đó vào các trang web khác thì tiki.vn có khung quảng cáo, hình ảnh nhìn thấy chính là những chiếc nồi cơm điện khách hàng đó vừa tìm. Điều này cho thấy hành vi của người tiêu dùng đã được tiki.vn nắm và tiếp thị.
Thực tế trong bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện nay, với sự phát triển của big data, mọi hành vi của người tiêu dùng trên mạng đều được suy đoán và theo dõi, từ đó hình thành nên các sản phẩm, các chiến dịch tiếp thị số dành riêng cho từng đối tượng dựa trên thói quen, sở thích của người đó.
Trên cùng một trang web, phụ nữ có thể chỉ nhìn thấy những quảng cáo về thời trang, mỹ phẩm, trong khi đàn ông lại bị thu hút bởi các quảng cáo về xe hơi… Và đương nhiên không chỉ tiki.vn, các trang TMĐT khác như Lazada, Sendo… đều ứng dụng big data để tăng trải nghiệm của người dùng. 
Thực tế, các trang TMĐT nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam đã tìm hiểu rất kỹ về hành vi, văn hóa của người dùng. Bằng chứng là Shopee tiên phong trong việc cho phép người bán và người mua có thể trực tiếp giao tiếp với nhau khi mua sắm. Tính năng này là một trong những lợi thế độc đáo tại thị trường Việt Nam, giúp người mua giải quyết nhu cầu được tư vấn, đồng thời người bán cũng có cơ hội chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Nhưng đó chưa phải tất cả sự đổi thay. Bởi lẽ Amazon vào Việt Nam với những bước tiên phong trong công nghệ toàn thế giới, chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm của các nhà bán lẻ cả online lẫn offline. Chỉ tính riêng hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng đang có một cuộc chạy đua âm thầm giữa các nhà bán lẻ trực tuyến. 
Thương mại điện tử: Xu thế soán ngôi mảng bán lẻ ảnh 1 Xu thế ngồi một chỗ, chọn hàng, click, sẽ có người đưa đến tận nơi đang ngày càng phát triển. 
Doanh nghiệp Việt đang ở đâu
Nếu chỉ nhìn vào bức tranh mua bán online trên các mạng xã hội, mà tiêu biểu Facebook, dễ bị nhầm tưởng các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam đang tham gia cực kỳ sôi động vào TMĐT.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM, việc bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội như Facebook không phải là hình thức của TMĐT, vì nó không đáp ứng đủ 3 nguyên tắc thành công trong TMĐT, bao gồm: Thứ nhất, phải xác định rõ là bán hàng hóa hay dịch vụ. Nếu bán hàng người bán có khả năng định giá. Còn nếu bán dịch vụ phải tìm cách tiết giảm chi phí trên nền tảng công nghệ thông tin.
Thứ hai, sản phẩm bán ra phải được chuẩn hóa, giới thiệu để khi đến tay người tiêu dùng phải đúng như vậy. Thời gian qua, nhiều trang TMĐT không thể phát triển vì đã không chuẩn hóa việc bán hàng.
Thứ ba, hệ thống phải được tự động hóa. Đây là một trong những mấu chốt giúp tiết giảm chi phí, đưa giá bán hàng hóa gần với giá của nhà sản xuất nhất.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước khi xây dựng trang web chỉ dừng lại ở cổng thông tin doanh nghiệp, giúp giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp, không phải bán hàng nên không gọi là trang TMĐT. Giả sử những trang web của doanh nghiệp này có bán hàng cũng rất ít và đối tượng hướng tới phần nhiều là khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp Việt đều chậm chân trong cuộc chơi này.
Hiện đã có một số doanh nghiệp nội sử dụng giải pháp bán hàng đa kênh (Omnichannel) để tiếp cận khách hàng dễ hơn, nhiều hơn như Vinamilk hay Juno… Omnichannel là giải pháp trọn bộ cho việc kinh doanh, quản lý bán hàng từ website, Facebook cho đến chuỗi cửa hàng một cách linh hoạt, tối ưu hóa việc bán hàng trên từng kênh bán và tăng trải nghiệm cho khách hàng, giúp khách hàng có trải nghiệm đồng nhất trên nhiều kênh.
Có thể thấy trong môi trường cạnh tranh và hành vi mua sắm của khách hàng đang thay đổi, việc sử dụng giải pháp bán hàng đa kênh là hết sức cần thiết cho doanh nghiệp.
Hiện nay các ông lớn nước ngoài đang nhanh chóng khẳng định sự hiện diện tại “mỏ vàng” Việt Nam để đón đầu một thế hệ mới, thế hệ thích click mua hàng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chậm chân, vẫn cho rằng cuộc chơi TMĐT không phải của mình, việc bị bỏ lại phía sau trong một vài năm tới đây cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Và không chỉ bị bỏ lại ở thị trường nội, doanh nghiệp còn dễ bị tụt hậu trong bối cảnh chung của TMĐT toàn cầu, khi việc bán hàng xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ. Hiện mô hình TMĐT doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD). Tại Việt Nam, đến năm 2020 dự kiến khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online và đạt mốc 350USD/người/năm.

Các tin khác