Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”: Nặng tâm lý, xa rời thực tế

(ĐTTCO) - Cứ mỗi mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), việc thi trường gì, học ngành nào luôn được phụ huynh và học sinh quan tâm. Thực tế hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH rất khó xin việc làm. 
Điều này cho thấy tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra nghiêm trọng, đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề chọn trường như thế nào: ĐH, CĐ hay nghề?
Khó bước qua định kiến
Mặc dù số sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH thất nghiệp hoặc không tìm được vị trí việc làm phù hợp ngày càng nhiều, nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của học nghề. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), nhiều học sinh sức học chỉ đạt trung bình vẫn quyết tâm thi vào ĐH.
Không trúng tuyển năm đầu, các em ôn luyện để tham gia xét tuyển những năm tiếp theo, có em ôn 2-3 năm vẫn không vào ĐH được. Trong khi đó với chừng ấy thời gian các em có thể hoàn thành chương trình học tại các trường nghề và tìm được việc làm phù hợp.
 Những năm qua việc kết nối cung - cầu thị trường lao động, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được doanh nghiệp đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình vào học ngành nghề đó. Nhiều trường ĐH, CĐ mở ra nhưng không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, nên nhiều lao động chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành.  
Ông ĐÀO QUANG VINH, 
Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội
Ông Nguyễn Thanh Tâm, ở phường Thạnh Lộc, quận 12 (TPHCM), cho biết: "Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình học hành đến nơi đến chốn, có việc làm và thành đạt. Vì thế, sau khi con tôi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), tôi muốn cháu học tiếp THPT và vào ĐH. Khi học lên cao, không chỉ có cơ hội việc làm cao, cháu còn được mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và có tầm nhìn hơn so với những người trình độ thấp. Gia đình tôi đang định hướng cho cháu theo ngành công nghệ thông tin, nhưng vẫn sẽ tôn trọng sự lựa chọn và sở thích của con nếu chọn ngành khác. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý nếu cháu chọn học nghề. Vì theo tôi, nếu học nghề chỉ có thể làm công nhân kỹ thuật, lương ít, cơ hội thăng tiến thấp".
Trong những ngày vừa qua, hơn 900.000 học sinh trên khắp mọi miền đất nước đã hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến năm học 2018-2019 có khoảng 300.000 sinh viên mới nhập học ĐH. Như vậy mỗi năm cũng khoảng số lượng ấy cử nhân, kỹ sư ra trường. Nếu ở nước ta số lượng học sinh phổ thông đăng ký xét tuyển ĐH hơn 70% (năm học 2016-2017 là 74%), thì ở các nước tiên tiến thấp hơn nhiều, vì ngoài học ĐH họ học trung cấp, học nghề hoặc làm công nhân, thậm chí về nông thôn làm việc.
Do vậy, việc vào ĐH không căng thẳng như ở nước ta và tỷ lệ thất nghiệp của các tân cử nhân, kỹ sư không cao. Tại sao ở nước ta áp lực vào ĐH lại đè nặng lên cả xã hội, với mỗi gia đình, mỗi học sinh phổ thông?
Đó là mặt trái của nền giáo dục khoa cử Nho giáo cổ truyền còn ảnh hưởng đến hôm nay. Ngày xưa học để thi, thi để ra làm quan để “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nên mỗi sĩ tử bước vào trường thi, ngoài gánh nặng chữ nghĩa còn gánh vác niềm tự hào tiểu nông cho cả gia đình, dòng họ. Đấy là chưa nói tới cảnh vinh hoa phú quý “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, rồi ra làm quan hưởng bổng cao lộc hậu, được kính nể, trọng vọng...
Bên cạnh đó là sức ép của các bậc phụ huynh còn nặng nề tâm lý tiểu nông, muốn con mình thi đậu ĐH để “mở mày mở mặt” với hàng xóm, để con sau này sung sướng nhàn hạ, làm ít hưởng nhiều... Rồi từ chính các em học sinh tự tạo cho mình sức ép phải bằng mọi giá vào ĐH cho “bằng anh, bằng em”, dù lực học mình không giỏi. Trong khi ĐH là môi trường nghiên cứu, tự học, tự rèn luyện tư duy độc lập... Vì thế, có nhiều trường hợp không thể theo học tiếp, phải bỏ giữa chừng.
Cử nhân làm bồi bàn, tiếp thị… công nhân
 Việc thành lập trường, mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh… chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau ĐH, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ ĐH trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Ông PHÙNG XUÂN NHẠ,
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Tốt nghiệp cử nhân khối ngành xã hội nhân văn ĐH Đà Lạt, ra trường, Lương Thị Thu Huệ về TPHCM xin việc. Từ làm nhân viên quảng cáo chỉ được hưởng lương trên hoa hồng kêu gọi được, Huệ chuyển sang làm nhân viên cho công ty tư vấn dịch vụ du lịch, cũng không ăn nhập gì với lĩnh vực mình học.
Không có nhiều kinh nghiệm trong công việc mới, áp lực cao cộng với mối quan hệ không có, Huệ liên tục bị khách hàng than phiền, có người còn lớn tiếng la mắng vì cho rằng bị Huệ quấy rầy. Sau gần 3 năm với 6 lần chuyển công việc, hiện Huệ làm phục vụ trong một nhà hàng ở quận Bình Thạnh, với mức lương 3 triệu đồng/tháng, ngày làm 8 tiếng.
“Nghĩ lại quãng thời gian tìm việc thật là khổ sở với em, chủ doanh nghiệp đòi hỏi quá cao nhưng mức lương lại rất thấp. Biết học ĐH xong cũng sẽ đi làm phục vụ em đã nghỉ học từ lâu”-Huệ bộc bạch.
Trường hợp của anh Hứa Hữu Thoại (32 tuổi, ngụ xã Krông Buk, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk) cũng không hơn gì. Tốt nghiệp hệ ĐH ngành khoa học môi trường, năm 2013 Thoại bôn ba khắp nơi để tìm việc nhưng không nơi nào nhận. Cùng lớp với anh có 40 người nhưng chỉ có 4 người xin được việc đúng về ngành nghề đã học. Những người còn lại phải tìm các công việc khác để mưu sinh. Hiện tại, anh Thoại đang theo học hệ Trung cấp Thú y.
“Học ĐH không phải là con đường duy nhất để tiến thân, chọn học nghề hiện nay là phù hợp. Vì học kiến thức thực tế, ra trường có tay nghề nên cơ hội việc làm cao hơn”-anh Thoại chia sẻ. Dẫu sao anh Thoại còn có điều kiện học lại và chọn ngành phù hợp, có nhiều trường hợp phải cất bằng ĐH ở nhà để xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Thế nhưng, nhiều công ty cũng ngại nhận công nhân có bằng cấp ĐH vì sợ phải trả lương cao hơn so với lao động phổ thông. 
Trước thực trạng trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án hơn 1.300 tỷ đồng để đưa khoảng 57.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động nước ngoài từ nay đến năm 2025.
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”: Nặng tâm lý, xa rời thực tế ảnh 1 Đa phần sinh viên vừa ra trường là không thể tìm việc làm đúng ngành học. 
Mục tiêu của đề án nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài cũng chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được căn cơ gốc rễ vấn đề. Do đó, những câu chuyện như cử nhân đi phục vụ quán cà phê, hay làm công nhân vẫn sẽ là câu hỏi chờ lời giải thỏa đáng từ những nhà làm chính sách.
Cần thay đổi tư duy
Nói về việc cử nhân, thạc sĩ, người có bằng cấp thất nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, nêu thực tế mỗi năm các trường ĐH, CĐ cung cấp cho thị trường lao động TP hơn 130.000 lao động, cùng hàng chục ngàn lao động do các chương trình đào tạo ĐH liên kết quốc tế, du học, đào tạo vừa học vừa làm, liên kết đào tạo ĐH với các tỉnh...
Trong khi đó, nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH, CĐ chỉ khoảng 60.000 chỗ làm việc/năm. Lý do cử nhân, thạc sĩ đi làm tiếp thị, nhân viên nhà hàng hay không tìm được việc do cơ cấu ngành nghề đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn nhiều bất cập. Ông Tuấn dẫn chứng, trong cơ cấu đào tạo ĐH, nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ và khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 30%, các nhóm ngành kinh tế-tài chính-khoa học xã hội-y tế-giáo dục chiếm tỷ trọng 70%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ-khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 45%, dẫn đến thừa lao động có chuyên môn về kinh tế-tài chính-giáo dục-y tế-khoa học xã hội.
Còn thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá, trên thế giới tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao, luôn đạt trên 50%. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Rõ ràng chúng ta luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt. Chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên ĐH và đào tạo ĐH tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp ĐH liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp ĐH chính quy.
Trong khi đó, học sinh lựa chọn nghề nghiệp phải phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn. Do vậy gia đình cần bỏ quan niệm không thi đậu THPT hoặc ĐH mới lựa chọn trường nghề. Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã mở ra nhiều cánh cửa cho học sinh. Theo đó, hết lớp 9, học sinh có thể lựa chọn học nghề theo các chương trình trung cấp, CĐ, kết hợp với học văn hóa. Như vậy, ở tuổi 18 học sinh hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật. 
Việc mỗi năm hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp, các bộ, ngành hữu quan cần có các giải pháp lâu dài. Theo đó, cần đánh giá đúng nhu cầu của thị trường để có sự lựa chọn phù hợp. Vấn đề này đòi hỏi thời gian thay đổi hệ thống hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và các cơ sở giáo dục đào tạo. 

Các tin khác