Thực hiện 7 Chương trình đột phá: Làm gì để hút vốn đầu tư

(ĐTTCO) - Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển TPHCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 1.829.385 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập, cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị và các lĩnh vực khác thuộc 7 Chương trình đột phá khoảng 850.000 tỷ đồng, chiếm 46%.  
Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách TP chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.
Kết nối tổ chức tín dụng – nhà đầu tư
Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) TPHCM bình quân 8-8,5%/năm. Để đạt được, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 ước cần khoảng 1.829.385 tỷ đồng, trong đó khu vực nhà nước 376.221 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng nhu cầu vốn; khu vực ngoài nhà nước 1.120.598 tỷ đồng, chiếm 61,2%; khu vực FDI 332.567 tỷ đồng, chiếm 18,2%.
 Trong điều kiện nguồn vốn của nhà nước còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa trong và ngoài nước, tận dụng các nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những thách thức, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế TPHCM. 
Ông Sử Ngọc Anh,
Giám đốc Sở KH – ĐT TPHCM
 
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, TP đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước. Hiện Sở KH-ĐT đã hoàn tất xây dựng chuyên mục về đầu tư PPP trên website của sở, bao gồm danh mục cập nhật các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn, tình hình thực hiện các dự án cũng như các hoạt động xúc tiến đầu tư liên quan.
Tính đến thời điểm hiện nay, đầu tư theo hình thức PPP đã có 23 dự án hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư khoảng 71.127 tỷ đồng. TP đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác (hiện đang ở các bước chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư dự kiến 395.847 tỷ đồng. 
Trong giai đoạn này, có thể nói sự đồng hành của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng (NH) cùng với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước trong các hoạt động tài trợ, cho vay vốn là yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công của các dự án cho 7 Chương trình đột phá của TPHCM.
Mới đây, Sở KH-ĐT TPHCM cũng đã ký kết hợp tác với Vietcombank, phối hợp toàn diện trong công tác hỗ trợ và cho vay đối với DN, NĐT trên địa bàn TP. Theo đó, Vietcombank hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, giúp Sở KH-ĐT đánh giá chi tiết về tính khả thi của dự án bên cạnh các yếu tố thẩm định tổng quan. 
Song song đó, thực hiện linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức chi trả cho NĐT theo mô hình đầu tư PPP mới, như hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng-thuê dịch vụ-chuyển giao), BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), O&M (kinh doanh-quản lý)… để bù đắp hạn chế của hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) trong bối cảnh quỹ đất TP còn hạn hẹp. Sở cũng chú trọng, nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối kết hợp trong rà soát, tìm kiếm để tạo nguồn vốn thanh toán cho NĐT các dự án theo hình thức PPP.
Để kết nối các bên, Sở KH-ĐT TPHCM cũng đẩy mạnh, tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, NĐT và các NH, TCTD, đảm bảo sự đồng hành của các TCTD và các NĐT trong hỗ trợ cho vay vốn thực hiện dự án đúng tiến độ. Xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các NĐT nước ngoài đầu tư vào 9 ngành dịch vụ chủ yếu và 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã được triển khai. 
Quá trình này đang được thực hiện tốt gắn với từng năm, từng lộ trình cụ thể trong suốt giai đoạn 2016-2020 và được các TCTD trên địa bàn TP triển khai hiệu quả. Đến nay, chương trình kết nối NH-DN đầu tư cơ sở hạ tầng và kết nối đầu tư với NH, TCTD tham gia các dự án thực hiện 7 Chương trình đột phá của TP, đạt được nhiều kết quả tốt.Hỗ trợ chính sách tiền tệ 
7 Chương trình đột phá của TPHCM thực hiện hiệu quả sẽ tạo bước đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, để TP tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và hướng đến khu vực. Ở góc độ hoạt động NH, việc định hướng, thực hiện các giải pháp tiền tệ tín dụng NH và sử dụng các công cụ của chính sách có vai trò quan trọng trong việc bổ sung vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế TP.
Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, ngành NH đã hỗ trợ và cho vay tín dụng để triển khai các dự án trọng điểm thuộc 7 Chương trình đột phá của TP, đặc biệt là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Định hướng này thể hiện rõ trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN.
Theo đó, NHNN tiếp tục chính sách hỗ trợ DN phát triển, với cơ chế trần lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ, khuyến khích sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, ứng dụng công nghệ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó việc giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay thông qua các chương trình tín dụng đã trực tiếp giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động cho DN trên địa bàn.
Chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN cũng tiếp tục tạo điều kiện vốn trung và dài hạn cho DN đầu tư trung, dài hạn mở rộng sản xuất kinh doanh trên tất cả lĩnh vực, ngành của TP với việc tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức phù hợp, thực hiện các giải pháp về điều hành chính sách thông qua các công cụ dự trữ bắt buộc, tỷ giá và lãi suất, chính sách tín dụng và hệ thống tỷ lệ an toàn trong hoạt động NH…
Điều này tiếp tục tạo động lực cho đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, cho DN trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho kinh tế TP. 
Tính đến thời điểm cuối tháng 7-2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 1.600.000 tỷ đồng. Riêng tín dụng trung, dài hạn đạt trên 52% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn dư nợ tín dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng đáp ứng cho phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải gắn liền với hiệu quả của các dự án.
Vì vậy, để thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng NH, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, các sở ngành liên quan và NHNN chi nhánh TPHCM cần tiếp tục phối hợp thông tin sâu, cụ thể về dự án, về chủ đầu tư, giúp các TCTD nắm rõ về dự án, có thông tin để tiếp cận, tìm hiểu, đánh giá để xem xét, thẩm định và quyết định cho vay. 
Trên thực tế trong quá trình tiếp cận dự án, chương trình, một số NH phản ánh cần tìm hiểu sâu hơn thông tin về dự án để xem xét cho vay. Đồng thời, các NH, TCTD cũng phản ánh chỉ có thể xem xét cho vay đối với dự án đã có chủ đầu tư. Các dự án chưa có chủ đầu tư, NH không có cơ sở thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động và tỷ lệ nợ/vốn của dự án.
Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút nguồn vốn cho các dự án thuộc 7 Chương trình đột phá, TP cần tiếp tục có chính sách thu hút các DN, NĐT tham gia các dự án, sau đó các NHTM sẽ xem xét, đánh giá dự án và khả năng tài chính của chủ đầu tư, đảm bảo các dự án được triển khai hiệu quả, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ DN thông qua chương trình hành động 1355 của NHNN và 3907 của UBND TP cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trong đó việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu vào để tạo điều kiện giảm chi phí đầu ra, giảm lãi suất cho vay là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành NH và của hệ thống NH TP, để tạo điều kiện hỗ trợ DN đạt hiệu quả nhất.

Tìm tiếng nói chung cho các bên
Để phát huy lợi thế và tiềm năng của TPHCM trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công, Sở KH-ĐT đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trên tất cả lĩnh vực xây dựng như trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở xã hội - tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện), hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội), thương mại, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, hạ tầng khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao, hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ khác có tiềm năng thu hút đầu tư. 
Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Anh, hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai vay vốn. Theo quy định hiện hành, NĐT cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15-20%, vốn cần huy động từ các NH, TCTD khoảng 80-85% tổng vốn đầu tư dự án. Như vậy, nguồn lực của các dự án đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay NH và đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của dự án. 
Thực hiện 7 Chương trình đột phá: Làm gì để hút vốn đầu tư ảnh 1 Xã hội hóa nguồn vốn được xem là giải pháp hữu hiệu để cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị TPHCM.
Ảnh: P.LONG  
Trong khi đó, theo đánh giá chung từ phía các TCTD, các tài sản đảm bảo dự án khó định giá, tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu do dự án chậm tiến độ, khó thu hồi vốn. Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thường có vòng đời trung bình 15-20 năm, chưa phù hợp với chính sách cho vay, vì NH thường cho vay vốn ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế giám sát, phối hợp 3 bên NĐT, TCTD và cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến không đảm bảo bên cho vay kiểm soát được tính xác thực, khả thi trong quá trình vận hành dự án, như kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận để kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án. Hiện nay sở sẽ ghi nhận vấn đề này để tìm ra tiếng nói chung cho cả 3 bên.

Các tin khác