Thúc đẩy xây dựng bãi xe ngầm

(ĐTTCO) - Nhiều dự án bãi xe ngầm tại TPHCM được triển khai đầu tư từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa ra hình hài. Ngoài khó khăn về vốn, năng lực chủ đầu tư hạn chế, còn có trở ngại không nhỏ là không gian ngầm TP chưa quy hoạch cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.

(ĐTTCO) - Nhiều dự án bãi xe ngầm tại TPHCM được triển khai đầu tư từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa ra hình hài. Ngoài khó khăn về vốn, năng lực chủ đầu tư hạn chế, còn có trở ngại không nhỏ là không gian ngầm TP chưa quy hoạch cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.

Thay nhà đầu tư không có khả năng

Ngoài các dự án bãi đậu xe ngầm đang lên kế hoạch triển khai, Sở GTVT cần tăng cường kêu gọi thêm nhiều dự án bãi đậu xe để đáp ứng nhu cầu đậu xe lớn. Việc thực hiện các bãi đậu xe ngầm phải gắn với việc khai thác không gian ngầm bởi đây là tài nguyên rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Tại cuộc họp với các sở, ngành về các dự án bãi đậu xe ngầm cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo, Sở GTVT làm việc lại với từng nhà đầu tư của 4 dự án bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm TP, xem vướng mắc ở đâu để có giải pháp tháo gỡ.

Các bãi đậu xe ngầm lớn được kỳ vọng giúp giải quyết đáng kể chỗ đậu xe ở quận 1 đặt ở Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư, nhưng từ nhiều năm nay dường như dậm chân tại chỗ. “Nếu nhà đầu tư nào nói khó khăn quá, không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án TP sẽ mời nhà đầu tư khác” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo quy hoạch phát triển giao thông của TP, khu vực quận 1 và một phần các quận 3, 4 và Bình Thạnh có tổng diện tích bãi đậu xe 8,9ha. Dự kiến, khi đưa vào khai thác, 4 bãi đậu xe ngầm đáp ứng được 6.300 xe ô tô và 4.000 xe máy. Trong đó, dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám có tổng vốn 1.748 tỷ đồng do CTCP Đầu tư Phát triển không gian ngầm (IUS) đầu tư.

Dự án lên kế hoạch khởi công vào tháng 10-2017 và đến năm 2019 hoàn thành. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, nhà đầu tư dự án bãi đậu xe Công viên Lê Văn Tám đang gặp khó khăn về tài chính. Sở GTVT sẽ làm việc lại với nhà đầu tư, nếu không còn khả năng sẽ thu hồi, giao dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

Còn dự án bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đầu tư với số vốn khoảng 740 tỷ đồng dự kiến khởi công vào đầu tháng 9 tới. Dự án này tương đối khả thi về tiến độ thực hiện. Trong khi đó, 2 dự án bãi đậu xe ngầm tại sân bóng đá Tao Đàn và tại sân vận động Hoa Lư do Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty TNHH Đầu tư Văn hóa và Thể thao Sài Gòn đăng ký đầu tư, với tổng vốn lên đến 4.500 tỷ đồng hiện đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Liên danh nhà đầu tư này dự kiến trình TP báo cáo nghiên cứu trước ngày 25-8.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bãi xe, Sở GTVT TP kiến nghị UBND chỉ đạo Sở Tài chính sớm ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư, phục vụ công tác kêu gọi xây dựng bãi đậu xe trên địa bàn. Đối với các vị trí xây bãi đậu xe ngầm dưới Công viên 23-9, dưới đường Nguyễn Huệ, dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn, dọc đường Tôn Đức Thắng và Công trường Mê Linh, do chưa có quy hoạch về số tầng ngầm, kết nối không gian ngầm, các chỉ tiêu xây dựng phần ngầm… nên Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở QH-KT nghiên cứu, xác định chỉ tiêu quy hoạch cụ thể để có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư.

 Ưu tiên phát triển

Thực tế việc quy hoạch không gian ngầm như số tầng ngầm, kết nối không gian ngầm… chưa được nghiên cứu, dẫn đến các sở, ngành không có cơ sở góp ý, đề xuất thêm một số dự án bãi đậu xe. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở QH-KT nghiên cứu, định hướng cụ thể bãi đậu xe ngầm tại các khu vực nói trên để có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án.

 

Hiện nay, trong khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TP (gồm các quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh), ngoài quận 1 đã xác định 4 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm, dự kiến xem xét thêm 3 vị trí, gồm dưới Công viên 23-9, dưới chợ Bến Thành, dưới Công viên Quách Thị Trang, khu vực Bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Công viên Chi Lăng.

Hiện nay, trong phạm vi bán kính 500m tính từ trụ sở UBND TP có 59 công trình cao tầng có từ 1-5 tầng hầm để xe. Trong đó, có 13 công trình phức hợp có 3-5 tầng hầm đậu xe, như tòa nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center… có tổng diện tích tầng hầm để xe 205.549m². 46 công trình cao tầng có tầng hầm bố trí đậu xe có công suất nhỏ hơn nằm trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… với tổng diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 265.617m2.

Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà, có thể dành khoảng 20% (94.233m²) diện tích để đáp ứng nhu cầu đậu xe công cộng, ước khoảng 1.323 ô tô và 2.749 xe máy. Sở GTVT và Sở Xây dựng rà soát trong phạm vi 900ha khu vực trung tâm TP để tích hợp các bãi đậu xe hiện hữu đưa lên điện thoại thông minh cho người dân biết, thuận tiện khi gửi xe. Ngoài ra, Sở Xây dựng khi tiếp nhận các dự án đầu tư công trình cao ốc cũng tính toán các hầm để xe cho khách vãng lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, các bãi đậu xe ngầm của TP đang rất thiếu nên TP ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch không gian ngầm của TP vẫn chưa có nên gây khó khăn cho việc tích hợp các bãi đậu xe ngầm với các công trình ngầm của TP trong tương lai. Ông Khoa yêu cầu các sở, ngành rà soát lại các dự án bãi đậu xe ngầm, nếu nhà đầu tư đăng ký nhưng không làm phải xử lý, không để kéo dài như dự án bãi đậu xe Công viên Lê Văn Tám.

Chi phí đầu tư bãi đậu xe ngầm cao nên có thể xem xét đưa dự án bãi đậu xe ngầm vào dạng dự án được ưu tiên vay vốn kích cầu đầu tư của TP. Sở GTVT cũng cho biết thời gian qua đã phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBNDTP ban hành khung chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tiền sử dụng đất và mức phí dành cho nhà đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm, đề xuất, kiến nghị Trung ương bổ sung một số cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm.

Các tin khác