Thúc đẩy tăng trưởng GDP: Đẩy mạnh thoái vốn, đầu tư hạ tầng

(ĐTTCO) - Tái cơ cấu (TCC) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hẹp sở hữu nhà nước tại DN để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, hướng tới phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường là 1 trong 3 trọng tâm của quá trình TCC tổng thể nền kinh tế. 
Vấn đề cấp thiết hiện nay là vốn nhà nước sau khi thoái khỏi DN sẽ đầu tư vào đâu, cơ chế đầu tư thế nào để phát huy tối đa hiệu quả.
Thực tế thời gian qua, sau khi rút vốn nhà nước khỏi DN, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ biết phân bổ vào 2 kênh đầu tư “an toàn” là gửi tiết kiệm và mua trái phiếu chính phủ. Trong khi đó nguồn lực từ thoái vốn nhà nước tại DN từ nay đến 2020 ước tính lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu kép vừa thực hiện thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước, vừa thúc đẩy tăng trưởng, nguồn lực này nên được đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, an sinh xã hội và môi trường. Đây là những lĩnh vực đang khát vốn trong nền kinh tế.
Nếu quá trình thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra đúng kế hoạch, được đầu tư đúng chỗ, đây sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng GDP những năm tới khi các nguồn tài nguyên khoáng sản như than, dầu thô đang cạn dần.
Thoái hơn 296.000 tỷ đồng
 Chúng ta đang ngồi trên đống tiền nhưng vẫn lo thiếu tiền. Nếu quá trình TCC DNNN được đẩy mạnh trong những năm tới, hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn sẽ được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mục tiêu đề ra.
TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng CIEM
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu sắp xếp lại 240 DNNN, trong đó duy trì 103 DN 100% vốn nhà nước, 31 DN Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, 106 DN Nhà nước giữ lại dưới 50% vốn sở hữu. Tổng số vốn điều lệ của 240 DNNN ước tính lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, đây là khối tài sản rất lớn và là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới khi các nguồn lực tăng trưởng khác đang cạn dần.
Trong danh mục 240 DNNN TCC từ nay đến 2020, Chính phủ sẽ thực hiện cổ phần hóa (CPH) ít nhất 137 DN, quá trình này tạo ra nguồn thu tiềm năng rất lớn. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu thực hiện CPH DNNN thành công như mục tiêu đề ra, Chính phủ sẽ thu về hơn 296.000 tỷ đồng; trong đó quá trình CPH nhóm DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn thu về khoảng 174.000 tỷ đồng, nhóm DN Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn thu về hơn 78.000 tỷ đồng, nhóm DN Nhà nước nắm giữ lớn hơn hoặc bằng 65% vốn thu về gần 43.000 tỷ đồng.

Đánh giá về thực trạng TCC DNNN hiện nay, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM), cho biết quá trình CPH DNNN từ 2016 đến nay tiến triển chậm, việc bán cổ phần nhà nước tiếp tục gặp khó khăn. Năm 2016 cả nước CPH được 52 DNNN, 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong 5 tháng đầu năm 2017 chỉ CPH được 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập; công bố giá trị 38 DN nhưng chưa phê duyệt phương án CPH; đang xác định giá trị của 107 DNNN trước khi tiến hành CPH.

Theo số liệu Bộ Tài chính, quy mô các DNNN CPH từ năm 2016 đến nay có vốn điều lệ ngày càng lớn. Trong số hơn 50 DNNN CPH trong năm 2016, có 17% DNNN có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, 15% có vốn điều lệ 500-1.000 tỷ đồng, 45% có vốn điều lệ 100-500 tỷ đồng và 23% có vốn dưới 100 tỷ đồng.
Nhưng tỷ lệ cổ phần trúng giá và giá bán cổ phần năm 2016 chưa đáp ứng yêu cầu, là rào cản hạn chế cổ đông bên ngoài tham gia quá trình CPH. Khối lượng cổ phần trúng giá đạt khoảng 60% cổ phần bán ra, tương đương 12,2% vốn điều lệ DN, giá bán trung bình 13.000 đồng/cổ phần, khoảng 30% DN chỉ bán được dưới 2% số cổ phần khi đấu giá lần đầu (IPO). Song điều đáng lo là CPH DNNN những năm qua chỉ đạt về số lượng còn chất lượng rất thấp.
Tổng số DN hoàn thành CPH giai đoạn 2011-2015 đạt 508 DN, nhưng lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các DN sau CPH vẫn rất cao. Chẳng hạn, trong số 128 DN hoàn thành IPO vào năm 2015, đến nay Nhà nước vẫn giữ khoảng 81% vốn điều lệ, nhà đầu tư bên ngoài nắm 9,5%, nhà đầu tư chiến lược 7,3%, người lao động 2%.Quan hệ lợi ích trì hoãn CPH, chuyển giao vốn
 Nguyên nhân chậm trễ CPH DNNN những năm qua không phải do thiếu cơ chế chính sách, mà quan hệ lợi ích trong khu vực DNNN đang trì hoãn quá trình này, lợi dụng nhiều kẽ hở để trục lợi. Điều này biểu hiện rất rõ khi nhiều bộ, ngành, địa phương không muốn chuyển quyền sở hữu nhà nước tại DN về SCIC. 
Ông Phạm Đức Trung
Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM)
Hiện số DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vẫn quá lớn. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 còn khoảng 103 DN 100% vốn nhà nước, trong đó 28 DNNN trực thuộc các bộ, ngành Trung ương, 70 DN trực thuộc địa phương.
Song quy mô vốn của các DN 100% vốn nhà nước rất lớn, như các DNNN trong lĩnh vực truyền tải điện, thủy điện, điều độ điện có tổng vốn trên 182.000 tỷ đồng; xổ số kiến thiết 10.600 tỷ đồng; tín dụng chính sách 62.200 tỷ đồng; lĩnh vực khác khoảng 292.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy dư địa thoái vốn nhà nước khỏi các tập đoàn, tổng công ty sau năm 2020 vẫn còn rất lớn.

Nhận định về thực trạng TCC DNNN những năm qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng mục tiêu CPH giai đoạn 2011-2015 chưa đạt được, giai đoạn 2016 -2020 đến nay về cơ bản mới phê duyệt phương án CPH.
Thực trạng này cho thấy cần siết hơn nữa kỷ luật hành chính với TCC DNNN, khi xu hướng chống đối việc chuyển giao DNNN về SCIC ngày càng công khai, như trường hợp CPH 2 tổng công ty bia Habeco và Sabeco… Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng văn bản về TCC DNNN đã quá đầy đủ, nhưng đến nay TCC DNNN một cách thực chất chưa thực hiện được.
Quá trình TCC DNNN phải rút ít nhất trên 50% vốn nhà nước tại các DN để đầu tư, phân bổ lại cho thị trường. Khu vực nhà nước cần thu hẹp lại, tập trung làm một số việc, còn lại nên để cho thị trường làm. Chẳng hạn, việc giữ lại 103 DN 100% vốn nhà nước có đến 70 DN là do địa phương sở hữu, trong đó có 63 công ty xổ số kiến thiết địa phương. Điều này có vẻ Nhà nước đang khuyến khích chơi xổ số, không khuyến khích dòng vốn tập trung vào đầu tư.

Có ý kiến còn cho rằng có nguyên nhân từ sự thiếu quyết tâm chính trị, yếu trong khâu tổ chức thực hiện của bộ máy nhà nước. Hiện gánh nặng DNNN đang rất lớn và đang khiến nền kinh tế dần tụt hậu. Cụ thể, năm 2015 có đến 20% tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế, nhiều rủi ro và không tự chủ được về tài chính. Đóng góp ngân sách của khu vực nhà nước giảm xuống còn 28%, chỉ số ICOR cao hơn 1,3 lần so với mức chung của toàn nền kinh tế, nợ nước ngoài của khu vực DNNN cũng rất lớn…
“Nếu không chấp nhận trả giá, không mạo hiểm sẽ không TCC DNNN thành công được. Chẳng hạn việc thành lập cơ quan quản lý chuyên trách DNNN có thể không tốt hơn nhưng nó là quá trình tất yếu để sắp xếp lại khu vực này” - TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nói.
Thúc đẩy tăng trưởng GDP: Đẩy mạnh thoái vốn, đầu tư hạ tầng ảnh 1 TPHCM rất cần vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong ảnh đường dẫn vào cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: LONG THANH 
Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Quá trình thoái vốn nhà nước tại các DN không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa khu vực DNNN và DN tư nhân, mà còn mang lại nguồn lực lớn cho phát triển đất nước trong những năm tới. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, quá trình thoái vốn cũng đặt ra vấn đề rất lớn trong sử dụng vốn hiệu quả. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy cần tính toán kỹ cách sử dụng vốn sao cho hiệu quả trước khi thoái vốn. Bởi thời gian qua việc bán vốn nhà nước tại DN lại có xu hướng làm cho khu vực nhà nước lớn thêm.
Có nghĩa DNNN chỉ bán thêm cổ phần cho bên ngoài, làm cho khu vực DNNN ngày càng phình to. Hơn nữa, thời gian qua số vốn rút ra được từ CPH DNNN lại không bằng nguồn lực ra đầu tư thêm vào DNNN, thực tế này đi ngược lại với mục tiêu của CPH.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nguồn vốn thu được từ quá trình thoái vốn nhà nước tại DN nên tập trung vào các dự án hạ tầng ưu tiên, như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…, không nên hòa nguồn vốn thoái từ DN vào kế hoạch đầu tư trung hạn. Hơn nữa, các DNNN sau khi CPH nên để hoạt động theo cơ chế thị trường, đừng bắt DN làm nhiều việc, thực hiện nhiều mục tiêu, vì như vậy đôi khi lại không làm được gì.

TS. Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp, đặt vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước rút ra từ các DN. Theo đó, đến nay mới rút được khoảng 1% vốn nhà nước tại DN, nhưng SCIC vẫn không đầu tư được. Vậy nếu rút được 20% sẽ làm gì? Thí dụ, trong số 46.000 tỷ đồng vốn nhà nước do SCIC quản lý, gửi tiết kiệm khoảng 25.300 tỷ đồng và mua trái phiếu chính phủ khoảng 20.500 tỷ đồng, cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này đang không có hiệu quả.
Vì thế, việc rút vốn khỏi DNNN trước hết phải tái đầu tư ra ngoài khu vực DNNN như kết cấu hạ tầng chẳng hạn. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực cấp bách Nhà nước cần đầu tư như bảo vệ môi trường, xây dựng bệnh viện, phát triển mạng lưới nước sạch… Không nên rút vốn nhà nước khỏi DN rồi lại đầu tư vào DNNN như quy định tại Điều 10 Luật Quản lý vốn nhà nước. Làm vậy giống đánh bùn sang ao, không đạt được mục tiêu cuối cùng. 

Với thực tế hiện nay, theo TS. Đặng Đức Đạm cần một mô hình lưỡng thể để vừa thực hiện sắp xếp lại DNNN, vừa kinh doanh vốn nhà nước. Mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan giao thời, tình thế, khi hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới quản trị DNNN, chỉ giữ lại các tập đoàn đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước giống như Temasek (Singapore)…

Các tin khác