Thị trường VLXD: Giải pháp không lệ thuộc cát tự nhiên

(ĐTTCO) - Thị trường cát xây dựng ở khu vực Đông Nam bộ đang tăng giá ở mức cao do thiếu nguồn cung sau các quy định siết chặt việc khai thác, nạo vét cát trên các tuyến sông. 
Chưa bao giờ tình trạng khan hiếm nguồn cung cát lại ảnh hưởng nặng nề đến việc xây dựng công trình, nhà cửa như vậy.
Cát tặc lộng hành
 Việc nghiên cứu tìm ra loại vật liệu mới để thay thế cát là cần thiết. Bởi vì ngoài việc làm giảm bớt áp lực đối với nguồn cát tự nhiên đang ngày càng cạn dần, tìm ra loại vật liệu thay thế sẽ giúp hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép. Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng cũng có đề xuất nguồn vật liệu để thay thế cát, trong đó có phương án nghiền đá ra để thay thế cát.
Ông Nguyễn Ngọc Thường,
Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai
Do lợi nhuận khủng, trong suốt thời gian dài, ở các địa phương dọc các con sông lớn đều xảy ra tình trạng một số cá nhân hoặc một nhóm người không có giấy phép khai thác cát nhưng vẫn bơm, hút cát trái phép, gây nguy cơ sạt lở đất ở các vùng ven sông cũng như nhà cửa người dân khu vực ven sông. Vào khoảng 23 giờ ngày 9-6, tại khu vực ngã ba sông Rạch Giáng - sông Đồng Nai (phường Long Phước, quận 9), tổ công tác Thủy đội phối hợp Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái (thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TPHCM), đã phát hiện 2 ghe bơm hút cát không số đang bơm hút cát trái phép. Xung quanh 2 ghe bơm hút cát còn nhiều ghe khác có dấu hiệu tiếp tay vận chuyển cát trái phép.
Tổ công tác đã nhanh chóng điều khiển ca nô cập mạn 2 ghe bơm hút cát đề nghị kiểm tra phương tiện. Lập tức các đối tượng trên 2 ghe này tỏ thái độ thách thức, không hợp tác. Tổ công tác buộc phải nổ 3 phát súng AK chỉ thiên để răn đe, trấn áp các đối tượng. Nghe súng nổ, các đối tượng nhảy xuống sông bơi vào bờ và ẩn núp trong những mảng rừng dừa nước. 

Khi lực lượng chức năng đang kiểm tra ghe, các đối tượng đứng trên bờ có ý định trở lại cướp ghe bơm hút cát. Thấy vậy, tổ công tác tiếp tục bắn tiếp 3 phát súng AK để răn đe, những đối tượng đành chịu rút lui. Tuy nhiên, trước khi rút lui, nhóm cát tặc còn tìm cách làm cho ghe bơm hút cát chìm xuống dòng sông để phi tang vật chứng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra xử lý. Lúc này, xung quanh 2 ghe bơm hút cát bị kiểm tra, những ghe khác có dấu hiệu tiếp tay vận chuyển cát trái phép cũng nổ máy bỏ chạy trong đêm.

Gần đây nhất, ngày 28-6, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Đồng Nai) tạm giữ 1 thuyền loại lớn, triệu tập 4 đối tượng liên quan để điều tra về việc bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai.
Trước đó, đêm 27-6, trong lúc tuần tra trên sông Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện chiếc thuyền biển kiểm soát ĐT 02104 đang có dấu hiệu bơm hút cát trái phép trên sông đoạn km19+300 thuộc địa phận xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên thuyền có 4 người; khoang thuyền rộng hàng chục m2, chứa khoảng 60m3 cát; khoang thuyền được gắn các thiết bị như vòi rồng, máy bơm công suất lớn và các thiết bị chuyên dụng để bơm hút cát.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, giá cát xây dựng ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác liên tục tăng cao. Ham lợi nhuận, nhiều đối tượng đã trang bị phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Chỉ riêng từ tháng 6-2017 đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện nhiều vụ hút cát trái phép, thu giữ hơn 10 thuyền bơm hút cát. Trong khi đó, Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong 7 tháng năm 2017, lực lượng chức năng của TP đã phát hiện 37 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ 78 phương tiện.

Còn tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (nằm giữa vùng giáp ranh giữa các tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng - Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai diễn ra thường xuyên, quy mô lớn và có từ chục năm nay. Do nhu cầu thị trường xây dựng tăng cao ở vùng Đông Nam bộ, nên thời gian gần đây tình hình khai thác cát trái phép ở đây diễn biến phức tạp.
Điều này đã tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ hệ động, thực vật quý giá của VQG Cát Tiên. Chỉ tính riêng trên con suối Đạ Tẻh, một nhánh đổ ra sông Đồng Nai, có khoảng chục điểm khai thác cát. Hệ quả, phía bờ VQG Cát Tiên, dòng sông Đồng Nai đã ngoạm sâu vào đất rừng vài mét, kéo dài cả 5km. Hụt nguồn cung, giá cát tăng 
Trước tình hình khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp, TPHCM đã ký quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Hiện Sở TN-MT đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết thực hiện quy chế này.
Nguyễn Thị Thanh Mỹ
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM
Trước thực trạng khai thác cát lậu tràn lan trên các dòng sông, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng ở nhiều khu vực ven sông, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt, không để diễn ra tình trạng khai thác cát lậu. Ngay sau đó, các tỉnh, thành đều ra quân truy quét nạn cát tặc trên sông. Vì thế, nguồn cung bị hẹp, đã đẩy giá trên thị trường tăng cao. Trong vai người đi mua cát để xây nhà, chúng tôi ghé cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa (Đồng Nai) để nắm tình hình thị trường cát. Ông Ngô Văn Thành, chủ cơ sở bán VLXD, thổ lộ: “Trong 2 tháng qua, giá cát đã tăng 3 lần so với trước vì không có nguồn hàng. Giá cát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có thể còn tiếp tục tăng cao khi nhu cầu xây dựng đang rất lớn, bởi chuẩn bị kết thúc mùa mưa ở Nam bộ”.
Chúng tôi tiếp tục tới đường Nguyễn Xiển, quận 9 (TPHCM), khu vực có nhiều bãi cát nhất của TP. Một số chủ bãi cho biết chỉ cách đây chừng 1 năm, mỗi bãi luôn có từ 4-6 điểm cát lớn để cung cấp cho thị trường TPHCM. Nay mỗi ngày chủ vựa cát trong khu vực chỉ có 1-2 đống cát, mỗi đống có tối đa 1.000 khối cát. Theo ghi nhận của ĐTTC, tại TPHCM hiện giá cát bê tông vàng loại 1 là 500.000 đồng/m3, loại 2 gần 350.000 đồng/m3.

Giá cát tăng cao đã ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng của nhiều gia đình. Chị Lê Thị Như Nguyệt, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, cho biết gia đình chị định xây nhà từ trước Tết Nguyên đán 2017 nhưng chưa thực hiện được. Nay chị để dành khoảng 200 triệu đồng chi phí VLXD, trong đó có 40 triệu đồng tiền cát. Tuy nhiên, đến nay giá cát tăng chóng mặt khiến chị không khỏi đắn đo.
“Tôi mới ra cửa hàng VLXD tham khảo nhưng chủ cửa hàng bảo phải đặt hàng trước và phải chờ một thời gian mới có hàng. Giá cả lại tăng vọt so với thời điểm trước Tết. Nếu nay mua 2 xe cát giá cao bằng 6 xe so với trước” - chị Nguyệt nói. Ông Trần Ngọc Thành, ở phường 13, quận Gò Vấp, dù đã xây thô xong ngôi nhà 3 tầng nhưng giá cát cao đã ảnh hưởng đến việc hoàn thiện công trình. Ông Thành đã tạm ngưng việc hoàn thiện ngôi nhà để chờ giá cát xuống thấp hơn. Ông Thành thổ lộ: “Tiền đổ vào xây nhà, mua VLXD gần hết nên tôi tạm ngưng phần hoàn thiện một thời gian. Hiện tại, giá cát tăng quá cao nên tôi hy vọng sắp tới sẽ giảm. Nếu giá cát không giảm cũng phải có thời gian để còn xoay xở kiếm tiền mua”.
Thị trường VLXD: Giải pháp không lệ thuộc cát tự nhiên ảnh 1 Do khan hiếm, các vựa cát ở TPHCM không có nhiều hàng, khách muốn mua phải đặt hàng trước.  Ảnh: ĐỨC TRUNG 
Tìm vật liệu thay thế 
Việc nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu nên giải pháp về nguồn vật liệu thay thế cát trong xây dựng đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay. Một số DN đang khai thác khoáng sản tại vùng Đông Nam bộ cho biết ở những nước phát triển đã tiến hành nghiền đá thành cát.
Do vậy ở nước ta phương án này triển khai cũng không khó, chỉ cần xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc về lắp ráp là có thể hoạt động. Vấn đề khiến các DN còn băn khoăn là đầu ra của loại VLXD mới này. Hiện nay, thói quen của các hộ gia đình ở Việt Nam khi xây dựng các công trình nhà ở hay dùng cát để san lấp mặt bằng và xây cất.
Song theo ông Trịnh Tiến Bảy, Tổng Giám đốc CTCP Hóa An (TP Biên Hòa), DN đang khai thác 2 mỏ đá tại huyện Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa, giá đá bán bình quân hiện nay gần 200.000 đồng/m3, nếu DN đầu tư dây chuyền chế biến đá thành cát, giá cát nhân tạo sẽ rẻ hơn gần 200.000 đồng/m3 so với cát khai thác tại khu vực lòng hồ Trị An. Dây chuyền làm cát chỉ từ 5 tỷ đồng trở lên, DN cũng đầu tư dễ dàng, nhưng ngại nhất vẫn là thị trường khu vực phía Nam chưa quen dùng đá nghiền thay cát.

Về phía TPHCM, để đối phó với tình trạng giá cát xây dựng tăng phi mã, trong tháng 7, UBND TPHCM đã ban hành nhiều giải pháp. Theo đó, UBND TP giao Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình, đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. TPHCM cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định.
Đặc biệt, TP cũng đưa vào danh sách đặt hàng các đề tài nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình. Trong một diễn biến có liên quan, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết giải pháp đang được sở này đưa ra là lấy tro xỉ để thay thế cát xây dựng, thực hiện công việc san lấp… Sở Xây dựng đã có văn bản gửi đến các DN, đề nghị DN chủ động nghiên cứu lấy tro xỉ làm dự án.

Theo nhận định của các đại lý kinh doanh VLXD ở TPHCM và vùng Đông Nam bộ, giá cát sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là vào thời điểm cuối mùa mưa năm nay và mùa khô tới, khi nhiều công trình xây dựng được khởi công. Như vậy, đây cũng là dịp thuận lợi nhất cho các DN khai thác đá đầu tư công nghệ xử lý đá thành cát để tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm và góp phần hạ nhiệt tình trạng khan cát ngoài thị trường.

Các tin khác