Thị trường tăng trưởng vượt bậc

(ĐTTCO) - Việc các nhà bán lẻ ngoại tràn vào Việt Nam đã chứng tỏ thị trường bán lẻ nước ta rất nhiều tiềm năng. Đây là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc so găng giành thị phần.
 
Thị trường tăng trưởng vượt bậc
Hàng trăm tỷ USD doanh thu
Theo khảo sát hàng năm về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của A.T. Kearney (hãng tư vấn của Hoa Kỳ), năm 2017 Việt Nam đã vươn lên thị trí thứ 6, chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (thứ 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (thứ 16), Saudi Arabia (thứ 11)...
Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang là “vườn trái ngọt” đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam từng tuột khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2012. Trước đó Việt Nam đã từng đứng đầu danh sách này trong năm 2008, xếp vị trí thứ 6 trong năm 2009, thứ 14 trong năm 2010 và thứ 23 trong năm 2011.
Theo A.T. Kearney, Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng và tăng bậc về chỉ số bán lẻ trong năm nay được cho là do các luật đầu tư thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.
 Thị trường bán lẻ Việt Nam từ nhiều năm qua đã trở thành mảnh đất hấp dẫn đại gia bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Để có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng mà cần có thái độ phục vụ, dịch vụ sau bán hàng tốt.
TS. Nguyễn Minh Phong,
chuyên gia kinh tế 
Cụ thể, Chính phủ đã cho phép 100% quyền sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài từ năm 2015 và chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút họ. Chính vì vậy ngay trong năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 2.670.500 tỷ đồng (tương đương 118 tỷ USD), tăng 10,2% so với năm 2015.
Ông Soon Ghee Chua, Trưởng khu vực Đông Nam Á của AT Kearney, nhận định: "Thời điểm của Việt Nam dường như đã đến. Nền kinh tế đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được kỳ vọng sẽ giúp tăng thu nhập và tiêu dùng trong dài hạn. Với chính sách ưu đãi của Chính phủ, dân số thành thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng cùng với dân số trẻ, và tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 6,6% trong năm 2017, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về Việt Nam".
Trong doanh số hàng trăm tỷ USD hàng hóa bán lẻ nêu trên, thương mại điện tử trong nước cũng đóng góp đáng kể, với doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 22%, chiếm 1,2% tổng số bán lẻ vào cuối năm 2017. Giảm giá trực tuyến và các chương trình khuyến mại đang thúc đẩy doanh số bán hàng. Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. 

Doanh nghiệp nội so găng
Trước sức ép rất lớn từ các đại gia ngoại đang tung hoành ở Việt Nam, các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là Vingroup và Coop.Mart, đã tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Vinmart+ dường như đang tạo ra một phong cách, nhận thức tiêu dùng mới an toàn, thông minh trước bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn nạn tại các khu chợ truyền thống.
Đây là chiến lược được đánh giá bài bản, chuyên nghiệp của Vingroup, đồng thời cũng là sự khác biệt nổi bật của Vinmart so với các thương hiệu bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam. Kế đến là chiến lược về chuỗi cung ứng nông sản sạch thương hiệu Vineco độc quyền trong các siêu thị của Vinmart và Vinmart+. VinEco là thương hiệu thực phẩm sạch được chuyển giao từ công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Từ đó, Vinmart chủ động hoàn toàn nguồn cung thực phẩm.
Trong khi đó, lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng để giải quyết khó khăn của mình, từ vài năm trước đơn vị này đã phải xác định hướng đi quan trọng là đa dạng mô hình hoạt động và hợp tác với các đơn vị nước ngoài để củng cố nội lực. Trong bán lẻ đa sản phẩm, bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới siêu thị ra các tỉnh, thành phố, Saigon Co.op đang tập trung nguồn lực vào hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Mới đây 12 Co.op Smile được xây dựng tại TPHCM là mô hình cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Saigon Co.op, dự kiến hệ thống này sẽ tăng lên 200 cửa hàng trong năm 2017. Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, các doanh nghiệp nội cần chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Bản thân doanh nghiệp đang đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ.
Phân tích bối cảnh trên, bà Nguyễn Ngọc Trâm, đại diện JLL Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp Việt lo lắng là tất yếu vì người tiêu dùng hiện đại có thói quen mua sắm thông minh, chất lượng và mẫu mã đa dạng sẽ là tiêu chí ưu tiên chọn lựa. Trong khi đó, 2 tiêu chí này hoàn toàn là lợi thế của các nhà bán lẻ ngoại, và ngược lại là hạn chế của nhiều nhà bán lẻ nội. Tuy nhiên, nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng, miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài, chính vì vậy nên tập trung phát huy ưu điểm này.
Một số chuyên gia kinh tế trong nước khuyến cáo, theo quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại của Bộ Công Thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị, cũng như trung tâm thương mại đạt 45% vào năm 2020. Như vậy, cơ hội phát triển vẫn còn cho các nhà bán lẻ trong nước, vấn đề là khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội của doanh nghiệp nội.

Các tin khác