QUY HOẠCH NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÉP

Tham vọng lớn, thách thức nhiều

(ĐTTCO) - Điều chỉnh quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng 2035 đang được Bộ Công Thương soạn thảo và trình Thủ tướng phê duyệt. Điểm đáng chú ý của dự thảo là bổ sung dự án thép lớn và loại bỏ hàng loạt dự án nhỏ, với tham vọng đến năm 2020 sản xuất gang lỏng và sắt xốp 21 triệu tấn, phôi thép 32,3 triệu tấn/năm. Với mục tiêu này ngành công nghiệp thép sẽ bùng nổ trong thập niên tới. Liệu tham vọng này có thể thành hiện thực, hay một lần nữa chúng ta phải đối mặt với thất bại về quy hoạch thép?

(ĐTTCO) - Điều chỉnh quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng 2035 đang được Bộ Công Thương soạn thảo và trình Thủ tướng phê duyệt. Điểm đáng chú ý của dự thảo là bổ sung dự án thép lớn và loại bỏ hàng loạt dự án nhỏ, với tham vọng đến năm 2020 sản xuất gang lỏng và sắt xốp 21 triệu tấn, phôi thép 32,3 triệu tấn/năm. Với mục tiêu này ngành công nghiệp thép sẽ bùng nổ trong thập niên tới. Liệu tham vọng này có thể thành hiện thực, hay một lần nữa chúng ta phải đối mặt với thất bại về quy hoạch thép?

Bỏ nhỏ làm lớn

Ngành sản xuất lắp ráp ô tô nói riêng và cơ khí nói chung, toàn bộ các loại thép làm linh, phụ kiện, khung ô tô hiện nay chúng ta phải nhập, thép cho đóng tàu cũng nhập ngoại. Nhiều gói thầu EPC về cơ khí các DN trong nước cũng thua ngay trên sân nhà vì tỷ lệ nội địa hóa thấp. Hầu hết sản phẩm thép chế tạo sử dụng trong nước phải nhập khẩu, về Việt Nam chỉ cắt, xẻ, hàn lại là xong, vì thế giá trị gia tăng rất thấp.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương

Định hướng quy hoạch phát triển ngành thép bền vững trong dự thảo đưa ra trên cơ sở tận dụng lợi thế cạnh tranh và thân thiện với môi trường. Cụ thể, quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao tỷ trọng sản xuất gang lỏng, sắt xốp đạt 21 triệu tấn trong năm 2020, 46 triệu tấn vào năm 2025 và 55 triệu tấn vào năm 2035. Tương tự, sản xuất phôi thép vào các năm trên sẽ đạt 32,3 triệu tấn, 57,3 triệu tấn và 66,3 triệu tấn. Trong khi đó sản lượng gang lỏng, sắt xốp năm 2016 cả nước chỉ đạt 2,6 triệu tấn, phôi thép đạt khoảng 7 triệu tấn (tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất phôi thép ước đạt 12,6 triệu tấn). Với năng lực sản xuất hiện nay, có thể thấy tham vọng ngành thép trong những năm tới rất lớn. Vì thế, việc đưa vào quy hoạch những siêu dự án thép công suất hàng triệu tấn/năm là tất yếu.

Cụ thể, các liên hợp luyện cán thép lớn được xây dựng, đưa vào vận hành và khai thác từ nay đến năm 2020, bao gồm Liên hợp luyện cán thép Formosa Hà Tĩnh giai đoạn I công suất 7,5 triệu tấn/năm; Liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận giai đoạn I, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Liên hợp Gang thép Nghi Sơn giai đoạn I, công suất 2 triệu tấn/năm; Liên hợp Gang thép Quảng Ngãi giai đoạn I, công suất 2 triệu tấn/năm… Bên cạnh đó, một loạt dự án thép lớn khác cũng được đưa vào vận hành, như Nhà máy luyện cán thép đặc biệt Slengli giai đoạn II; Nhà máy Thép Hưng Yên; Nhà máy luyện cán thép Lào Cai VTM giai đoạn II; Nhà máy Phôi thép Phú Thọ; Nhà máy luyện cán thép Tuệ Minh. Tính chung, đến năm 2020 các liên hợp luyện gang thép, nhà máy thép này sẽ cung ứng thêm 18,5 triệu tấn/năm sắt xốp, gang lỏng 1,5 triệu tấn/năm, phôi vuông 9,5 triệu tấn/năm, phôi dẹt 10,5 triệu tấn/năm.

Song song với việc bổ sung các siêu dự án thép, Bộ Công Thương cũng tính tới việc loại bỏ hàng loạt dự án thép quy mô công suất nhỏ dưới 500.000 tấn/năm. Đó là Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh (Lào Cai); Khu liên hợp gang thép khoáng sản Việt (Cao Bằng); Nhà máy luyện cán thép Hà Giang; Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La; Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn giai đoạn II; Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn II; Nhà máy thép Hậu Giang II…

Hình thành nền tảng ngành công nghiệp cơ khí

Giai đoạn 2007-2010, tình trạng các dự án thép mọc lên như nấm khiến quy hoạch ngành thép bị phá vỡ. Ngành thép phát triển gần như không theo quy hoạch, tổng công suất thiết kế các lò luyện cán thép, lò điện lên đến hơn 9 triệu tấn/năm, nhưng chỉ vận hành được một nửa công suất. Thực trạng này do đầu tư ồ ạt, lãng phí trong khi nguồn lực hạn hẹp. Việc “bỏ nhỏ làm lớn” của dự thảo quy hoạch ngành thép điều chỉnh lần này được kỳ vọng giúp thị trường phát triển mạnh mẽ, quy củ hơn với những liên hợp luyện gang thép trải dài bờ biển nhiều tỉnh miền Trung.

Ông Phạm Chí Cường,  nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy năm 2016 nhập khẩu thép phục vụ nhu cầu trong nước như cán thép, gia công sau cán, sử dụng trực tiếp khoảng 22 triệu tấn; tổng kim ngạch nhập khẩu thép khoảng 9 tỷ USD. Việc thụ động trong sản xuất thép đã đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh trong những năm qua. Không chỉ vậy, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu thép đã hạn chế sự phát triển công nghiệp phụ trợ và nhiều ngành công nghiệp khác như sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp đóng tàu.

Đối với ngành công nghiệp phụ trợ, dù thời gian qua có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất cung ứng. Chẳng hạn sản phẩm điện tử, điện máy xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, nhưng nhập khẩu rất lớn. Chỉ riêng Samsung năm 2016 kim ngạch nhập khẩu linh, phụ kiện phục vụ sản xuất lên tới gần 20 tỷ USD, nên giá trị gia tăng thấp. Tình trạng Samsung nhập khẩu nhiều, nhưng doanh nghiệp (DN) trong nước khó chen chân vào chuỗi giá trị của tập đoàn này do trong nước yếu về mọi thứ. Thực tế, phía đối tác Hàn Quốc đã chuyển giao hơn 100 công nghệ cho DN Việt Nam. Nhưng do nguồn nhân lực yếu, vốn thiếu, nên chỉ có 10 DN trong nước là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung. Điều này cho thấy trình độ công nghiệp cơ khí của Việt Nam đang rất hạn chế.

Với ngành công nghiệp ô tô, năm 2003 khi ban hành quy hoạch với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2005 đạt tỷ lệ nội địa hóa ô tô dưới 9 chỗ ngồi 40%. Thế nhưng đến 2005, sản lượng ô tô mới đạt 30.000 xe, trong khi theo nguyên tắc muốn công nghiệp hóa phải đủ dung lượng mới nội địa hóa được, tức mỗi mẫu xe tối thiểu phải đạt 30.000 xe mới nội địa hóa được. Ngoài  yếu tố này, việc thiếu nguyên phụ liệu là các sản phẩm thép chế tạo cũng là rào cản trong quá trình nội địa hóa công nghiệp ô tô.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng ví thép là lương thực, là bánh mì của các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất lắp ráp ô tô, thậm chí cho cả ngành công nghiệp hỗ trợ của rất nhiều lĩnh vực công nghiệp. Thực tế này thể hiện rất rõ khi nhiều năm trước đây chúng ta đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng tàu. Ngành công nghiệp mũi nhọn này đã thu hút một nguồn lực rất lớn, nhằm thực hiện định hướng phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay vẫn chưa thành công như kỳ vọng. Điển hình là hàng loạt DN đóng tàu trực thuộc Vinashin (nay là SBIC), Vinalines làm ăn thua lỗ triền miên. Hàng loạt khu công nghiệp đóng tàu rơi vào tình trạng hoạt động lay lắt như Lai Vu (Hải Dương), Dung Quất (Quảng Ngãi), Ninh Cơ (Nam Định)…

Cả nước tính đến đầu năm 2016 có khoảng 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu có trọng tải trên 1.000 tấn, với 170 công trình nâng hạ thủy, nhiều nhà máy trong số này đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, không thể phủ nhận một thực tế là các DN đóng tàu trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, động cơ từ bên ngoài. Đây là nguyên nhân sâu xa bởi các DN đầu tư mới cho công nghiệp đóng tàu chỉ tập trung vào gia công, nên thua lỗ là điều dễ hiểu.

Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2010 đã bị phá vỡ, liệu điều này có lặp lại trong quy hoạch đến năm 2020?

Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2010 đã bị phá vỡ,



liệu điều này có lặp lại trong quy hoạch đến năm 2020?

Hướng đi phù hợp?

Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa hiện nay, Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020 tiêu thụ thép sẽ đạt 285kg/người, năm 2025 đạt 380kg/người, năm 2030 đạt 455kg/người và 2035 đạt 543kg/người. Nhu cầu thép thị trường trong nước sẽ tăng rất nhanh và chắc chắn không thể phụ thuộc vào thép và phôi thép nhập khẩu được. Cũng theo bộ này, kim ngạch nhập khẩu thép năm 2015 khoảng 9-10 tỷ USD, nếu không thay thế được nguồn nguyên liệu nhập khẩu này cán cân thương mại sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Cụ thể, nếu tính cả Liên hợp luyện cán thép Formosa Hà Tĩnh bán 50% công suất làm thép tại Việt Nam, vẫn cần thêm khoảng 8 triệu tấn thép tấm/năm và 6 triệu tấn thép xây dựng/năm, tức mỗi năm vẫn cần thêm khoảng 8 tỷ USD để nhập khẩu thép phục vụ nhu cầu trong nước. Trong khi đó, xét về cung cầu việc khai thác quặng sắt hiện nay đang tồn kho. Hiện nay chỉ một số DN tinh luyện được quặng nhưng cũng chỉ tiêu thụ được 4 triệu tấn quặng so với 12,9 triệu tấn quặng khai thác thô/năm. Như vậy mỗi năm thừa hơn 8 triệu tấn quặng, trong khi theo quy định hiện hành không cho xuất khẩu quặng thô.

Sự dư thừa quặng dẫn đến việc khai thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Để khai thác hiệu quả mỏ sắt trữ lượng 544 triệu tấn, hàm lượng Fe trung bình 59,2% lớn nhất khu vực Đông Nam Á này, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản (TKV) tái cơ cấu cổ đông CTCP Sắt Thạch Khê, theo hướng huy động các đối tác như Hòa Phát, Hoa Sen góp vốn thực hiện dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê. Chính các cổ đông này sau khi góp vốn sẽ có trách nhiệm tiêu thụ quặng sắt ở đó, đảm bảo hiệu quả khai thác quặng.

Bộ Công Thương nhận định giai đoạn này là thời điểm thích hợp để phát triển ngành công nghiệp luyện thép. Các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Hơn nữa, dư địa thị trường trong nước ngày càng lớn, nếu DN trong nước không đẩy mạnh đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Và việc quản lý các vấn đề trong phát triển như ô nhiễm môi trường, thuế sẽ khó khăn hơn.

Mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp luyện thép cũng là cơ sở để hình thành các tập đoàn công nghiệp sản xuất hàng đầu quốc gia, từ đó lan tỏa đến cộng đồng DN. Khác với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, DN sản xuất công nghiệp cần có thời gian tích tụ 10-20 năm. Vì vậy rất cần những chính sách phù hợp để hình thành nên các tập đoàn công nghiệp sản xuất trong nước, từ đó hình thành nên các chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng Việt Nam trên toàn cầu. Bởi quy mô DN lớn mới hạ được giá thành sản phẩm, khi đó khả năng cạnh tranh mới bền vững.

Các tin khác