Tham gia CPTPP giúp nâng cao vị thế của Việt Nam

(ĐTTCO) - Sáng 2-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Sau đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về nội dung này.
Cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức
Tờ trình nêu rõ, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8-3-2018 tại Santiago - Chile, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore. Sau khi ký hiệp định, các nước tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để hiệp định có hiệu lực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Trong đó, đánh giá tác động về mặt kinh tế có liên quan tới Việt Nam sau khi gia nhập CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
“Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói và dẫn chứng: Theo kết quả nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9-2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% - thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. 
Tham gia CPTPP giúp nâng cao vị thế của Việt Nam ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội
phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. 
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân 20.000 - 26.000 việc làm/năm.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều mặt trái khi CPTPP có hiệu lực như sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường. Thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Bên cạnh đó, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô. “Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa, sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp” - Phó Thủ tướng nói.
Trong báo cáo thẩm tra về hiệp định này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế - xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tham dự thẩm tra tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Trong phiên thảo luận ở tổ ngay sau đó, hầu hết các ĐBQH đều đồng tình với việc phê duyệt hiệp định, dù vẫn bày tỏ không ít lo lắng, băn khoăn về các vấn đề liên quan. Các ý kiến này cho rằng đi cùng với những thuận lợi là rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Lo lắng về các tổ chức “công đoàn độc lập”
Thảo luận tại tổ về dự thảo Hiệp định CPTPP, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về sự hình thành của các tổ chức “công đoàn độc lập” và Công đoàn Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào? ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, lo ngại việc cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập (còn gọi là “công đoàn vàng”) khi cam kết thực hiện CPTPP. Điều đó sẽ đặt Công đoàn Việt Nam trước sự cạnh tranh về việc kết nạp đoàn viên và thành lập tổ chức ở cơ sở.
Đồng thời là vấn đề chia sẻ nguồn lực tài chính, thực thi các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước, lao động tập thể sẽ như thế nào. Đây là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn Việt Nam, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình của đoàn thể. Đề nghị Chính phủ có kịch bản, giải pháp, hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, tránh việc lợi dụng mục tiêu về chính trị trong việc hình thành tổ chức.
Trong phiên thảo luận tại tổ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng băn khoăn về việc cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam và quy định quyền của người lao động gia nhập, thành lập tổ chức đại diện không thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, điều quan trọng là Tổng LĐLĐ Việt Nam phải phát triển mạnh lên, phải đổi mới để tăng cường hoạt động và có thể làm được, đáp ứng được. Về vấn đề này, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, nêu rõ, khi tham gia Hiệp định CPTPP, chúng ta có nhiều cơ hội để biến các mục tiêu về phát triển kinh tế từ các con số thành hiện thực nhưng thách thức cũng rất lớn.
Trong đó, liên quan đến vấn đề lao động và tổ chức công đoàn, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, chúng ta đã tham gia vào Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ năm 1992 nhưng đến nay Việt Nam chỉ tham gia được 5/8 công ước cơ bản. Còn 3 công ước đang mắc vì không phù hợp với cách thức tổ chức của chúng ta hiện nay về tổ chức công đoàn. Công đoàn Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn để người lao động lựa chọn hay họ tự thành lập tổ chức đại diện. Lợi thế của Công đoàn Việt Nam là có kinh nghiệm hoạt động, hệ thống tổ chức trên cả nước từ Trung ương đến doanh nghiệp với tỷ lệ tập hợp người lao động trên 60%.
Công đoàn Việt Nam còn tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhóm đại diện công đoàn thảo luận để tư vấn cho Chính phủ công bố tiền lương tối thiểu; đại diện trong xử lý tranh chấp lao động, trong tố tụng lao động, thương lượng thỏa ước lao động tập thể. “Người lao động sẽ đứng về phía công đoàn đại diện họ một cách thực chất” - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh. 
 Quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được lấy ý kiến về quy hoạch
Phát biểu về dự án sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến quy hoạch tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 2-11, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định về công bố công khai thông tin quy hoạch.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phân tích, Điều 28 Luật Quy hoạch quy định việc công bố công khai quy hoạch, điều 38 Luật Quy hoạch cũng yêu cầu chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, thì toàn bộ nội dung quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước, theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân, nhất là nhà đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch. Đề nghị dự án luật cần quy định chi tiết hơn tại điều 40 Luật Quy hoạch về các hình thức công bố quy hoạch, nhất là các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Cần quy định rõ tiêu chí để xác định đối tượng nhân dân, người có liên quan như thế nào mới được lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến của mỗi đối tượng nhân dân cũng sẽ có sự khác biệt nhất định. Sự không rõ ràng và minh bạch trong việc lựa chọn người lấy ý kiến là nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, đặc biệt khi người có quyền lợi liên quan không được góp ý, thậm chí không được biết về quy hoạch, không nắm rõ vấn đề được đưa ra. Dự án luật này cần xây dựng một tiêu chí chung để các luật chuyên ngành thống nhất áp dụng trong việc lựa chọn đối tượng, góp ý trong quá trình lập quy hoạch.
Một nội dung khác trong dự luật (phần sửa Luật Xây dựng) cũng có nhiều ý kiến tranh luận. ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, thẳng thắn cho rằng, từ các quy định trong Luật Quy hoạch và Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ thì UBND các tỉnh đã có đủ căn cứ, điều kiện để lập Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai toàn bộ các nội dung quy hoạch của địa phương mình. Nếu như vẫn để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh thì sẽ có sự chồng chéo khi các tỉnh đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch ở cấp tỉnh. Một là lập Quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp. Hai là lập Quy hoạch xây dựng tỉnh. 
ANH THƯ

Các tin khác