Thách thức cuộc cách mạng 4.0

(ĐTTCO) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng buộc các doanh nghiệp phải có những bước chuyển mình để giảm thiểu những tác động tiêu cực. ĐTTC ghi lại một vài ý kiến xung quanh nội dung này. 

Ông PHẠM HOÀNG THÁI DƯƠNG, Sáng lập CTCP Color Life:

Phải đầu tư công nghệ tự động

Tôi đã dành 3 năm đầu tiên chỉ để nghiên cứu về công nghệ ứng dụng cho ngành hoa, sau khi đã xây dựng được hạ tầng cơ bản mới mở shop hoa và kinh doanh hoa. Hoayeuthuong.com ứng dụng công nghệ gần như khép kín trong tất cả bộ phận từ đặt hàng, giao hàng, quản lý sản xuất, kế toán tài chính, nhân sự và chăm sóc sau bán hàng.
Có thể thấy trong thời gian gần đây cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến nhiều gợi nhớ lại xu hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ERP (hệ thống quản lý hoạch định tài nguyên doanh nghiệp giúp công ty hoạt động hiệu quả tiết kiệm chi phí) cách đây 10 năm. Ở hoayeuthuong, chúng tôi cũng triển khai hệ thống này và cho đến nay đã khá hoàn chỉnh. 
Tuy nhiên, hệ thống ERP không thể tự ra quyết định các chiến lược kinh doanh, như tự giảm giá sản phẩm, tự sắp xếp các mặt hàng trên website cho hiệu quả, tự ra lệnh nhập hàng với nhà cung cấp, hay dự báo các tình hình kinh doanh trong tương lai để lên kế hoạch bán hàng.
ERP vẫn phải chờ các quyết định từ con người, mà con người cần thời gian trước khi ra quyết định và thao tác bằng tay để ra quyết định đó. Trong khi đó, những yêu cầu kinh doanh cần phải hoạt động 24/7 và tức thời mới có thể tồn tại trong thời đại hiện nay.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong mảng công nghệ thông tin với thông điệp “AI First” - Trí tuệ nhân tạo được ưu tiên số 1 trước khi xây dựng hệ thống - đặt chúng tôi phải cải tổ và xây dựng một nền tảng khác dựa trên nền tảng ERP hiện tại. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung vào việc chuyển đổi số.
Bởi chuyển đổi số không chỉ đưa sản phẩm của bạn lên website hay Facebook để bán, mà là công việc chuyển hóa tất cả hoạt động trong doanh nghiệp qua máy tính hoạt động. Đây là bước khởi đầu trước tiên. Thường giai đoạn này mất khá lâu, trung bình có thể mất từ 3-4 năm để xây dựng cho một hệ thống vận hành hoàn hảo, nếu quy mô nhỏ hơn có thể mất ít nhất là 1-2 năm.
Thách thức cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1 Công nghệ giao hàng đang là một phần không thể thiếu của TMĐT. 
Sau khi hoàn thành bước chuyển đổi số, cần chuyển qua tự động hóa. Tự động hóa là quá trình xử lý tự động những quy trình đơn giản nhất trong hoạt động kinh doanh và vận hành, giúp doanh nghiệp có thể tăng tốc các hoạt động và giảm chi phí quản lý cấp trung. Và sau khi tự động hóa các hoạt động của doanh nghiệp, sẽ tri thức hóa doanh nghiệp.
Đây là bước khó và cần nhiều chuyên gia về công nghệ, chuyên gia về tri thức kết hợp với các cấp quản lý của công ty để tư vấn và đưa ra lộ trình và phạm vi tri thức hóa các phân hệ trong doanh nghiệp. Mặc dù cả 3 quá trình này diễn ra tuần tự, nhưng nó lại có thể diễn ra song song và hoàn thiện trong suốt quá trình doanh nghiệp tồn tại. 
Theo chủ quan của tôi, xây dựng một hệ thống 4.0 cho vận hành doanh nghiệp là rất khó. Tuy nhiên, tại hoayeuthuong chúng tôi ấn định rằng nếu xây dựng thành công, sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực trong tương lai, việc bán hàng cũng tốt hơn gấp nhiều lần so với trước đây và sớm bù lại hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vào công nghệ. Vì thế chúng tôi vẫn chọn con đường 4.0 để phát triển.

Ông LIÊU HƯNG TIẾN, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan:

Nguy cơ hàng ngoại tràn vào

Trong quá trình làm việc chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hóa ngoại xâm nhập theo con đường TMĐT. Rất nhiều doanh nghiệp có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm TMĐT không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi Việt Nam có đến 60% dân số dùng internet; online 25 giờ/người/tuần.
Còn thế giới hiện có 600 triệu người tiêu dùng không biên giới. Công nghệ đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực, trong đó TMĐT đang thay đổi hành vi và thói quen của người dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, đối tượng tiềm năng của các trang TMĐT lớn. 
Cách đây khoảng 10 năm, sẽ khó hình dung việc người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam chỉ thông qua vài cú click chuột. Còn hiện nay, người mua hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin người bán, nhà cung cấp trên mạng với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng. Khách hàng cũng có thể mua hàng ở bất cứ quốc gia nào chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, sau đó hàng sẽ được chuyển tới tận nhà. Điều này khiến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội về giá cả và địa lý đều giảm mạnh.
Thế hệ người tiêu dùng mới đang dần gắn mọi hoạt động của mình với chiếc điện thoại hoặc laptop, nên việc mua sắm online trở nên rất đỗi bình thường.
Mô hình mua sắm hiện nay cũng thay đổi, đó là mô hình “online to offline to online”. Người mua có thể tìm kiếm thông tin trên mạng sau đó tra địa chỉ và ra cửa hàng.
Hoặc có thể xem mua một lần ở cửa hàng và sau đó đặt mua trên mạng. Hiện nay đang có một số nhà bán lẻ triển khai theo mô hình này như thegioididong.com, hoặc chuỗi giày Juno… Doanh nghiệp trong nước cũng đang chịu sức ép lớn từ các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba với việc sẵn sàng “đốt” những khoản tiền khổng lồ để dẫn dắt thị trường.
Bằng chứng là mới đây Alibaba đã rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada đồng thời thay đổi giám đốc điều hành. Đông Nam Á nói chung đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đại gia TMĐT trên thế giới. Trước những thách thức này, doanh nghiệp Việt phải hành động rất nhanh. Song thực tế đến nay, khi đối thủ đã đến cửa nhà chúng ta mới bắt đầu hành động e đã quá muộn.

Các tin khác