TCC ngân hàng: Vẫn là bài toán quá nan giải

(ĐTTCO) - Sau giai đoạn tái cơ cấu (TCC) 2011-2015, năm 2016 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã dần tháo gỡ được những khó khăn cơ bản, như đảm bảo thanh khoản, giảm nợ xấu, sở hữu chéo. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như chưa thể xử lý dứt điểm nợ xấu, chưa thực sự nâng cao năng lực quản trị và chuẩn mực hoạt động. Bài toán này tiếp tục đặt ra cho năm 2017 và cả giai đoạn TCC 2016-2020.

(ĐTTCO) - Sau giai đoạn tái cơ cấu (TCC) 2011-2015, năm 2016 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã dần tháo gỡ được những khó khăn cơ bản, như đảm bảo thanh khoản, giảm nợ xấu, sở hữu chéo. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như chưa thể xử lý dứt điểm nợ xấu, chưa thực sự nâng cao năng lực quản trị và chuẩn mực hoạt động. Bài toán này tiếp tục đặt ra cho năm 2017 và cả giai đoạn TCC 2016-2020.

Gian nan xử lý nợ xấu 

Năm 2017, NHNN phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016. Theo đó, NHNN sẽ điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN

Cho đến thời điểm cuối 2016, nợ xấu vẫn là tâm điểm trong quá trình TCC của các NHTM do chưa được xử lý triệt để. Theo báo cáo của các NHTM, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,8%, số nợ xấu được xử lý từ năm 2013 đến nay hơn 500.000 tỷ đồng, trong đó số nợ bán cho VAMC chiếm 41,6% và các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý khoảng 58,4%. Song theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với báo cáo và việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa triệt để, chủ yếu áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong số nợ xấu bán cho VAMC mới xử lý được khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương 15%, trong đó bán tài sản đảm bảo và bán nợ được 14.500 tỷ đồng, ủy thác TCTD thu hồi nợ được 23.300 tỷ đồng.

Riêng năm 2016, hệ thống TCTD xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị, nợ xấu được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6% và bán cho VAMC chiếm 21%. Tổng số nợ được VAMC chưa xử lý còn rất lớn, khoảng 224.000 tỷ đồng, chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC và 4,3% tổng tín dụng. Số dự phòng rủi ro của hệ thống ước tăng 11,9% so với cuối năm 2015. Dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, tỷ lệ dự phòng rủi ro cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57,2%.

 Những con số trên cho thấy, vai trò của VAMC trong hoạt động xử lý nợ xấu vẫn còn hạn chế so với kỳ vọng của thị trường. Một thống kê đáng chú ý: lãi dự thu năm 2016 tăng khoảng 19% so với cuối năm 2015. Phần lớn lãi dự thu được hạch toán từ các khoản vay không có khả năng thu hồi lãi và gốc, nhưng vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản của NHTM như các khoản nợ có khả năng thu hồi nhằm giảm trích lập dự phòng rủi ro. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ nợ xấu thực có thể cao so với báo cáo của các NHTM.

Hồi đầu tháng 12-2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, Phó Thủ tướng nhất trí với các bộ, ngành sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một luật phục vụ cho TCC nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu theo trình tự rút gọn.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, văn bản hướng dẫn về các chính sách có liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC. Đồng thời, yêu cầu VAMC tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nợ xấu, nhanh chóng hoàn thành Đề án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực trong thời gian tới.

Phấn đấu ổn định lãi suất 

Đặt mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ là cần thiết, bởi lẽ xử lý nợ xấu chỉ triệt để khi khai thông được thị trường mua bán nợ. Nếu không có thị trường này, VAMC chỉ có mua vào không bán ra được, dù bơm bao nhiêu tiền cũng không đủ. Ngoài ra, vấn đề củng cố lại các NH vừa hợp nhất, sáp nhập cũng là điều cần làm trong thời gian tới.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách TCTT quốc gia

Năm 2016, tình hình thanh khoản dồi dào cộng với các yếu tố thuận lợi về kinh tế vĩ mô, đã tạo điều kiện để các NHTM điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất cho vay cũng ghi nhận giảm ở một số NH như Vietcombank, HDBank, BIDV, VIB với mức giảm từ 0,2-0,5% ở các kỳ hạn. Các NHTM nhà nước đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp, lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên sát về mức 6%/năm. Dù vậy, mặt bằng lãi suất vẫn chưa được như kỳ vọng. Lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường cuối năm 2016 giảm so với những tháng trước, nhưng vẫn tăng nhẹ so với đầu năm.

 Năm 2017, NHNN cho biết sẽ đưa ra định hướng ban đầu về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

NHNN cũng đặt mục tiêu ổn định lãi suất như năm 2016. Dù vậy, mục tiêu này vẫn đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là các TCTD vẫn là nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường. Năm 2016, thị trường 2 dư thừa thanh khoản nhưng chỉ trong ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu trung và dài hạn, đồng thời có sự phân hóa trong khả năng huy động vốn trên thị trường 2 giữa các TCTD.

Thách thức nữa là một số TCTD yếu kém gặp khó khăn trong việc vay vốn trên thị trường 2 do thiếu tín nhiệm và không đủ tài sản để thực hiện vay đối ứng. Tỷ trọng vốn vay liên NH/tổng nguồn vốn của các TCTD này rất thấp (dưới 3%), lãi suất vay tái chiết khấu 4,5% hoặc tái cấp vốn 6,5%/năm, cao hơn nhiều lãi suất trên thị trường liên NH.

Do đó, các NH này phải huy động trên thị trường 1 với lãi suất cao hơn các NHTM lớn 1,5-2%/ năm, dẫn đến tăng mặt bằng lãi suất bình quân của thị trường. Điều này được dự báo còn tiếp diễn trong những năm tới, ảnh hưởng đến cơ chế truyền dẫn lãi suất.

Bên cạnh đó còn nhiều thách thức khác, như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25%, đồng thời mở ra khả năng tăng lãi suất trong năm 2017 ít nhất 3 lần. Hoặc vấn đề thâm hụt ngân sách dẫn tới nợ công tăng cao, Chính phủ tiếp tục phải vay qua phát hành trái phiếu, cộng với áp lực thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%, sẽ có tác động trực tiếp đến lãi suất trong năm 2017.

Và khi việc ổn định lãi suất trong năm nay vẫn còn rất khó khăn, mục tiêu đến năm 2020 giảm lãi suất xuống 5%/năm càng không dễ dàng. Bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay chỉ có thể giảm xuống 5%/năm với điều kiện TCC NH được thực hiện triệt để, xử lý dứt điểm những vấn đề đang tồn đọng như nợ xấu, sở hữu chéo, đồng thời lạm phát phải được kiểm soát ở mức khoảng 2%, ổn định giá trị đồng tiền cũng như các thị trường có liên thông khác.

Ảnh chi mang tính chất minh họa. Ảnh: LONG THANH

Ảnh chi mang tính chất minh họa. Ảnh: LONG THANH

Phải áp chuẩn Basel II

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015, hệ thống NHTM mới TCC bước ngắn để duy trì thanh khoản NH hoạt động bình thường, tạo điều kiện cho các NH sinh lời và xử lý các NH yếu kém, nhưng vẫn còn khối nợ xấu khổng lồ, sở hữu chéo, lợi ích nhóm và toàn bộ các thể chế về hoạt động, an toàn hệ thống, rủi ro chưa tiệm cận quốc tế.

Đó là vấn đề cần tập trung giải quyết trong 5 năm tới. Tại Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ cho biết sẽ ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án TCC hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản thế chấp, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xác định đầy đủ, xử lý căn bản, triệt để hơn nợ xấu và các NHTM yếu kém; giảm tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD, bảo đảm an toàn hệ thống.

Năm 2017, NHNN đặt mục tiêu giảm số lượng NH xuống còn 15-17. Bởi lẽ số lượng NH nhỏ trên thị trường vẫn còn quá nhiều, cần hợp nhất để tăng sức cạnh tranh. Song mục tiêu này dự báo khó về đích do đã qua thời kỳ bắt buộc hợp nhất, sáp nhập, nên NHNN chỉ có thể khuyến khích các NHTM thực hiện việc này.

Trong khi đó, việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn Basel II trên toàn hệ thống còn chậm so với lộ trình đặt ra. Kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 NHTM thí điểm, cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đối với 4 NHTM nhà nước, CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel II sẽ giảm xuống dưới 8%.

Trong Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Quốc hội yêu cầu từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD. Đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Đứng trước yêu cầu nghiêm khắc này, các NH nhỏ không đủ sức đáp ứng chắc chắn phải cân nhắc việc sáp nhập, hợp nhất để tồn tại.

Nhưng trước mắt, vấn đề đáng quan tâm nhất là trong thời gian tới, nhóm NHTM nhà nước phải sớm tăng vốn để đảm bảo CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II, nếu không kế hoạch tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ chịu tác động mạnh, do đây là nhóm có vai trò quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn đến toàn hệ thống TCTD.

Các tin khác