TPHCM VỚI MỤC TIÊU 500.000 DOANH NGHIỆP

Tạo mọi điều kiện, mở nhiều giải pháp

(ĐTTCO) -Triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, chiều qua 5-4, TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 DN trong năm 2017 và kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020, với những giải pháp đồng bộ xây dựng lực lượng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

(ĐTTCO) -Triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, chiều qua 5-4, TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 DN trong năm 2017 và kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020, với những giải pháp đồng bộ xây dựng lực lượng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính 

Phải tạo điều kiện tốt nhất để các hộ kinh doanh cá thể thực hiện chuyển đổi lên DN, đồng thời tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DN hiện hữu. Trong các năm qua, số lượng DN của TP phát triển tự nhiên xuất phát từ nhu cầu. Vấn đề hiện nay là không chạy theo số lượng mà phải đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng DN hiệu quả và bền vững. Trong đó các giải pháp phải làm sao tạo môi trường tốt nhất để hộ kinh doanh yên tâm chuyển qua DN.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM

Hiện nay tại TPHCM, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 65% GDP, khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5%/năm; hàng năm khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Vì thế, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN và TPHCM 500.000 DN, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, được xây dựng trên những cơ sở thực tế của TP trong nhiều năm qua. Chẳng hạn năm 2014, TPHCM phát triển 25.000 DN, năm 2015 phát triển 31.000 DN, tăng trưởng 25%; đến năm 2016 là 36.000 DN, tăng trưởng 13,7%.

Như vậy mục tiêu trong năm 2017 dự kiến tiếp tục trăng trưởng 13-15% với số lượng khoảng 43.000 DN, chưa kể số lượng các hộ cá thể sẽ chuyển đổi lên DN. Do đó, TPHCM đưa ra các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách, hướng đi thích hợp để trong năm 2017 phát triển 60.000 DN.

 Đối với nhóm giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN, trong đó các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện cho biết sẽ tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm giữa lãnh đạo đơn vị với các DN để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Triển khai chương trình đột phá của TP về cải cách hành chính giai đoạn 2016-20120 để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tại đơn vị đạt mức độ hài lòng của người dân và DN về đạt trên 80% vào năm 2020. Các sở Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Học viện Cán bộ TP được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.

Cụ thể Sở Khoa học - Công nghệ được giao hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo… 

Đối với nhóm giải pháp về môi trường kinh doanh được giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan trong kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 đạt 500.000 DN hoạt động. Trong đó lưu ý cùng UBND các quận, huyện rà soát các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi theo Luật DN và xây dựng kế hoạch để khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể hình thành DN theo quy định.

Ngoài ra các cơ quan khác như Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Du lịch… cũng được giao phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khởi nghiệp.

Không để vướng bận về thuế 

Trong thời gian đầu khởi nghiệp, DN phải tập trung thời gian, nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhiệm vụ của ngành thuế là cố gắng giảm gánh nặng về thời gian và chi phí cho DN trong việc tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế để DN an tâm kinh doanh.

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM

Theo ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, hiện TP có 442 hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên với quy mô lớn. Số lượng hộ có sử dụng hóa đơn 14.821 hộ, đây là lực lượng được đánh giá có thể vận động chuyển đổi lên DN. Số lượng hộ có quy mô lớn tại các quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Tân Bình có doanh thu thường xuyên trên 100 triệu đồng/tháng (bình quân 1,2 tỷ đồng/năm), các quận còn lại trên 50 triệu đồng/năm (bình quân 600 triệu đồng/năm), trong đó số lượng vận động để lên DN khoảng 20.000 hộ.

Để hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN và khởi nghiệp, Cục Thuế TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức Chương trình hỗ trợ thông tin về thuế cho DN khởi nghiệp và đã chính thức ra mắt chương trình vào ngày 5-4-2017.

 Hiện tại, với mục tiêu không để DN khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế làm ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian mới ra kinh doanh, Cục Thuế TP đã triển khai các hình thức hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các kênh thông tin của cơ quan thuế như website thông tin điện tử hỗ trợ DN khởi nghiệp, tài liệu hướng dẫn về các chương trình thủ tục thuế, thủ tục hành chính về thuế, các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, video hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại 25 điểm hỗ trợ DN khởi nghiệp đặt các cơ quan thuế trên địa bàn.

Đánh giá về chương trình của Cục Thuế TPHCM, ông Ngô Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty Giải pháp Trực tuyến 247, cho biết DN mới được cấp phép thành lập vào ngày 22-3-2017, là sự khởi nghiệp “theo tiếng gọi đặc biệt của TP”. Và ngay từ khi hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh đơn vị đã nhận được sự hướng dẫn chi tiết, rõ ràng từ Cục Thuế.

Ông Vũ mong muốn cơ quan quản lý thuế đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ với Nhà nước, tạo cầu nối với các cơ quan khác, DN khác để có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp được thuận lợi hơn. Website hỗ trợ DN khởi nghiệp của Cục Thuế TP là địa chỉ cần thiết giúp DN cập nhật, tìm hiểu về các luật, nghị định để cùng làm đúng và làm tốt.

TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện cũng như liên kết với các sở ngành, quận huyện hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện cũng như liên kết với các sở ngành,
quận huyện hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Được biết, hiện nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực thuế như dịch vụ đại lý thuế, các đơn vị cung cấp dịch vụ T-VAN, dịch vụ chứng thư số, dịch vụ cấp phần mềm kế toán cũng đang tham gia thực hiện chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp của Cục Thuế. Một số đơn vị cho biết họ sẽ miễn phí nhiều dịch vụ để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể dễ dàng chuyển đổi lên DN, như phí dịch vụ khai thuế 12 tháng đầu tiên, hoàn thiện hồ sơ thuế ban đầu, miễn phí 12 tháng đầu tiên tư vấn thuế thường xuyên, miễn phí phần mềm khai báo thuế trong 1 năm…

Chương trình được đánh giá sẽ hạn chế sự phiền hà đối với người nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, giảm thiểu các sai phạm về thuế khi mới ra kinh doanh, không để người nộp thuế gặp các khó khăn hay ngưng kinh doanh do thiếu thông tin về chính sách, thủ tục về thuế.

Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn

Hiện nay, vốn là một trong những vấn đề được nhiều DN khởi nghiệp quan tâm. Được biết, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách TP cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích DN đổi mới thiệt bị, ứng dụng khoa học công nghệ; bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách TP hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang DN.

Sở Khoa học - Công nghệ triển khai hỗ trợ 50% DN vừa và lớn được tư vấn thành lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của DN để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình cho vay bình ổn thị trường trong định hướng cả giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, theo Quy chế kèm theo Quyết định 5342 của UBND TP hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ của TP, các cá nhân, nhóm cá nhân và DN khởi nghiệp có dự án khởi nghiệp thuộc 4 ngành công nhiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực-thực phẩm), công nghệ hỗ trợ và 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, thương mại, du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo) sẽ được ưu tiên phát triển.

Được biết, mức kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp không quá 2 tỷ đồng. Trường hợp đặc biệt trên 2 tỷ đồng sẽ được UBND TP quyết định. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, TP xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các DN. Đây là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ.

Các tin khác