Tài chính tiêu dùng: Thời của ví điện tử

(ĐTTCO)-Hơn 20 ví điện tử (VĐT) hoạt động trên thị trường đang đứng trước áp lực lớn, khi hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được bổ sung ngành nghề kinh doanh VĐT, cùng lúc các công ty viễn thông, doanh nghiệp nước ngoài cũng gia tăng các dịch vụ trong  lĩnh vực này. Sở dĩ có cuộc đua này do lượng người thanh toán qua VĐT gia tăng nhanh chóng, và một số VĐT hàng đầu đã đạt doanh số thanh toán hàng tỷ USD mỗi năm.

Sức hấp dẫn của VĐT
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 2-11-2018, có 26 tổ chức không phải là NH được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT, chia làm 2 nhóm: VĐT của công ty công nghệ tài chính (fintech) và VĐT của công ty viễn thông. Các VĐT thuộc công ty fintech (bao gồm các thương hiệu Momo, Payoo, Vimo, Moca…) tập trung những tính năng như gửi nhận tiền thông qua số điện thoại di động; thanh toán nhiều loại hóa đơn dịch vụ như nạp tiền cho điện thoại di động của tất cả nhà mạng, thanh toán nhanh các hóa đơn điện nước, internet; thanh toán các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm… 
Tài chính tiêu dùng: Thời của ví điện tử ảnh 1 Ảnh minh họa.
 Trong khi đó, VĐT của công ty viễn thông bên cạnh những dịch vụ nạp tiền và thanh toán, còn tận dụng lợi thế của công ty mẹ để tăng thêm tính năng tiện ích. Với VĐT trực thuộc NH, hiện mới có 1 sản phẩm là Ví Việt của LienVietPostBank. Sản phẩm này có sự khác biệt rõ rệt về dịch vụ tiện ích, như ngoài các tính năng của VĐT, Ví Việt còn mở thẻ trả trước quốc tế vô danh phi vật lý không cần mở tài khoản tại NH, không cần thực hiện ký quỹ và được tín chấp hay tính năng huy động và giải ngân trên ví.
Trong vòng 10 năm qua, nhiều VĐT đã tăng trưởng vượt bậc về lượng người dùng. Tính đến tháng 7-2018, VĐT MoMo đã đạt 8 triệu người dùng, đặt mục tiêu tăng lên 16 triệu người dùng vào năm 2019. Ví Việt cũng đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 22.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước. ZaloPay hoạt động từ đầu năm 2018, sau 1 tháng triển khai đã đạt hơn 1,3 triệu lượt người dùng. Viettel Pay mới ra mắt ngày 29-6 hiện đã vượt ngưỡng 1 triệu người dùng...
 Một số công ty fintech đang phát triển với tốc độ rất nhanh, đạt hàng triệu người dùng trong thời gian ngắn. Fintech hiện nay chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán, chiếm đến 60%, còn lại 40% cung cấp dịch vụ cho vay, huy động vốn, tư vấn tài chính. Tập trung nhiều công ty fintech tham gia, hoạt động thanh toán diễn ra nhộn nhịp cả trong và ngoài nước.
TS. Cấn Văn Lực,
chuyên gia tài chính NH 
Sức hấp dẫn của sản phẩm VĐT còn thể hiện qua dòng vốn ngoại đổ mạnh vào lĩnh vực này. Hiện Tập đoàn TrueMoney (Thái Lan) đang sở hữu đến 90% vốn của CTCP 1Pay; Tập đoàn NTT Data của Nhật sở hữu 64% vốn của Payoo; Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc có 62,25% vốn cổ phần tại VNPT Epay, MOL Access Portal Sdn; Bhd (Malaysia) giữ 50% cổ phần Nganluong.vn… Các doanh nghiệp sở hữu VĐT Bảo Kim, ZaloPay… cũng có dòng vốn đầu tư ngoại tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đối thủ nặng ký của thẻ NH
VĐT ra đời năm 2008. Đến năm 2009, NHNN cấp phép thí điểm dịch vụ VĐT cho 6 công ty là VietUnion, MobiVi, Smartlink, VNPay, VinaPay và M-Service. 1 năm sau đó, khoảng 70.000 VĐT được mở, trong đó Payoo có số lượng nhiều nhất với 32.000 ví, tiếp đến là VNPay hơn 30.000 ví và MobiVi trên 7.000 ví.
Cuối năm 2009, 9 NHTM ký kết và triển khai VĐT, 110 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng VĐT nhưng chỉ thực hiện tính năng nạp tiền để mua thẻ cào, chuyển tiền giữa các tài khoản cùng mạng. Sau vài năm phát triển chậm lại, từ năm 2013 trở đi, VĐT có tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch. Thời điểm cuối năm 2016, giá trị giao dịch qua VĐT đạt 53.109 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2015. 
Theo số liệu từ NHNN, 6 tháng đầu năm 2018, số lượng thẻ NH đạt 141,59 triệu thẻ. Toàn hệ thống có 18.287 máy ATM với hơn 211 triệu lượt giao dịch, giá trị giao dịch 592.362 tỷ đồng. Đồng thời, 289.075 máy POS/EFTPOS/EDC để hỗ trợ thanh toán thẻ đang hoạt động, số lượng giao dịch đạt gần 50 triệu lượt, với tổng giá trị thanh toán 104.673 tỷ đồng.
So với các VĐT hàng đầu, lượng giao dịch và tổng giá trị thanh toán qua thẻ trên máy POS vẫn còn khá thấp. Chẳng hạn tổng lượng giao dịch hàng năm của Momo đạt 200 triệu lượt, tổng giá trị thanh toán lên đến 1,2 tỷ USD/năm. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 2 tỷ USD/năm. Có thể nói, VĐT đang trở thành đối thủ của thẻ NH trong hoạt động thanh toán. Để cải thiện, gần đây các NHTM cũng đẩy mạnh hoạt động thanh toán qua Mobile Banking hay NH số.
Tuy nhiên, do NH thu phí dịch vụ cao nên thanh toán bằng VĐT vẫn chứng tỏ được sự tối ưu lợi ích. Dù vậy, vì mục tiêu hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt, 2 bên đang tiến dần đến sự hợp tác. Thí dụ, hiện nhiều công ty fintech mong muốn hợp tác với NH. Theo đó, NH tận dụng trí tuệ, công nghệ, chất xám của fintech. Ngược lại fintech tận dụng khách hàng, mạng lưới, nguồn nhân lực của NH để phát triển.
 Ở châu Á, nhiều NH đang tìm cách để làm việc với các nhà cung cấp, một số NH đang tiến nhanh trong việc phát triển VĐT riêng để bắt kịp và cạnh tranh với các đối thủ.
Ông Varun Mittal, 
Trưởng bộ phận fintech của EY Việt Nam
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt Thị trường thanh toán không dùng tiền mặt là mảnh đất màu mỡ mới được khai phá bước đầu, tiềm năng còn rất lớn. Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ NH Việt Nam, cho biết thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là người dân đang sẵn sàng thay đổi phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt.
Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết khảo sát của Visa cho thấy 9/10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán, 83% cho biết sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt. Đây là cơ hội lớn đối với các NHTM và công ty fintech. 
Nhìn thấy tiềm năng trên, ngày càng có nhiều tổ chức tham gia VĐT. Chẳng hạn, ứng dụng gọi xe Grab rót vốn vào Moca, đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép mở tài khoản VĐT không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại NH. Hay Bộ Thông tin - Truyền thông đã vài lần kiến nghị Thủ tướng xem xét cho sử dụng hạ tầng, tài khoản viễn thông và thẻ cào viễn thông của các nhà mạng VNPT, Viettel để triển khai thanh toán điện tử. Mới đây nhất, các NH gồm ACB, HDBank, VIB và PVcomBank được NHNN bổ sung ngành nghề kinh doanh VĐT. 
Tuy nhiên, khi “trăm hoa đua nở”, hệ thống VĐT sẽ có sự sắp xếp lại. Theo Vụ Thanh toán NHNN, năm 2017, chỉ 5/25 đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép có lãi từ các giao dịch. Các đơn vị còn lại được đánh giá hoạt động không ổn định. Bởi trong cuộc cạnh tranh này, nhiều VĐT đang tồn tại theo kiểu “giành mâm” chờ thời cơ. Vì thế, khi ngày càng có nhiều ông lớn NH, công ty viễn thông và cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia, những VĐT chưa tạo được dấu ấn sẽ đối mặt với nhiều áp lực bị thâu tóm, sáp nhập, thậm chí phải đóng cửa.

Sử dụng ví điện tử bằng cách nào

Đăng ký sử dụng
• Bước 1: Tải ứng dụng về smartphone Appstore (hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (hệ điều hành Android). 
• Bước 2: Mở ứng dụng VĐT, nhập số điện thoại đang sử dụng, bấm “tiếp tục” để nhận mã xác thực gửi về số điện thoại đăng ký. Nhập mã này trên VĐT để hoàn tất xác thực. 
• Bước 3: Tạo mật khẩu (gồm 6 chữ số) và xác nhận lại mật khẩu này một lần nữa, bấm xác nhận để lưu mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng.
• Bước 4: Điền thông tin cá nhân theo yêu cầu của VĐT, bấm xác nhận để hoàn tất quá trình đăng ký. Người dùng có thể bật tính năng mở khóa bằng vân tay, thay cho mật khẩu đăng nhập.

Cách sử dụng
• Bước 1: Sau khi đăng ký thành công, người dùng truy cập vào giao diện VĐT và liên kết tài khoản NH của khách hàng để thực hiện chuyển tiền vào ví. Liên kết với dịch vụ SmartBanking hoặc Mobile Banking của NH là cách nhanh nhất để thực hiện thao tác này. Người dùng chỉ cần bấm vào liên kết tài khoản và tiến hành nhập tên đăng nhập và mật khẩu của SmartBanking hoặc Mobile Banking để hoàn tất liên kết. 
• Bước 2: Nạp tiền vào ví bằng cách nhập số tiền cần chuyển và xác nhận bằng mật khẩu/vân tay để chuyển tiền từ tài khoản vào ví.
• Bước 3: Chọn tính năng cần thực hiện như nạp tiền điện thoại/chuyển tiền/thanh toán hóa đơn, điền số tiền cần thanh toán, sau đó xác nhận bằng mật khẩu để hoàn tất thanh toán. Trường hợp thanh toán bằng mã QR cho một đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, hoặc mua sắm, bấm vào quét mã, di chuyển camera điện thoại vào mã QR. Màn hình sẽ hiện thông tin của đơn vị cung ứng dịch vụ, người sử dụng điền số tiền cần thanh toán và xác nhận, thanh toán sẽ hoàn tất hóa đơn ăn uống, mua sắm.

-------------
Kỳ tới: Xu thế ngân hàng số

Các tin khác