Sức mạnh trung tâm tài chính

(ĐTTCO) - Nếu như với các ngành công nghiệp khác, nguyên liệu đầu vào là tài nguyên thiên nhiên thì với ngành tài chính đó chính là thông tin. 
Sức mạnh trung tâm tài chính

Một công ty tài chính tiếp cận được nguồn thông tin dồi dào, có giá trị sẽ có lợi thế rất lớn với các đối thủ. Do đó, rất dễ hiểu tại sao trong lịch sử các công ty tài chính lại có xu hướng tập trung lại tại cùng một địa điểm: Trung tâm tài chính.

Lợi thế cho nền kinh tế rất lớn

 Thị trường tài chính Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, tốc độ phát triển cũng khá ấn tượng. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề tồn đọng và chưa có giải pháp thật sự cụ thể và hiệu quả. Việc đặt ra mục tiêu có một trung tâm tài chính khu vực vào năm 2020 sẽ là thách thức. Trong một tầm nhìn dài hơi hơn, chúng ta hoàn toàn có thể có một trung tâm tài chính phát triển, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, mục tiêu phát triển nên tập trung vào việc giải quyết những hạn chế trong nội tại nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
Có ý kiến cho rằng, khi chưa có internet hay công nghệ viễn thông, khoảng cách địa lý là một trở ngại rất lớn cho việc tiếp cận cũng như công bố thông tin. Các doanh nghiệp tài chính muốn có thông tin một cách nhanh chóng buộc phải thu hẹp khoảng cách địa lý bằng cách di chuyển trụ sở của mình tới những nơi tập trung nhiều các công ty tài chính khác.
Việc tập trung lại như vậy cũng khiến cho nguồn thông tin trở nên đa dạng và có chất lượng hơn, tạo ra những “mỏ” thông tin. Vậy với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, đặc biệt là internet thì khoảng cách địa lý dần bị xóa nhòa. Liệu các trung tâm tài chính có còn cần thiết hay không?

  Thực tế sự tập trung lại của các tổ chức tài chính vẫn có một vai trò hết sức quan trọng. Đó là tiếp cận được với nguồn lao động dồi dào, có tay nghề. Nếu như thông tin là “nguyên liệu sản xuất” thì nguồn nhân lực chính là “công cụ sản xuất” của các công ty tài chính. Các trung tâm tài chính thường có nguồn nhân lực tài chính tốt nhất cũng như thu hút được các tài năng trên khắp thế giới đổ về. Do vậy, tuy công nghệ thông tin phát triển lên tầm cao, nhưng yếu tố con người trong lĩnh vực tài chính vẫn không thể thay thế. Việc gặp gỡ trực tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp tạo ra những mối liên hệ sâu sắc mà các hình thức liên lạc gián tiếp khác không thể thực hiện được.

  Các dịch vụ hỗ trợ cũng là một lợi thế khác của trung tâm tài chính. Với ngành tài chính, những dịch vụ này bao gồm tư vấn luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, giáo dục đào tạo. Những dịch vụ này đòi hỏi rất nhiều thời gian làm việc trực tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp. Tóm lại việc tập trung lại tại một trung tâm tài chính giảm bớt rất nhiều chi phí cho cả các công ty cung ứng dịch vụ lẫn khách hàng của họ là các công ty tài chính.

Một trung tâm tài chính phát triển sẽ rất có lợi đối với nền kinh tế của TP cũng như của quốc gia. Bởi lẽ ngành tài chính là một trong những ngành có đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế. Thống kê cho thấy những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất là những quốc gia có hệ thống tài chính ổn định, phát triển. Trung tâm tài chính với vai trò là nền tảng cũng đóng góp rất nhiều vào sự phát triển chung vào hệ thống tài chính của một quốc gia, từ đó đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế nói chung. 

Ngành tài chính là một trong những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, mang lại rất nhiều giá trị gia tăng. Do đó, nguồn thu thuế của khu vực tài chính thường rất lớn nếu so với các ngành công nghiệp khác. Đơn cử khu vực tài chính của Anh năm 2010-2011 đóng góp tới 63 tỷ bảng, chiếm 12% tổng doanh thu thuế của Anh, trong đó ước tính 40% đến từ trung tâm tài chính London.
Trung tâm tài chính còn hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận với nguồn vốn dồi dào, chi phí thấp từ nước ngoài. Tại châu Âu, năm 2010 đã có tổng cộng 41 tỷ bảng được đầu tư vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó 97% là thông qua các công ty chứng khoán. 

Phải giải quyết nội tại

Theo như đánh giá của thế giới cũng như rất nhiều nghiên cứu, thị trường tài chính Việt Nam là một thị trường phát triển rất nhanh và có tiềm năng rất lớn trong khu vực. Việt Nam hiện nay cũng đã có 2 trung tâm tài chính quốc gia là Hà Nội và TPHCM, nhưng để vươn tới tầm trung tâm tài chính khu vực vẫn đang là thách thức. Thực tế các yếu tố quyết định sự hình thành của một trung tâm tài chính bao gồm môi trường kinh doanh, tính kết nối, con người, cơ sở hạ tầng tài chính, luật pháp. Tuy nhiên tại Việt Nam những yếu tố này đều là những thách thức lớn.

Đó là hệ thống tài chính của Việt Nam đang phát triển theo hướng mất cân đối trong cấu trúc, trong đó thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển tương xứng với thị trường tín dụng, gây sức ép lên hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng, trong khi hệ thống tài chính ở các nước có các trung tâm tài chính lớn thường phát triển đồng đều hơn.
Chính vì vậy, hoạt động ngân hàng trở nên rủi ro hơn khi nền kinh tế phải trải qua những biến động của chu kỳ kinh tế. Ở các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển như Singapore hay Hoa Kỳ, thị trường vốn chiếm tỷ trọng rất lớn, hoạt động rất nhộn nhịp, như Singapore thị trường cổ phiếu chiếm 149,8% GDP và thị trường trái phiếu chiếm 79,37% GDP

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam dù đã có hệ thống luật pháp tương đối rõ ràng, quy định cụ thể và minh bạch, nhưng trong thực tế các thủ tục, quy trình pháp lý còn rất phức tạp và mất nhiều thời gian, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài. Hệ thống luật pháp đã được Chính phủ Việt Nam xây dựng những bộ luật đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực tế chúng ta đã có những bộ luật tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên lại phản ứng khá chậm với những biến đổi của thị trường. 

Về hạ tầng tài chính, cơ bản Việt Nam đã có đầy đủ những cấu phần cần thiết của một trung tâm tài chính, nhưng chất lượng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Tính kết nối thị trường tài chính của Việt Nam chưa thông suốt với thế giới. Các hoạt động xuyên biên giới vẫn đòi hỏi những thủ tục tương đối phức tạp. Hạ tầng viễn thông và internet phát triển nhanh chóng nhưng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tài chính. 

--------------------

(*)Viện Chiến lược Ngân hàng

Các tin khác