Startup Việt tham vọng lớn

(ĐTTCO) - Hơn 1 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, khi các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) ngày càng chất lượng hơn, nhiều quỹ đầu tư tấp nập đến hơn. Chính phủ và nhiều địa phương cũng có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để tạo bàn đạp tốt nhất cho startup đi tới thành công. 

Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa
Tính đến hết năm 2015, Việt Nam mới có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp ĐMST. Nhưng theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp Đông Nam Á, đến nay số lượng DN khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã vượt qua con số 3.000 DN.
 Vai trò hàng đầu của Nhà nước rất quan trọng trong việc thiết kế hệ thống hành lang pháp lý cũng như cơ chế chính sách cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Điều này sẽ giúp việc xây dựng, triển khai các kết nối để nâng cao năng lực DN khởi nghiệp ĐMST, năng lực của các tổ chức hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. 
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh
Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó đối tượng những quỹ này nhắm tới cũng chính là các startup. Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành. Các cuộc thi dành cho giới khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực được khởi xướng, đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các startup. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp lại lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngành nghề, lĩnh vực đến như vậy. 
Đáng chú ý, nhiều startup không chỉ khẳng định mình ở các cuộc thi trong nước, mà còn ghi dấu tại nhiều cuộc thi ở nước ngoài. Đó là Startup XtayPro, một ứng dụng dựa theo ý tưởng mô hình kinh tế chia sẻ (ứng dụng này kết nối những người sắp bay từ thành phố này đến thành phố kia ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, với những người cần gửi đồ cho người thân hoặc nhờ mua quà, đặc sản từ các nước), vừa đạt giải 3 tại cuộc thi K-Startup Grand Challegen 2018 tại Hàn Quốc. Hay Startup EyeQ tech, đã đạt giải quán quân tại cuộc thi Visa’s Everywhere Initiative, cuộc thi có quy mô toàn cầu, nhằm thách thức các startup giải quyết các vấn đề của tương lai ngành thanh toán và thương mại...
Không chỉ các bạn trẻ trong nước chọn khởi nghiệp là con đường đi cho mình, nhiều kiều bào trẻ cũng trở về quê hương với những tham vọng khởi nghiệp mạnh mẽ. Chỉ tính riêng ở TPHCM, mỗi năm có khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam.
Khởi nghiệp không chỉ dành riêng của người trẻ, nhiều doanh nhân thành công cũng dành thời gian tại các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của mình nhằm hun đúc tinh thần khởi nghiệp. Họ còn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các startup để đưa nhiều sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng đi vào thị trường. 

Staup công nghệ dễ hút vốn 
Nhìn lại hành trình hơn 1 năm qua của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ngoài việc gia tăng nhanh chóng về số lượng DN khởi nghiệp ĐMST, việc các startup đặc biệt là startup công nghệ thu hút được những nguồn vốn đầu tư khủng lên tới vài chục triệu USD cũng là điều  đáng chú ý.
 Chúng ta đang chứng kiến không khí khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp cả nước, trên mọi miền Tổ quốc, từ giới trẻ cho đến người lớn tuổi, bất kể dân tộc, tôn giáo, vì khởi nghiệp không có ranh giới và giới hạn. Ai trong chúng ta cũng muốn tạo dựng được sự nghiệp vững chắc cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Những thương vụ tiêu biểu có thể kể đến như Foody, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến, gọi vốn thành công thu về 64 triệu USD; Tiki.vn, trang thương mại điện tử nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; hay Sendo.vn, sàn giao dịch điện tử gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á.
Chưa hết, những startup công nghệ trong lĩnh vực du lịch cũng mang về những sự hậu thuẫn hết sức tiềm năng của các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư. 
Như Startup Luxstay (nền tảng trực tuyến kết nối chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà, khách du lịch hoặc người kinh doanh), đã gọi được hàng triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư như CyberAgent Ventures và Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures và Founders Capital (Singapore), Nextrans (Hàn Quốc) chỉ sau 2 năm thành lập.
Trước đó, một startup trong lĩnh vực du lịch là Vntrip.vn cũng gọi được nhiều triệu USD. Cụ thể, tháng 7-2016 Vntrip.vn nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần Alibaba. Chỉ 1 năm sau, Vntrip.vn tiếp tục nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Mới đây, vào tháng 8-2018, Vntrip.vn đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding.
Startup Việt tham vọng lớn ảnh 1 Ban tổ chức trao giải quán quân cho starup EyeQ. 
Các dự án khởi nghiệp công nghệ đang thực sự là miếng bánh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Hồi cuối tháng 8, VinaCapital thông báo thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ. Quỹ này công bố 2 khoản đầu tư đầu tiên vào Logivan và FastGo, các startup về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam.
“VinaCapital tin rằng công nghệ là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhanh, sâu rộng và sẽ đóng vai trò nâng cao hiệu quả kinh tế của tất cả các lĩnh vực khác” - ông Don Lam, Tổng giám đốc Vinacapital cho biết. 
Cũng trong tháng 8, chương trình tăng tốc khởi nghiệp Zone Startups chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về công nghệ. Đây là chương trình hợp tác của Tập đoàn Ryerson Futures (Canada), dự án Zone Startups toàn cầu với các đối tác tại Việt Nam gồm UniBrands, VinaCapital và các nhà đầu tư độc lập. 
Khung pháp lý chưa theo kịp
Tại diễn đàn mới đây dành cho giới khởi nghiệp, đại diện của XtayPro cho biết, sau khi ứng dụng này đạt giải 3 tại cuộc thi K-Startup Grand Challegen 2018 tại Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư tại nước ngoài đã quan tâm do tính pháp lý của mô hình này ở nước ngoài đã rõ ràng. Nhưng khi về lại Việt Nam tìm vốn, nhà đầu tư lại e dè do chưa rõ về pháp lý.
Phía XtayPro băn khoăn, liệu có cơ hội nào cho họ để có thể tiếp cận quỹ đầu tư ở Việt Nam, hay phải ra nước ngoài thành lập DN và gọi vốn. Thực ra đây cũng là câu hỏi của không ít startup và nhiều người trước khi tìm được câu trả lời đã phải ra nước ngoài để thành lập DN. 
Theo chia sẻ của một quỹ đầu tư mạo hiểm, họ vẫn biết bản chất của startup là làm cái mới, những cái thị trường trước đây chưa từng có. Song các quỹ thường không chấp nhận rủi ro về pháp lý, nên các startup Việt sẽ thiệt thòi hơn. Tính pháp lý cũng là một trong những lo lắng của các kiều bào trẻ khi về quê hương khởi nghiệp.
Tại hội nghị đối thoại giữa DN kiều bào và lãnh đạo sở, ngành TPHCM mới đây, nhiều kiều bào cho biết họ gặp khá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam. Như việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Môi trường, điều kiện cho khởi nghiệp gồm hệ thống khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm... còn nhiều vướng mắc.
Theo các DN, việc hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó chú trọng chính sách tài chính là yêu cầu bức thiết giúp cộng đồng khởi nghiệp vươn lên nhanh chóng.
Để cùng tìm lời giải cho vướng mắc này của nhiều startup, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho biết đang có ý tưởng thành lập  hiệp hội cho các startup. Đó sẽ là tổ chức chính thống, đại diện cho tiếng nói của các startup trong các diễn đàn, hội thảo, hội nghị. Thông qua tiếng nói chung này, những vướng mắc như về pháp lý sẽ được gửi đến những nhà làm luật nhanh hơn, để họ nhìn rõ xu hướng đang thay đổi và rút ngắn quá trình ban hành hoặc chỉnh sửa luật. 
Nhìn lại hành trình chung tay tạo hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, Chính phủ cũng như các địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực hỗ trợ. Như việc triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025. Song để startup Việt thực sự bứt phá trong khoảng vài năm tới, cần có thêm những chuyển động tích cực hơn nữa trong nhiều lĩnh vực để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
 Trên bảng xếp hạng về các thương hiệu khởi nghiệp giá trị trên thế giới, có 93 thương hiệu đến từ Việt Nam, trong đó có một số thương hiệu xếp hạng top 500, top 1.000 của thế giới. Chỉ số sáng tạo trên toàn cầu của Việt Nam khá cao, xếp thứ 45/126 nền kinh tế được xếp hạng.

Các tin khác