“Sóng ngầm” ở Côn Đảo: Khu K - Điểm nóng tranh chấp

(ĐTTCO)-Côn Đảo hiện không tổ chức chính quyền cấp xã, thị trấn mà chỉ có 1 cấp huyện và được chia thành 9 khu. Gần đây, trên đảo đã có thêm 1 khu nữa - khu K - không phải là tên đơn vị hành chính, mà chỉ để gọi một khu đất vàng đang phát sinh tranh chấp giữa người dân và chính quyền.
Bên trong khu K - khu đất vàng đang phát sinh tranh chấp giữa người dân và chính quyền
Bên trong khu K - khu đất vàng đang phát sinh tranh chấp giữa người dân và chính quyền
Nhắc tới Côn Đảo nhiều người nghĩ ngay đến hòn đảo xa xôi từng là nơi giam cầm hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong suốt hơn 1 thế kỷ (từ năm 1862 - 1975), gắn liền với biệt danh “Địa ngục trần gian”. Thế nhưng đáng tiếc thay, sự quản lý lỏng lẻo về đất đai, cùng sự cửa quyền, xa dân của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm đã khiến nhiều người dân nơi đây ngày càng bất an.
Đất bỏ hoang
Nguồn gốc khu vật tư cũ (khu K) là dãy nhà do chính quyền chế độ cũ xây dựng nhằm phục vụ hệ thống nhà tù cai trị tại Côn Đảo từ trước năm 1975; là nơi giam giữ tù thường phạm hoặc những tù chấp hành gần xong bản án.
Sau ngày giải phóng, UBND quận Côn Đảo thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (1979 - 1991) tiếp quản và giao cho trạm cung cấp vật tư sử dụng dãy nhà làm trạm chứa vật tư. Khoảng giữa năm 1988, trạm này giải thể, đến nay cũng không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện sự quản lý nhà nước của UBND huyện Côn Đảo đối với khu đất này.
Chỉ biết rằng, sau khi trạm giải thể, UBND huyện Côn Đảo tạm thời phân giao bằng văn bản hoặc bằng miệng, cho 3 hộ gia đình cán bộ công chức và 1 tập thể sử dụng. Thời gian sau này, các hộ gia đình từ đất liền ra Côn Đảo sinh sống đã sửa chữa, sử dụng dãy nhà để ở; một số hộ chuyển đi, để lại cho hộ khác sử dụng. Khu đất bao quanh dãy nhà vật tư là khu đất trống, được người dân ở tại đây trồng rau màu mưu sinh. Đến nay, có khoảng 30 hộ gia đình đang sinh sống ở đây. 
Việc người dân ở khu K mưu sinh và xây dựng kinh tế trên đảo từ hàng chục năm trước được thể hiện qua báo cáo của công an huyện, với 20 hộ ở từ trước năm 2005, số còn lại từ sau năm 2005. Trong quãng thời gian dài, người dân khu K đã thể hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân như đi bầu cử, cho con cái học hành…
Cũng do việc đi lại từ đất liền ra đảo còn khó khăn nên dân số của đảo cũng chỉ khoảng 2.000 người. Điều đó càng khẳng định, những người ra đảo lập nghiệp lâu năm đã góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia. 
Mập mờ quy hoạch
Với nguyện vọng được gắn bó với đảo, từ năm 1994, người dân đã làm hồ sơ để được chính quyền cấp sổ đỏ, sử dụng đất lâu dài. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tờ bản đồ địa chính, năm 1998 khu K có tổng cộng 19 thửa thuộc tờ bản đồ số 29, trong sổ theo dõi mục kê có 11 thửa do 11 hộ đăng ký sử dụng. Nhưng đến năm 2002, người dân được cơ quan chức năng của huyện trả lời mập mờ: “đất đã quy hoạch”. Người dân cho rằng đất được quy hoạch làm công trình công cộng, không cấp sổ đỏ được, nên tiếp tục yên tâm sử dụng. 
 Đùng một cái, cuối năm 2016, xuất hiện nhiều cán bộ mang sổ đỏ đến đòi đất của các hộ dân đang sinh sống tại khu K. Người dân lúc này mới vỡ lẽ, đất mình đang ở được cấp cho cán bộ từ lúc nào không ai hay biết. Điều này đã dẫn đến xung đột tranh chấp giữa người có sổ và người ở thực tế, khiến tình hình trên đảo vốn bình yên trở nên căng thẳng. Người dân quá bức xúc trước việc cấp đất “chui” của cán bộ huyện đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ vụ việc.
Những tài liệu thu thập được cho thấy, năm 2002 khu K (diện tích 6.635m2) đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch xây dựng khu dân cư số 1 - Trung tâm huyện Côn Đảo (theo Quyết định số 8963/QĐ-UB) với mục đích xây dựng nhà ở nông thôn, chia thành 28 lô đất.
Từ năm 2003 - 2008, nhiều thế hệ lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo đã ký ban hành 22 quyết định giao đất cho 22 trường hợp với tổng diện tích hơn 4.887m2, trong đó năm cấp nhiều nhất là 2005 với 16 trường hợp. Trong 22 hộ gia đình, cá nhân được giao đất có 4 trường hợp thực tế nhận đất và đang sử dụng, 3 trường hợp nhận nhưng không sử dụng và 15 trường hợp chưa nhận đất trên thực tế. Đa phần người được giao đất đều là cán bộ, đảng viên, trong đó có 9 người đang làm lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của huyện.
Hiện nay khu K nằm ở vị trí trung tâm của huyện Côn Đảo, được bao bọc bởi các đường Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Thị Sáu, Hồ Thanh Tòng, ngay cạnh chợ huyện Côn Đảo nên được xem là “khu đất vàng” bậc nhất ở Côn Đảo, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán. Mỗi mét vuông đất ở đây đang có giá trên dưới 50 triệu đồng và mỗi lô đất được cấp giá hơn 10 tỷ đồng.
Người dân cho rằng, có sự mập mờ trong công bố quy hoạch. Cán bộ huyện đã cố tình giấu người dân về quy hoạch để chia chác đất. Vì khi cấp đất cho cán bộ chỉ cấp trên giấy tờ mà không hề tiến hành đo đạc và giao đất thực địa. UBND huyện Côn Đảo cũng thừa nhận, khi giao đất đã không tiến hành thu hồi đất, không tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng cho những hộ gia đình đang sinh sống trực tiếp tại khu K.
Do thực hiện việc cấp đất và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa bàn giao trên thực địa đã dẫn đến chồng lấn về diện tích đất của người được giao với người đang trực tiếp sử dụng. 
Ngoài ra, trong 22 trường hợp được giao đất, chỉ có 13 trường hợp có đơn xin giao đất, 8 trường hợp không có tờ trình tham mưu giao đất, 1 trường hợp không có hồ sơ giao đất. Về vấn đề này, UBND huyện Côn Đảo giải trình, nguyên nhân không có đầy đủ hồ sơ tài liệu là do có sự chuyển giao qua nhiều bộ phận phòng ban nên tài liệu bị thất lạc?!
Hợp thức hóa sai phạm?
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ sau khi trạm vật tư giải thể năm 1988, UBND huyện Côn Đảo đã không thể hiện sự quản lý nhà nước đối với khu đất này. Điều này một lần nữa cho thấy, khu K là một khu nhà và đất đã bị chính quyền bỏ hoang trong nhiều năm, cho đến khi có người dân đến ở, sinh sống ổn định, đóng góp cho sự phát triển của đảo. Nhưng đáng tiếc thay, chính họ lại không được ưu tiên xem xét cấp sổ đỏ mà bị chính quyền âm thầm tước đoạt quyền sử dụng đất để đem chia chác cho một số cán bộ ở đảo. 
Đến nay, trong số 22 trường hợp được cấp, có 13 trường hợp đã đem bán cho người khác và đều đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Trong đó, hầu hết là bán trên giấy tờ chứ không giao trên thực địa. Điều này không những đi ngược lại với chủ trương giao đất để giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với đảo, mà ngược lại còn gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Theo cơ quan chức năng, 13 thửa đất đã chuyển nhượng cho người khác không thể thu hồi nên kiến nghị tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng nghĩa với việc dung túng cho sai phạm. 
Mặt khác, một số cán bộ lãnh đạo UBND huyện và cán bộ tham mưu có liên quan đến sai phạm trong việc cấp đất “chui” vẫn chưa được xử lý thích đáng, trong lúc người dân khu K thì rất bức xúc khi luôn trong tình trạng bị cưỡng chế thu hồi đất bất cứ lúc nào.

Các tin khác