Dự án luật quản lý nợ công sửa đổi

Siết chặt kỷ cương ngân sách

(ĐTTCO) - Trong báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ không nên gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau với đa số ủng hộ. Để làm rõ thêm vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13.

(ĐTTCO) - Trong báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ không nên gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau với đa số ủng hộ. Để làm rõ thêm vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13.

Chính phủ không gánh nợ DNNN 

Luật Quản lý nợ công lần này phải gắn với Luật Đầu tư công, bởi Luật NSNN quy định chặt chẽ, không để dự án đầu tư nào đưa ra triển khai nếu chưa ghi trong kế hoạch đầu tư được các cấp thẩm quyền thông qua. Thí dụ, ở tầm quốc gia phải do Quốc hội thông qua, ở địa phương do HĐND cấp tỉnh thông qua. Nói nôm na không được chi bất cứ khoản nào trong dự toán không được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Đây là kỷ cương về ngân sách cần phải làm.

PHÓNG VIÊN: - Được biết năm 2009 ông là một trong những đại biểu Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công hiện hành và hiện ông cũng đang góp ý kiến cho Luật Quản lý nợ công sửa đổi hiện nay. Quan điểm của ông về chủ trương Chính phủ không nên gánh nợ cho DNNN?

 TS. TRẦN DU LỊCH: - Tôi là người đã tham gia xây dựng và thông qua Luật Quản lý nợ công hiện hành, tức Luật Quản lý nợ công năm 2009 do Quốc hội khóa 12 thông qua. Vừa rồi, tôi cũng tham gia góp ý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) Quốc hội đang xem xét. Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là cần thiết để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 áp dụng từ năm 2017, đặc biệt phù hợp với Luật Đầu tư công. Bởi vấn đề nợ công gắn liền với thể chế về tài chính công, trong đó là việc quản lý, thu chi NSNN, quản lý đầu tư công…

Với dự thảo trình lần này, ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến một vấn đề rất quan trọng là Chính phủ không nên gánh nợ cho DNNN. Thật ra ngay Luật Quản lý nợ công hiện hành cũng không xem nợ của DNNN là nợ công. Vấn đề là trong những năm qua, trên thực tế một số khoản vay Chính phủ không bảo lãnh cho DNNN, nhưng khi DNNN đứng bên bờ vực phá sản Chính phủ buộc phải xử lý phần nợ đó nên dư luận quan tâm đến điều này.

Lần này, tôi ủng hộ cần phải quản lý chặt chẽ quy định Chính phủ không gánh nợ cho DNNN nếu những khoản nợ đó Chính phủ không bảo lãnh. Hơn nữa, tôi cho rằng cần hạn chế tối đa, thậm chí không cho phép gánh nợ của DNNN nếu nợ đó là nợ tự vay tự trả, nếu DN có nguy cơ phá sản cứ thực hiện theo Luật Phá sản.

- Theo ông, nợ tự vay và nợ có bảo lãnh chính phủ của DNNN có phải nợ công. Và nếu DNNN không trả được nợ (như Vinashin, Vinalines) sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia, nên Chính phủ có gánh thay?

- Nợ công bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế vay và nợ chính quyền địa phương. Riêng phần Chính phủ bảo lãnh DN không phải trường hợp nào cũng trả nợ thay cho DN. Vinashin, Vinalines là những trường hợp tương đối đặc biệt.

Thí dụ, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines vay để mua máy bay, hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay để phát triển công trình lưới điện quốc gia. Những khoản vay được Chính phủ bảo lãnh như vậy có ý nghĩa quan trọng, nhất là người cho vay sẽ tin tưởng để cho vay. Quan trọng hơn, khoản vay Chính phủ bảo lãnh lãi suất thấp hơn khoản vay không có bảo lãnh.

Đây là vấn đề cần thiết nên luật lần này phải quy định rất chặt chẽ điều kiện bảo lãnh. Đối với bảo lãnh DN, ngay cả thành phần kinh tế tư nhân kinh doanh lĩnh vực Nhà nước khuyến khích thực hiện,  Chính phủ giúp họ bảo lãnh để giảm được lãi suất vay quốc tế.

Chẳng hạn phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, những ngành tái tạo môi trường, những ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát kỹ, để bảo lãnh tràn lan và lợi ích nhóm xen vào sẽ là nguy cơ. Tôi cho rằng Luật Quản lý nợ công  sửa đổi sẽ quản lý chặt chẽ vấn đề này.

- Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng để giảm gánh nợ cho DNNN nên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN để Nhà nước giảm bớt nỗi lo thị trường?

- Theo tôi DNNN bản chất là công ty TNHH, tức chủ đầu tư là Nhà nước, nếu DN phá sản Nhà nước chỉ mất phần vốn tại DN đó. Thí dụ, vốn điều lệ của DN là 1.000 tỷ đồng, Nhà nước tham gia 70%, tức 700 tỷ đồng, nếu DN phá sản Nhà nước mất 700 tỷ đồng đó, giống như mọi nhà đầu tư khác.

Còn DN vay nợ được bảo lãnh bằng chính tài sản DN, nếu phá sản bán hết tài sản trả nợ, không đủ trả xử lý theo Luật Phá sản, Nhà nước và chủ đầu tư không liên quan.

Gắn với Luật Đầu tư công  

Về bản chất, nợ DNNN tự vay tự trả là nợ DN, không phải nợ công. Tuy nhiên, trên thực tế, dư luận quan tâm nhiều trường hợp Chính phủ không để DN phá sản mà phải lãnh nợ cho họ. Đây là vấn đề lần này sửa đổi,  luật cần phải quy định chặt chẽ hơn. Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chính phủ không lãnh nợ cho DNNN nếu nợ đó là nợ tự vay tự trả, nếu không trả được xử lý theo Luật Phá sản. Nếu quy định rạch ròi như vậy, nợ DNNN không phải là nợ công.

- Giải ngân đầu tư hàng năm thường vượt dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền thông qua, kể cả nguồn vốn ODA. Ông có thấy điều này bất ổn?

 - Thực tế cơ chế ngân sách của Việt Nam có nhược điểm là hàng năm khi Quốc hội thông qua tổng chi ngân sách, trong đó có chi đầu tư dựa trên dự báo nguồn thu, nhưng khi nguồn thu vượt lại được dùng nguồn thu đó để chi đầu tư. Do đó hàng năm, quyết toán ngân sách bao giờ cũng lớn hơn dự toán lúc đầu 20-30%. Mức 20-30% này do tăng nguồn thu so với kế hoạch và phần tăng này chỉ dùng để đầu tư.

Tuy nhiên, đây là vấn đề làm cho kỷ cương ngân sách không chặt chẽ, dẫn đến nhiều địa phương, nhiều ngành triển khai các dự án đầu tư khi chưa được phân bố nguồn, hoặc dự kiến sẽ có nhưng trên thực tế chưa có.

Thậm chí chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi không có nguồn nhưng kêu gọi các DN đầu tư trước rồi vướng vào nợ không trả được. Vừa qua, Luật Đầu tư công được ban hành cũng quy định những điều kiện để chuẩn bị quyết định đầu tư, trong đó có quy định về nguồn đầu tư.

- Hiện nay việc huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đa phần là thời hạn ngắn, lãi suất cao, trong khi bội chi rất cao và thường năm sau cao hơn năm trước. Điều này có dễ làm phát sinh nợ công tăng cao, thưa ông?

- Đúng là giai đoạn 2011-2015, trong điều kiện lạm phát, TPCP được phát hành theo yêu cầu bội chi ngân sách, đặc biệt những loại trái phiếu thời hạn dưới 5 năm có lãi suất tương đối cao. Lãi suất TPCP cao do lạm phát kỳ vọng cao nên áp lực trả nợ hàng năm rất lớn.

Chính vì vậy, các năm 2014, 2015 và 2016, nợ phải trả hàng năm rất cao, ngân sách không bố trí nổi, đã xảy ra tình trạng phải vay để trả nợ đáo hạn, dẫn đến tình trạng nợ đáo hạn chiếm rất lớn trong tổng nợ phải trả.

Đây là vấn đề Chính phủ đã nhìn thấy, nên từ năm 2016 Chính phủ đã cơ cấu lại và Quốc hội cũng đã có Nghị quyết từ năm 2015, yêu cầu Chính phủ phải cơ cấu lại các khoản nợ, đặc biệt không phát hành các loại TPCP dưới 5 năm, mà tập trung phát hành TPCP dài hạn và hiện nay tỷ lệ TPCP dài hạn đã chiếm rất cao, 70% trong tổng số TPCP. Đây là một giải pháp để giảm áp lực nợ phải trả hàng năm.

Còn hệ quả trong giai đoạn những năm trước cũng đã giải quyết có mức độ và tôi tin rằng từ năm 2018 trở đi, áp lực TPCP phải trả hàng năm bao gồm lãi và vốn sẽ giảm dần trong cơ cấu nợ phải trả và cơ cấu vay của Chính phủ.

Cảnh hoang tàn Nhà máy gang thép Thái Nguyên - dự án giai đoạn 2 được Chính phủ bảo lãnh vốn vay đầu tư.

Cảnh hoang tàn Nhà máy gang thép Thái Nguyên
- dự án giai đoạn 2 được Chính phủ bảo lãnh vốn vay đầu tư.

Ngưỡng nợ công 65% GDP có thể “mềm”  

- Có ý kiến cho rằng, nợ công đã chạm trần 65% là điều đáng lo ngại, song cần mềm dẻo hơn như có thể vượt ngưỡng 1-2% để đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế?

- Theo quan điểm của tôi, nợ công gồm 3 phần, nợ Chính phủ vay là nợ phải trả, nợ chính quyền địa phương là nợ phải trả. Còn nợ Chính phủ bảo lãnh không phải trường hợp nào Chính phủ cũng phải trả nếu DN được bảo lãnh có thể trả được.

Trên thực tế, như đã nói ở trên, phần Chính phủ bảo lãnh DN cũng không phải trường hợp nào Chính phủ cũng phải trả. Do đó, trần nợ công 65% GDP cần phải xem cơ cấu trong đó bao nhiêu phần trăm Chính phủ đi vay, bao nhiêu phần trăm chính quyền địa phương và bao nhiêu phần trăm Chính phủ bảo lãnh và phần Chính phủ bảo lãnh đó có an toàn hay không.

Vì vậy, ngưỡng 65% này có thể mềm do cơ cấu quy định. Nếu ngưỡng 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ vay và chính quyền địa phương cao thì không thể "mềm" hơn, nhưng nếu trong đó có 10-20% là nợ Chính phủ bảo lãnh tính chất sẽ khác.

Điều quan trọng trong vấn đề nợ công là số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách là bao nhiêu phần trăm. Hiện nay, theo tính toán nếu hàng năm số nợ gốc và lãi Chính phủ phải trả vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách là báo động và 30% là báo động đỏ.

Trên thực tế, những quốc gia khủng hoảng nợ không phải do nợ quá cao so với GDP, mà khủng hoảng nợ do nợ phải trả đáo hạn không có nguồn trả. Đấy là vỡ nợ. Có những nước nợ lên đến 200% GDP nhưng nợ phải trả hàng năm chỉ chiếm dưới 15% tổng thu ngân sách trong năm đó, họ vẫn an toàn.

Do đó, quan điểm của tôi, ngưỡng cần khống chế quan trọng là tổng số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách, phải giữ mức này dưới 25%, như vậy sẽ là an toàn. Nói tóm lại, ngưỡng 65% GDP có thể mềm nhưng ngưỡng nợ phải trả 25% như tôi nói là ngưỡng cứng sẽ bảo đảm được sự an toàn của ngân sách. Lần này, tôi nghĩ Luật Quản lý nợ công nên quy định chặt chẽ vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác