Sẵn sàng ứng phó với TPP

(ĐTTCO) - Hiệp định TPP đã được cả 12 nước thành viên thông qua từ tháng 10-2016. Các cam kết sẽ đi vào thực tiễn sau khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, hiệp định này đang đứng trước nguy cơ không được ký kết. Theo đó, 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và da giày (vốn được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều) liệu có bị ảnh hưởng lớn?

(ĐTTCO) - Hiệp định TPP đã được cả 12 nước thành viên thông qua từ tháng 10-2016. Các cam kết sẽ đi vào thực tiễn sau khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, hiệp định này đang đứng trước nguy cơ không được ký kết. Theo đó, 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và da giày (vốn được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều) liệu có bị ảnh hưởng lớn?

DN nội không ảnh hưởng lớn

Triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm tới có thể sẽ gặp khó bởi sự kiện nước Anh rời EU và gần đây là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ với chiến thắng của ông Donald Trump, người từng tuyên bố không ủng hộ TPP. Những lo ngại có thể được nhìn nhận theo 3 khía cạnh gồm: cạnh tranh từ Trung Quốc và Bangladesh gia tăng; sự suy giảm chung của thương mại toàn cầu; và những tác động khác từ Brexit và khả năng chưa dự đoán được của TPP.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex

Trong những nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP có dệt may. Theo tính toán với mức thuế suất đang áp dụng cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ 17-18%, khi có TPP mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ rất lớn. Do vậy nếu Hoa Kỳ không thông qua TPP, các sản phẩm vẫn xuất khẩu được sang Hoa Kỳ như hiện nay nhưng không được hưởng ưu đãi thuế quan như các cam kết trong TPP, dung lượng thị trường hẹp hơn rất nhiều so với khi TPP được thông qua. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng sẽ có những tác động nhất định nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn. Bởi thực tế lâu nay nhiều DN cũng xác định nếu có TPP cơ hội khai thác lợi thế của DN Việt Nam cũng không dễ, bởi những yêu cầu về quy tắc xuất xứ của TPP không đơn giản, chưa kể khai thác lợi thế từ TPP có nhiều thành phần cùng hưởng lợi, không chỉ riêng các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu TPP không được ký kết, Việt Nam cũng còn nhiều FTA khác đã và sẽ được ký kết. Điều quan trọng là các DN trong ngành dệt may cần cải thiện các hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào cho hiệu quả. Bởi ngành dệt may đang phải cạnh tranh đơn hàng rất khốc liệt với nhiều quốc gia như Campuchia, Myanmar và Bangladesh…

Cùng với dệt may, da giày cũng là ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nếu TPP hình thành. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định TPP có được ký kết hay không. “Trong vai trò hiệp hội lâu nay mình liên tục vận động các DN hội viên tăng cường đầu tư để đón đầu các hiệp định, đặc biệt là TPP. Nên giả sử TPP không thành các DN còn có cơ hội từ nhiều FTA khác. Thí dụ, sản phẩm da giày thời gian tới vẫn được hưởng thuế quan ưu đãi hơn khi xuất khẩu sang thị trường EU, khi các cam kết trong FTA Việt Nam - EU (EVFTA) được cụ thể hóa. Bên cạnh đó chúng ta còn có các thị trường như Nhật Bản, Nga và khu vực Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan… nên không phải quá lo ngại. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu TPP chưa được phê chuẩn cũng không ảnh hưởng đến chính sách nhất quán đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chưa có TPP, Việt Nam đã chú trọng và thúc đẩy thương mại với nhiều nước trên thế giới như các FTA đã được ký kết trong thời gian qua”.

Trong những nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP có dệt may. Ảnh: LONG THANH

Trong những nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều
từ TPP có dệt may. Ảnh: LONG THANH

DN ngoại nghe ngóng

Có thể khẳng định thời gian qua không chỉ DN trong nước quan tâm đến TPP mà nhiều DN nước ngoài cũng rất chú ý đến cơ hội hưởng lợi TPP của Việt Nam. Chính vì thế trong khoảng thời gian từ năm 2014 các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn khá nhiều vào những lĩnh vực như dệt may, da giày. Cụ thể trong 14 năm, từ năm 2000 đến cuối năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành dệt may của Việt Nam chỉ đạt 8,2 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD là đầu tư vào sản xuất hàng may mặc và 2 tỷ USD vào sản xuất kéo sợi. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm, từ năm 2014 đến cuối 2015, có đến 5,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó 3,3 tỷ USD là đầu tư vào sản xuất vải. Các đầu tư này chủ yếu đến từ các công ty của Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu TPP không được ký kết, theo ông Phạm Xuân Hồng tình hình đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ chựng lại. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển hướng khai thác sang việc hợp tác với các DN dệt may trong nước để cung cấp nguyên vật liệu. Bởi hiện nay khoảng trống nguyên vật liệu cho ngành dệt may của DN trong nước còn rất lớn, chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu. Và khi có nguồn nguyên liệu trong nước sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN Việt Nam.

Hiện nay đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành da giày Việt Nam là các DN FDI. Để đón đầu cơ hội TPP, khá nhiều DN FDI đã tăng vốn mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó có nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Brazil thời gian trước rất muốn đầu tư thuộc da ở Việt Nam nhằm đón đầu TPP, đã cùng Hiệp hội Da giày TPHCM đến nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam để tìm quỹ đất, nhưng vẫn chưa có quỹ đất phù hợp. Song trước tình hình này ông Nguyễn Văn Khánh dự báo các nhà đầu tư có thể sẽ tạm ngưng đầu tư, để nghe ngóng những thông tin mới. Trong trường hợp phía Hoa Kỳ khẳng định không thông qua TPP, những nhà đầu tư từng có ý định vào đầu tư khả năng cao sẽ không vào nữa.

Tuy nhiên những nhận định trên chỉ dựa trên dự đoán có thể TPP sẽ không được thông qua và là góc nhìn từ trong nước, còn các nhà đầu tư nước ngoài đương nhiên sẽ có những tính toán riêng của mình. Tất cả sẽ phải chờ thêm khoảng vài tháng nữa, thông qua tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới có thể biết rõ hơn đường đi của họ.

Các tin khác