NGÂN HÀNG TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ

Quyền lợi cổ đông nhỏ tiếp tục bị treo

(ĐTTCO) - Trước áp lực đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đã tích cực tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tăng vốn ồ ạt của các NH là nỗi buồn của các cổ đông nhỏ. Bởi trong bối cảnh khó hút vốn đầu tư chiến lược, hầu hết NH chỉ tăng vốn thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc thậm chí không chia cổ tức.

Tăng vốn khủng nhưng khả năng sinh lời yếu 

Đối với các NH, trả cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp tăng vốn khả thi. Còn việc thu hút nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn là điều không dễ dàng, do tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư ngoại tại NH trong nước chưa hấp dẫn và các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế chấm điểm tín dụng của các NH Việt Nam ở mức thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Trong thời gian từ cuối năm 2012 đến cuối năm 2016, tổng vốn điều lệ của hệ thống NH (bao gồm cả NH chính sách, NH liên doanh nước ngoài, công ty tài chính, hợp tác xã, quỹ tín dụng) tăng mạnh từ 392.152 tỷ đồng lên 488.424 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 24,52%/năm. Trong đó, tổng vốn điều lệ của các NHTM có vốn nhà nước tính đến cuối năm 2016 đạt 146.543 tỷ đồng, bao gồm VietinBank 37.234 tỷ đồng, Vietcombank 35.977 tỷ đồng, BIDV 31.481 tỷ đồng, Agribank hơn 29.000 tỷ đồng…

Song song đó, tổng vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 200.855 tỷ đồng. Trong tổng số 35 NHTM trong hệ thống có thể chia 3 nhóm: nhóm 1 có 8 NH có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, nhóm 2 có 12 NH vốn 5.000-10.000 tỷ đồng và nhóm 3 có 14 NH có vốn dưới 5.000 tỷ đồng.

 Đầu năm 2017, một số NH thông báo điều chỉnh tăng vốn điều lệ, như ACB tăng vốn từ 9.376 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng, vốn tăng thêm từ nguồn phát hành cổ phiếu thưởng. MB và ABBank cũng được NHNN quyết định cho sửa đổi vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động lần lượt ở mức 17.127 tỷ đồng và 5.320 tỷ đồng, tăng lên so với mức 16.311 tỷ đồng và 4.798 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank được tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765 tỷ đồng… Cùng với mức vốn trên 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản của NH nhỏ nhất hiện nay cũng khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải NH nào cũng có mức sinh lời tốt, lợi nhuận của nhiều NH quá thấp. Chẳng hạn tổng tài sản của NCB tại thời điểm cuối năm 2016 là 69.011 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, sau thuế 13,2 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của NCB lần lượt đạt 0,02% và 0,05%.

Hay tổng tài sản của Eximbank đạt 128.801 tỷ đồng, vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 308,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31-12-2016 là 463,1 tỷ đồng. Đáng chú ý với tỷ lệ nợ xấu 5%, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn lên đến 1.132 tỷ đồng, nếu trích lập đầy đủ Eximbank sẽ không có lãi, thậm chí lỗ lớn. Các NH như ABBank, VietABank, VietBank… cũng nằm trong số đơn vị có khả năng sinh lời thấp.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016 chỉ số ROA và ROE của các NHTM ước tính lần lượt 0,54% và 7,87% (năm 2015 là 0,46% và 6,42%). Mặc dù ROA và ROE đã có sự cải thiện so với năm trước đó, nhưng nếu chiếu theo chuẩn mực đánh giá năng lực tài chính của Moody’s, các chỉ tiêu khả năng sinh lời được đánh giá tốt trong khung ROA≥1%, ROE ≥12-15%, đa phần các NH tại Việt Nam dù có vốn khủng vẫn chưa đạt chuẩn.

Xét riêng từng NH, năm 2016 VPBank đã trở thành NH dẫn đầu hệ thống về hiệu quả sinh lời với ROE 26,49% và ROA 4,89%. Tiếp theo là Techcombank với ROE 17,7% và ROA là 1,5%. Trong khi đó, SCB có giá trị tổng tài sản đạt 361.000 tỷ đồng, lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng ROA chỉ đạt 0,02% và ROE 0,51%.

Hiện các NH có ROE ≥12-15% gồm BIDV, Vietcombank, MB và ROA≥1% gồm BIDV, Vietcombank, MB, VietinBank, ACB, SHB, VIB, ABBank, Eximbank, Maritimebank. Các NH còn lại vẫn còn nằm dưới chuẩn về khả năng sinh lời.

Tăng vốn trông vào cổ tức 

NH muốn chia cổ tức cho cổ đông phải hoàn thành việc xử lý được nợ xấu, tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, xử lý lãi dự thu, nghĩa vụ với Nhà nước, trích lập các quỹ theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN TPHCM

Năm 2017, các NH tiếp tục thực hiện các mục tiêu đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) khi thời điểm áp dụng Basel II đang đến gần, cũng như chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo. Do đó, thị trường tiếp tục đón nhận hàng loạt thông tin về kế hoạch tăng vốn của các NH. Mở đầu mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngành NH, LienVietPostBank đã trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng. ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn năm 2017 thêm 985 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng.
VPBank cho biết trong năm 2017 tăng thêm khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ. BacABank với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành 50 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 5.500 tỷ đồng. Techcombank thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng trong năm nay lên mức 13.878 tỷ đồng.

 Để thực hiện kế hoạch tăng vốn nhiều NH dựa vào việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như tại ĐHCĐ mới đây, ACB trình cổ đông phương án tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 10%. OCB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2017 so với mức hiện nay là 4.000 tỷ đồng, thông qua phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối trên 194 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc hơn 805 tỷ đồng.

VPBank thông báo kế hoạch tăng vốn bằng 2 đợt. Đợt 1 sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng 3.293 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên mức 14.059 tỷ đồng. Đợt 2 phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn với mức tối đa 1.332 tỷ đồng.

Techcombank cho biết đã thông qua phương án tăng vốn dự kiến chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp VIB đề xuất phương án tăng vốn điều lệ gấp đôi, chủ yếu dựa vào cổ tức với 2 phương án.

Phương án 1, dự kiến chia cổ tức năm 2016 và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 44,6% vốn điều lệ. Trong đó, chia cổ tức tiền mặt 5% (tùy thuộc phê duyệt của NHNN) và cổ phiếu thưởng 39,6%, bao gồm từ lợi nhuận lũy kế 3,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%. Phương án 2, không chia cổ tức bằng tiền mặt mà chia hết bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng.

Với tình hình lợi nhuận trên, mùa ĐHCĐ năm nay được coi là đáng buồn đối với các cổ đông NH nhỏ lẻ. Đến thời điểm này, các NH đã tổ chức ĐHCĐ như ACB, VPBank đã chốt phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi Techcombank không chia cổ tức để lấy vốn đầu tư kinh doanh.

Theo ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, trong mọi trường hợp, dù chia hay không chia cổ tức, lợi nhuận đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông. Nếu ĐHCĐ quyết định chưa chia cổ tức cũng là để tái đầu tư dài hạn, nhằm tạo ưu thế tài chính cho NH để gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo giá trị tăng thêm của mỗi cổ phiếu cổ đông đang nắm giữ.

Trong ĐHCĐ vừa qua, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết năm 2017, về lý thuyết NH có thể trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng cổ đông chưa chắc đã thích vì giá cổ phiếu VPBank đang cao hơn nhiều mức 10.000 đồng.

 Quyền lợi cổ đông nhỏ tiếp tục bị treo ảnh 1 Giao dịch tại VietABank.

Cổ đông nhỏ không tiếng nói

Tại ĐHCĐ của SCB mới đây, nhiều cổ đông chia sẻ đã chờ đợi rất nhiều năm nhưng không được NH chia cổ tức. Về vấn đề này, lãnh đạo NH trả lời chia cổ tức không phải do NH quyết mà do NHNN quy định. Nhà nước quy định trong quá trình tái cấu trúc, NH cần tăng cường năng lực tài chính, lợi nhuận để lại và không chia cổ tức song quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo, nếu NHNN chỉ đạo tăng vốn hay chia cổ tức NH sẽ thực hiện theo.

Dự kiến năm nay TPBank cũng không chia cổ tức vì mức lợi nhuận sau phân phối theo công bố của NH bằng 0. Đến thời điểm này VietABank vừa công bố tài liệu chuẩn bị ĐHCĐ vào ngày 28-4, trong đó đề xuất tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng. Phương án tăng vốn đưa ra là phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 10% để nâng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.850 tỷ đồng và phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn từ 3.850 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Theo phương án này, cổ đông sẽ nhận cổ tức bằng “giấy” thay vì tiền mặt.

Vài năm trở lại đây, các NHTM phải tái cơ cấu để nâng cao năng lực tài chính, đồng thời 10 NHTM đã được chọn thực hiện thí điểm áp dụng chuẩn mực CAR theo Basel II và các NH khác cũng được đề nghị chuẩn bị tiến đến Basel II. Đây có thể coi là nguyên nhân chính tác động đến cổ tức của các NH. Song đứng ở góc độ cổ đông, việc phản ứng với vấn đề chia cổ tức của NH cũng có nguyên nhân. Thứ nhất, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ chưa được bảo vệ.

Năm 2016, cổ đông của BIDV đã phản ứng mạnh khi lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao nhưng BIDV giảm mức cổ tức xuống 8,5% và lại trả bằng cổ phiếu. NH này còn đề xuất để tăng vốn sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt rồi phát hành cho cổ đông hiện hữu để họ có tiền mua cổ phiếu. Nhưng yêu cầu này không được chấp thuận. Thứ hai, NH có lợi nhuận, người gửi tiền vào NH có lãi, nhưng cổ đông nhiều năm liền không được đồng lãi nào, trong khi kế hoạch thù lao của HĐQT năm sau luôn cao hơn năm trước.

Hầu hết các cổ đông cho rằng, thù lao được tính dựa trên lợi nhuận để HĐQT có thể phát huy năng lực, làm nhiều lợi nhuận được hưởng nhiều. Còn với cách tính thù lao như hiện nay khả năng thu nhập cao vì doanh thu cao nhưng do chi phí quá nhiều nên lợi nhuận thấp để buộc cổ đông chấp nhận không cổ tức là không hợp lý. Tuy nhiên, vì là cổ đông nhỏ, không có quyền quyết định nên họ phải chấp nhận nhiều năm liền không có cổ tức và quyền lợi bị treo vô thời hạn.

Các tin khác