Quy hoạch TPHCM: Kết nối mặt đất-tầng ngầm

(ĐTTCO) -  TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm xây dựng một TP văn minh, hiện đại. Động thái gây nhiều sự chú ý trong dư luận thời gian qua là việc lập lại trật tự lòng lề đường, bắt đầu từ quận 1 và nay đã lan sang hầu hết quận, huyện của TP và cả nước. Chính quyền TP cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch những khu phố hiện đại, không gian ngầm làm cơ sở cho quá trình đô thị hóa hiện đại, bền vững.

(ĐTTCO) -  TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm xây dựng một TP văn minh, hiện đại. Động thái gây nhiều sự chú ý trong dư luận thời gian qua là việc lập lại trật tự lòng lề đường, bắt đầu từ quận 1 và nay đã lan sang hầu hết quận, huyện của TP và cả nước. Chính quyền TP cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch những khu phố hiện đại, không gian ngầm làm cơ sở cho quá trình đô thị hóa hiện đại, bền vững.

Phố đi bộ quy mô 221ha 

Xây dựng tuyến phố đi bộ cần được xem xét từ giá trị sinh lợi người dân nhận được, giá trị về sức mua tăng cao và tạo hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh, cần có lộ trình cụ thể, không thể vội vã chuyển phố đang hoạt động giao thông thành phố đi bộ. Theo đó, phố đi bộ sẽ thực hiện từng tuyến đường với thời gian cụ thể. Trước mắt chỉ đi bộ vào các buổi tối thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, sau đó sẽ tăng thêm thời gian và dần tiến tới đi bộ các ngày trong tuần.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM đã giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư nghiên cứu dự án xây dựng khu vực đi bộ ở trung tâm TP. CTCP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - đơn vị lập quy hoạch về phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 - cho biết khu phố đi bộ có chu vi 7,35km với tổng diện tích 221ha.

Trong đó, bao gồm các đoạn trên tuyến đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở quận 1. Không gian phố đi bộ được xác định nằm trong khu vực có nhiều công sở, công trình văn hóa - dịch vụ như trụ sở UBND TP, Tòa án Nhân dân TP, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Công viên Tao Đàn, Nhạc viện TP, Nhà hát lớn TP, Thảo cầm viên, Đại học Y dược, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các khách sạn...

 Trước đây, UBND TP cũng có quy hoạch những đoạn đường hoặc tuyến đường tổ chức đi bộ ở 4 phân khu, gồm phân khu 1 có đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và vòng xoay trước chợ Bến Thành là quảng trường đi bộ. Riêng đường Tôn Đức Thắng (phía trước Công viên Bạch Đằng) đoạn từ Quảng trường Mê Linh đến gần cột cờ Thủ Ngữ sẽ làm đường ngầm dưới lòng đất cho xe lưu thông, trên mặt đường dành cho đi bộ.

Các phân khu 2 và 3 bao gồm các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng 8, Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng có đủ vỉa hè cho người đi bộ. Trong đó, toàn bộ chiều dài đường Lê Duẩn sẽ có chức năng như một trục cây xanh kết nối với Công viên Tao Đàn...

Trước mắt, Sở GTVT đã định hướng ưu tiên chọn một số tuyến đi bộ có điều kiện hình thành sớm, như đường Nguyễn Huệ (đã trở thành phố đi bộ) sẽ kết nối với đường Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, Lê Lợi...

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là người dân nằm trong khu vực phố đi bộ sẽ di chuyển từ cửa nhà họ ra khu vực bên ngoài như thế nào? Nếu TP chuẩn bị xe trung chuyển không tốt, hay các bãi giữ xe để người dân trong khu vực gửi trước khi về nhà không thuận lợi, cũng sẽ khiến họ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.

Nhiều dân cư sống trong khu vực cho rằng họ vẫn chưa rõ việc đi lại, nhất là bằng xe cá nhân trong khu vực này sẽ ra sao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều băn khoăn việc người từ nơi khác đến khu đi bộ ở trung tâm TP nếu đi bằng xe cá nhân, liệu có đủ bãi để gửi xe và làm thế nào để tránh ùn tắc ở khu vực vành đai của khu đi bộ?  

Mở rộng không gian ngầm 

Trên thế giới, nhiều TP người dân di chuyển từ nơi này sang nơi khác chủ yếu bằng hệ thống metro. Vì thế họ xây dựng những ga metro dưới lòng đất có nhiều khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại. Khu vực trung tâm TPHCM trong tương lai không xa cũng sẽ có những khu thương mại sầm uất bên dưới lòng đất. Vì thế, quy hoạch không gian ngầm là bước đi cần thiết cần xác lập sau quy hoạch chung xây dựng TP trong lâu dài.

TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đề xuất kế hoạch triển khai điều chỉnh quy hoạch xây dựng không gian ngầm toàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 4 để báo cáo Thủ tướng.

Theo đó, Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong năm 2017 lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm, trong đó có quy hoạch bãi đậu xe ngầm và phân khu một số khu vực ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP, nhằm phục vụ chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị, gắn với phát triển giao thông thủy và các loại hình du lịch đặc thù sông nước.

Tại cuộc họp với lãnh đạo Sở QH-KT trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã gợi ý việc mời chuyên gia các nước có kinh nghiệm về phát triển không gian ngầm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… tham gia ý kiến trong quá trình quy hoạch. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết đang xây dựng đề cương quy hoạch không gian ngầm để sớm có báo cáo với TP về lộ trình, cách làm và đề xuất cụ thể.

 Theo nhiều chuyên gia, đến nay TP mới bắt đầu thực hiện quy hoạch không gian ngầm là chậm so với thế giới cũng như sự cấp thiết trong phát triển. Trong nhiều đồ án quy hoạch, việc đề cập đến phát triển không gian ngầm cũng đã được tính đến nhưng chưa tính toán đến nơi đến chốn.

Cụ thể, những khu vực định hướng phát triển không gian ngầm thường là những điểm công cộng dành làm bãi đỗ xe ngầm như các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư... Riêng khu vực Công viên 23-9 (quận 1) có chủ đầu tư nghiên cứu và đề xuất làm dự án bãi đỗ xe ngầm, nhưng đến nay chưa có công trình cụ thể.

Trong bối cảnh nhu cầu phải tăng thêm diện tích trong khi bị hạn chế tầng cao, các chủ đầu tư đã xây dựng thêm nhiều tầng hầm để làm trung tâm thương mại và chỗ để xe. Cụ thể, công trình 72 Lê Thánh Tôn đã xây 6 tầng hầm để bố trí một phần làm trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án tại tứ giác Bến Thành cũng được cơ quan chức năng duyệt cho xây dựng đến 6 tầng hầm.

Do chưa có quy hoạch nên từ trước đến nay, các công trình xây dựng có đầu tư tầng hầm được cơ quan chức năng phê duyệt riêng lẻ, nghĩa là không gian ngầm của công trình nào chỉ phục vụ cho công trình đó, chưa hề có phương án kết nối với nhau. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết diện tích đất dành cho giao thông tại TPHCM chỉ chiếm 7-8%, so với nhiều nước lên đến 20-30%. Do đó việc phát triển không gian ngầm bên cạnh để phát triển thương mại, dịch vụ còn phục vụ tốt cho vấn đề giao thông.

TP cũng đã quy hoạch không gian ngầm chủ yếu ở quận 1, bao gồm không gian ngầm dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP làm đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm. Bên dưới đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát TP và đường Tôn Đức Thắng làm đường bộ, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.

Sau đó, do xây dựng phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, UBND TP chuyển vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm và trung tâm mua sắm xây dựng dưới lòng đường Hàm Nghi. Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên 23-9 làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.

Đã đến lúc quy hoạch không gian ngầm trở nên cấp bách. Thời gian qua nhiều dự án ngầm như các bãi đỗ xe ngầm bị vướng do chưa có quy hoạch, các sở ngành đều rất lung túng khi quyết định một vấn đề kiên quan đến không gian ngầm.

Trong khi đó, phát triển không gian ngầm nhằm giảm gánh nặng cho quỹ đất bề mặt, cũng như xây dựng đô thị văn minh. Khi đã là xu thế phát triển bền vững rất cần có định hướng và công cụ quản lý.

Phối cảnh một phần đoạn metro và trung tâm thương mại ngầm cũng như trên mặt đất đường Lê Lợi, từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát TPHCM.

Phối cảnh một phần đoạn metro và trung tâm thương mại ngầm
cũng như trên mặt đất đường Lê Lợi, từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát TPHCM.

Khu trung tâm bao gồm 4 quận

Năm 2012, UBND TPHCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM. Theo đó, Khu trung tâm sẽ rộng 930 ha, bao gồm 1 phần các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh. Ranh giới quy hoạch khu trung tâm sẽ được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè (phía Bắc), đường Đinh Tiên Hoàng - đường Võ Thị Sáu - đường Cách Mạng Tháng Tám (phía Tây), đường Nguyễn Thị Minh Khai - đường Cống Quỳnh - đường Nguyễn Cư Trinh - đường Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - đường Vĩnh Phước - đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Tất Thành (phía Nam), phía Đông giáp sông Sài Gòn.

Theo quy hoạch này, quy mô dân số khu trung tâm dự kiến đến năm 2020 khoảng 250.000 người, dựa trên các tiêu chí: hạn chế tăng quy mô dân số, tái định cư tại chỗ và tái định cư tại các khu vực lân cận trong phạm vi quận 1, quận 3, và bổ sung dân số đối với quận Bình Thạnh.

Khu trung tâm sẽ được chia thành 5 phân khu chức năng, bao gồm: Phân khu 1, khu lõi trung tâm thương mại - tài chính; phân khu 2, khu trung tâm văn hóa - lịch sử; phân khu 3 là khu bờ Tây sông Sài Gòn; phân khu 4 là khu thấp tầng; phân khu 5 là khu lân cận lõi trung tâm.

Trong đó, phân khu 1 được quy hoạch theo hướng tạo sự cân bằng giữa bảo tồn những giá trị cảnh quan lịch sử với phát triển chức năng đô thị mới. Tầng cao công trình quanh những kiến trúc có giá trị lịch sử như Trụ sở UBND TP, Nhà hát TP và chợ Bến Thành sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt để có thể giữ gìn cảnh quan.

Những tuyến phố lớn như Nguyễn Huệ, Lê Lợi... sẽ trở thành các trục đô thị, kiểm soát chặt chẽ công trình xây dựng và chuyển đổi dần thành khu mua sắm (tuyến phố đi bộ, cấm xe hơi và xe gắn máy; chỉ cho phép phương tiện vận tải công cộng và người đi bộ).

Các tin khác