Quy hoạch thực tế, nâng tầm quản lý

(ĐTTCO) - Công tác dự báo không chính xác, dẫn đến công tác quy hoạch không phù hợp với thực tiễn làm đô thị phát triển mất cân đối, quá tải trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy trong thời gian tới ngành quy hoạch- kiến trúc (QH-KT) TP phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như phát triển bền vững trong tương lai.

(ĐTTCO) - Công tác dự báo không chính xác, dẫn đến công tác quy hoạch không phù hợp với thực tiễn làm đô thị phát triển mất cân đối, quá tải trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy trong thời gian tới ngành quy hoạch- kiến trúc (QH-KT) TP phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như phát triển bền vững trong tương lai.

Bất cập công tác quy hoạch

Thực tế công tác quy hoạch của chúng ta đang bế tắc với các giải pháp lý thuyết. Có thể thấy rõ sự lúng túng này trong các dự án phát triển hiện hữu về khu đô thị, bất động sản chỉ quanh quẩn ăn theo hạ tầng, tiện ích sẵn có. Vì thế, muốn bàn về quy hoạch phát triển mở rộng TP, trước hết phải giải quyết các vấn đề nội bộ hiện hữu, về đất đai, sở hữu, lợi ích cục bộ. Làm tốt nội dung này, sự phát triển mở rộng về hướng nào sẽ diễn ra đúng cách, đúng quy luật của nó.

KTS Trương Nam Thuận, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng đối với một đô thị như TPHCM công tác quy hoạch vô cùng quan trọng. Nếu công tác dự báo không tốt dẫn đến quy hoạch không đúng với dự báo sẽ đem lại nhiều hệ lụy.

Thực tế cho thấy, chúng ta dự báo TPHCM đến năm 2020 dân số mới đạt đến 10 triệu người, nhưng hiện nay đã đạt con số 13 triệu dân. Chính vì vậy hiện nay hạ tầng giao thông luôn bị quá tải, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Do vậy phải điều chỉnh quy hoạch, sau đó gắn với quy chế quản lý quy hoạch.

Giải thích những ý kiến băn khoăn về việc tại sao phải lập quy hoạch, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng những ý kiến này thực chất là sự than phiền của người dân về các dự án treo. Vì thế, công tác quy hoạch sau khi được điều chỉnh phải có quy chế quản lý.

“Hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng cần phải “nén dân”. Đó chỉ là một vế, vế thứ hai phát triển hệ thống giao thông công cộng như thế nào. Nếu nén dân nhưng không giải quyết được đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng, chúng ta lại rơi vào điểm nghẽn mới. Như Hà Nội bây giờ đang loay hoay với việc xây dựng các chung cư ở Giảng Võ, khi dân số của 1 tầng chung cư đã bằng dân số của 1 phường, trong khi chung cư cao đến  50 tầng.

Nếu chúng ta giãn dân nhưng vẫn làm việc trong trung tâm thì vẫn kẹt xe. Do đó phải tổ chức đồng bộ, những nơi đó không chỉ ở mà còn phải đầu tư xây dựng các dịch vụ như bệnh viện, trung tâm thương mại, trường học, tạo công ăn việc làm tại chỗ” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thực tế cách đây gần 20 năm, TPHCM đã có quy hoạch theo hướng đa tâm với các khu đô thị vệ tinh, nhưng khi thực hiện quy hoạch đã không theo được hướng này mà đang phát triển theo kiểu “vết dầu loang”. Theo đó, TP cứ phát triển từ khu trung tâm lan rộng ra các khu vực vùng ven.

Thực trạng này đã khiến những khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng các ngành đang thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm nên TP khó phát triển đồng bộ.

 Phải phát triển đa cực

Theo quy hoạch TPHCM giai đoạn 2016-2020 (đã điều chỉnh), TP vẫn tập trung phát triển ra các hướng chính như khu Nam, Tây Bắc và Đông. Khu Nam và Đông thời gian qua hạ tầng đã được đầu tư với nhiều dự án khu dân cư, góp phần giãn dân đáng kể. Trong khi đó Tây Bắc vẫn còn manh mún, hạ tầng chưa đồng bộ. Một hướng mới để kết nối trung tâm TP và khu Tây Bắc được mở ra khi mới đây TP đã đồng ý cho Tập đoàn Tuần Châu lập dự án xây dựng trục đường ven sông Sài Gòn, xuất phát từ đường Hàm Nghi (quận 1) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) với tổng chiều dài hơn 63km. Trục đường này được thực hiện sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông từ cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm qua đường Trường Chinh, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch cho TP.

 

Về đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu xây dựng khu đô thị hiện đại tại khu vực Tây Bắc, quan điểm của lãnh đạo TP ủng hộ nhưng cần đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc sẽ thuận tiện hơn vì đã có sẵn quy hoạch, quỹ đất. Ngoài ra TP cũng giao Sở QH-KT triển khai nhanh việc tổ chức thi tuyển để chọn đồ án xây dựng, phát triển Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí.

Các dự án ở Cần Giờ cần phải đợi quy hoạch chung để triển khai cho đồng bộ. UBND TP cũng đặt hàng Sở QH-KT thực hiện quy hoạch ven sông Sài Gòn và ven kênh rạch trên địa bàn TP ngay trong năm 2017 để có thể tổ chức khai thác du lịch, mở rộng hệ thống giao thông.

Theo Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã, thời gian qua sở đã phối hợp với các ban, ngành rà soát, điều chỉnh những dự án quy hoạch nhưng không khả thi, kéo dài thời gian. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch hiện nay có nhiều bất cập do công tác dự đoán, dự báo tình hình kinh tế - xã hội không sát với thực tiễn. Dữ liệu quy hoạch do sở nắm chưa liên thông với quy hoạch của quận, huyện.

Trong thời gian tới Sở QH-KT sẽ thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn quy hoạch với các yêu cầu về giảm ùn tắc giao thông, với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc công bố thông tin về xóa bỏ, điều chỉnh quy hoạch tại các dự án treo, sở sẽ đăng tải thêm trên internet để người dân dễ dàng cập nhật. Đặc biệt, Sở QH-KT sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác lập, thẩm định trình phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch.

Theo ông Nhã, hiện nay nhiều đồ án quy hoạch (xây dựng, kinh tế - xã hội) TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển với 2 hướng chính là Đông và Nam ra biển; 2 hướng phụ là Tây - Bắc và Tây, Tây - Nam.

Song thực tế phát triển hiện nay cho thấy sự trì trệ, chậm trễ khởi động của những đô thị thành phần như Thủ Thiêm, Thanh Đa, Hiệp Phước hay Tây Bắc Củ Chi với hàng loạt mô hình đô thị vệ tinh, đô thị nén, đô thị mật độ cao đều phá sản với nguồn lực yếu ớt.

Các tin khác