Quy hoạch ngành xi măng: Mất cân đối cung cầu nghiêm trọng

(ĐTTCO) - Hiện nay, dù mỗi năm ngành sản xuất xi măng đang dư thừa công suất cả chục triệu tấn, nhưng vẫn có dự án xi măng được cấp phép đầu tư mới. 

Điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn khi cung vượt xa cầu. Thực trạng này đòi hỏi cấp thiết  cần xem lại nhu cầu thực tế để điều chỉnh quy hoạch, tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án xi măng mới, giãn tiến độ các dự án chuẩn bị đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa hàng chục triệu tấn xi măng/năm
 Từ nay đến năm 2020, ngành xi măng tiếp tục có thêm các nhà máy mới đi vào vận hành trong tình hình thị trường xi măng cung vượt xa cầu. Vì thế, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là điều tiên quyết để đưa cung cầu xi măng về mức hợp lý, tạo điều kiện để ngành phát triển, cạnh tranh hiệu quả hơn. Bên cạnh, sàng lọc các dự án đầu tư, công nghệ để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn.
Ông Phạm Văn Bắc, 
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng
Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, việc dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 định hướng đến 2030 (mang tên quy hoạch 1488), đã không sát thực tế, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trên thị trường chỉ tương ứng 74% dự báo quy hoạch.
Tính đến cuối năm 2016, tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng đang vận hành đạt 89,26 triệu tấn/năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế có thể đạt tới 110 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước cùng thời điểm này chỉ khoảng 59,92 triệu tấn, xuất khẩu 15,3 triệu tấn, dư thừa 14 triệu tấn xi măng trên thực tế, còn nếu tính theo công suất thiết kế lượng dư thừa lên tới 34,78 triệu tấn xi măng.
Theo Bộ KH-ĐT, dù xi măng đang thừa công suất, nhưng tính đến tháng 6-2017 vẫn có 6 dự án xi măng mới đang được thi công, với tổng công suất thiết kế khoảng 13,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, theo quy hoạch đã được duyệt còn có 2 nhà máy xi măng dự kiến vận hành vào năm 2020.
Và nếu cả 8 dự án đầu tư nhà máy xi măng này đi vào hoạt động theo quy hoạch, đến 2020 tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất xi măng đạt 105,46 triệu tấn/năm, dư thừa công suất khoảng 20 triệu tấn/năm, tương ứng 18,9% tổng công suất thiết kế của các nhà máy. Cũng theo quy hoạch đã được duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ có thêm khoảng 9 nhà máy xi măng mới đi vào vận hành, công suất 9 nhà máy này ước đạt 27,4 triệu tấn/năm.
Qua đó, nâng tổng công suất thiết kế sản xuất xi măng đến năm 2025 đạt 132,86 triệu tấn/năm, dư thừa công suất thiết kế khoảng 27,86 triệu tấn, tương ứng 20,9% tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng trên cả nước.
Trước khả năng đến năm 2025 dư thừa xi măng rất lớn, Bộ Công Thương cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch 1488 phát triển công nghiệp xi măng đến 2025 và định hướng 2035 cần tính toán kỹ địa điểm quy hoạch, cấp phép dự án. Theo đó, nội dung dự thảo quy hoạch điều chỉnh nêu quan điểm ưu tiên đầu tư các dự án xi măng ở các tỉnh Nam Trung bộ và phía Nam, tuy nhiên hạn chế của khu vực này khan hiếm tài nguyên đá vôi, ngoại trừ tỉnh Kiên Giang.
Mặt khác, trong khi năng lực sản xuất xi măng hiện nay đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước, từ năm 2014 đến nay kim ngạch xuất khẩu xi măng liên tục giảm. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần phân tích, đánh giá cụ thể thị trường xuất khẩu xi măng trên thế giới, trong khu vực, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan… để định hướng đầu tư và xuất khẩu cho phù hợp.Trên bờ vực phá sản
 Trong khi giá xi măng thế giới đang xuống, nếu Việt Nam không giảm bớt số lượng các dự án không hiệu quả trong quy hoạch sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, đã đến lúc  phải cương quyết không phát triển thêm các nhà máy xi măng mới để cân bằng cung cầu trên thị trường và dành  10% sản lượng/năm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ông Tống Văn Nga
Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam
Việc khủng hoảng thừa trên thị trường xi măng thời gian qua đã đẩy nhiều DN trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng rơi vào tình cảnh làm ăn bết bát. Đáng kể nhất là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), đơn vị sở hữu cổ phần hàng loạt nhà máy xi măng lớn trong cả nước như Xi măng Hải Phòng, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hạ Long, Xi măng Bút Sơn, Xi măng Holcim Vietnam… cũng rơi vào tình trạng khó khăn trong nhiều năm qua.
Rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, tại thời điểm tháng 12-2016, tổng giá trị tài chính VICEM đầu tư vào các công ty con 9.818 tỷ đồng; công ty liên doanh, liên kết khoảng 2.000 tỷ đồng và đầu tư khác khoảng 345 tỷ đồng, chủ yếu sản xuất xi măng và clinker.
Tại thời điểm cuối năm 2016, nợ phải thu của VICEM 1.922 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu cho các công ty con vay 1.260 tỷ đồng, như xi măng Hải Phòng 200 tỷ đồng, Tam Điệp 776 tỷ đồng, Bút Sơn 246 tỷ đồng. Đến nay, do nhà máy xi măng Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản vay từ công ty mẹ VICEM khó có khả năng thu hồi, hoặc thu hồi chậm.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2016 sản lượng sản xuất, tiêu thụ xi măng và clinker  của VICEM đạt 19,05 triệu tấn, tăng 11% so cùng kỳ; xi măng bột đạt 23,04 triệu tấn, tăng 16,27%, doanh thu năm đạt 26.850 tỷ đồng. Xét riêng công ty mẹ trong năm 2016, VICEM đạt lợi nhuận 3.479 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2015.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động một số công ty con của VICEM rơi vào tình trạng khó khăn như Xi măng Hải Phòng đạt doanh thu 1.807 tỷ đồng, lợi nhuận 74 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế đến thời điểm tháng 12-2016 là 258 tỷ đồng, hiện vẫn ở trong tình trạng mất cân đối về tài chính. Xi măng Tam Điệp dù đạt doanh thu 1.532 tỷ đồng, nhưng có số lỗ lũy kế lên tới 1.120 tỷ đồng, làm giảm vốn chủ sở hữu từ 1.132 tỷ đồng xuống còn 68,86 tỷ đồng. 
Một loạt công ty khác của VICEM thời gian qua cũng rơi vào tình trạng khó khăn và đối mặt với các khoản nợ lớn, như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính, Công ty Xi măng Bút Sơn chưa hoàn toàn cân đối về tài chính, CTCP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến cuối tháng 12-2016 lên tới 2.523 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.541 tỷ đồng, nợ phải trả 7.638 tỷ đồng…
Có thể thấy, một nghịch lý trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng là sử dụng tài nguyên khoáng sản đá vôi để sản xuất xi măng, nhưng hàng loạt DN trong ngành rơi vào tình trạng thua lỗ, mất cân đối về tài chính. Thực tế này cho thấy nền kinh tế đang thiệt hại kép, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm hơn, nhưng vốn nhà nước tại các DN xi măng lại bốc hơi. Đã đến lúc cần xem lại bài toán quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng để bảo đảm nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia mang lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế.
Quy hoạch ngành xi măng: Mất cân đối cung cầu nghiêm trọng ảnh 1 Nhiều nhà máy xi măng gặp khó khăn do quy hoạch thừa cung quá lớn so với cầu. 
Cân bằng thị trường
Để khắc phục những bất cập của ngành công nghiệp xi măng, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh quy hoạch phát triển theo hướng cân đối cung cầu xi măng trên thị trường. Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035, đang được bộ lấy ý kiến các ngành liên quan, dự báo nhu cầu xi măng của Việt Nam đến năm 2020 khoảng 85 triệu tấn, đến 2025 khoảng 105 triệu tấn và đến năm 2035 khoảng 130 triệu tấn.
Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng được quy hoạch cao hơn 20% so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành cho rằng dự thảo quy hoạch này chưa khắc phục được tình trạng thừa xi măng hiện nay, cần có những giải pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng này.
Thực tế thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, sàng lọc các dự án xi măng nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường xi măng. Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 14 dự án xi măng quy mô công suất nhỏ dưới 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 0,91 triệu tấn xi măng/năm ra khỏi quy hoạch phát triển xi măng. Đó là các dự án nhà máy xi măng Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ, Ngân Sơn, Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.
Thế nhưng, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành xi măng, như dự án Xi măng Long Sơn (2,3 triệu tấn), Xi măng Sông Lam (4,5 triệu tấn), Xi măng Xuân Thành (4,5 triệu tấn)…
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa xi măng trên thị trường hiện nay, do các DN xi măng đã cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, tăng công suất khiến dư thừa. Mặt khác, quy hoạch của ngành xi măng khá hoàn chỉnh nhưng việc thực hiện lại không theo quy hoạch. Có nhà máy được quy hoạch công suất 1 nhưng khi sản xuất tăng công suất 2-4 lần đã dẫn tới dư thừa.
Với tình hình này, quy hoạch xi măng giai đoạn tới nên tập trung vào việc đầu tư cải tạo để phát huy tối đa công suất thiết kế, giải quyết các vấn đề về môi trường. Một số dự án nếu cần thiết, nên giãn, hoãn đầu tư để cân đối cung cầu thị trường.
Quy hoạch được lập cho cả một giai đoạn phát triển dài, vẫn cần bổ sung các dự án mới, nhưng đó phải là các nhà máy có quy mô công suất lớn, các dự án đầu tư mới, công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày, ưu tiên và khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn từ các dự án hiện có bằng các hình thức phù hợp với sự chuyển động của thị trường xi măng trong nước.

Các tin khác