Phát triển NNCNC: Gian nan ứng dụng vào thực tế

(ĐTTCO) - Những cam kết từ cơ chế, chính sách về gói tín dụng lên đến 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được kỳ vọng sẽ giúp nông dân đột phá.

Tuy vậy, hành trình của nông dân đến với NNCNC rất gian nan và thách thức, nhất là tại TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.

Doanh nghiệp ngóng hỗ trợ

 Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội, đóng góp khoảng 20% GDP. Khu vực này đang rất cần các nguồn lực vốn, khoa học công nghệ hiện đại, lao động có tay nghề, trình độ... để tạo sự đột phá. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã ra đời, tuy nhiên đầu tư cho nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng xem ra vẫn trong vòng luẩn quẩn.
TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM
Đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch. Tới đây, Chính phủ sẽ có những đề xuất sửa đổi Luật Đất đai phù hợp thực tế hơn, giúp doanh nghiệp (DN) tích tụ được ruộng đất để sản xuất lớn.

Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực, năm 2017, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 290.000 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng hơn 210.000 người; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng 80.000 người, nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo an đảm an sinh xã hội.
Một trong những giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch là thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Bộ NN-PTNT, số DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn giữ một tỷ lệ khiêm tốn. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.000/600.000 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

TPHCM là đô thị và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Cùng với quá trình đô thị hóa, trung bình mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP giảm hơn 1.000ha do chuyển đổi mục đích sang phát triển hạ tầng đô thị. Hiện nay, TP còn khoảng 78.000ha đất nông nghiệp có khả năng canh tác, tập trung chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, làm gì để nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp luôn là mối quan tâm của lãnh đạo TP, bởi TP vẫn còn tới hơn 1 triệu nông dân sản xuất nông nghiệp. 

Ngay từ đầu năm 2016, UBND TPHCM đã có Quyết định 04 hỗ trợ lãi suất cho nhiều chủ đầu tư có dự án đi theo hướng này. Theo đó, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, với điều kiện được cấp chứng nhận. Tuy vậy, đến nay toàn TP có rất ít dự án được hỗ trợ lãi vay vì không có nơi nào cấp chứng nhận. Lý do đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí hay quy định cụ thể về CNC, cơ quan nào xác nhận.
Vì thế nhiều dự án NNCNC, nhất là của DNNVV, DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Theo đó, yêu cầu gần như bắt buộc của ngân hàng là phải có tài sản thế chấp là sổ hồng, sổ đỏ, còn các tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp dù giá trị tiền tỷ nhưng không được xem xét tới.

Loay hoay với vốn, đầu ra

 NNCNC là định hướng phù hợp trong điều kiện đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm. Thế mạnh của TP là NNCNC, công nghệ sinh học, TPHCM không đủ diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên chuyển giao con giống, chuyển giao công nghệ rồi nhận sản phẩm về để tạo giá trị, như vậy hiệu quả giá trị gia tăng sẽ cao hơn.
Ông Nguyễn Phước Trung
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM
Phát triển nền nông nghiệp đô thị, tại TPHCM đã hình thành nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng hoa phong lan, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, nuôi cá cảnh, nuôi tôm nước lợ. Các mô hình này đều đòi hỏi kỹ thuật cao trong chăm sóc, nuôi trồng.
Trong lĩnh vực hoa lan, hiện nay TP có 5 hợp tác xã (HTX) hoạt động. Đặc biệt, HTX Hoa lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi do bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền làm giám đốc, tuy mới thành lập cuối năm 2015 nhưng đã đạt nhiều kết quả khả quan, với tổng diện tích trồng lan mokara cắt cành khoảng 18ha và gần 2 tỷ cành lan được tiêu thụ trong nước. HTX không chỉ thu mua hoa lan cho các thành viên, còn giúp tiêu thụ sản phẩm cho một số hộ nông dân nhỏ lẻ.
Vườn lan ở đây được đầu tư phát triển theo hướng NNCNC, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động hiện đại, giúp việc sản xuất rất thuận lợi, tiết kiệm nước, công sức lao động. Việc xây dựng nhà lưới còn giúp giữ ẩm và nhiệt độ ổn định cho cây. Hiện HTX đang phát triển mô hình trồng lan theo hướng chuyên canh, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Ấn Độ… 

Tuy nhiên, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, chia sẻ: “Việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư và phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn. HTX mong muốn được tạo điều kiện để thuê đất mở rộng diện tích trồng lan, kết hợp với tổ chức tham quan, du lịch, áp dụng CNC theo định hướng phát triển của TP, cũng như hỗ trợ cho HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn”. 

Tại phường An Phú Đông, quận 12, gia đình ông Phan Quốc Hưng gắn bó với nghề trồng hoa lan từ hơn 20 năm nay. Mỗi năm, gia đình ông Hưng cung cấp cho bà con nông dân ở quận 12 và các huyện Củ Chi, Hóc Môn nhiều lan quý. Gần đây, ông Hưng và gia đình còn nghiên cứu, thiết kế ứng dụng công nghệ trồng rau sạch bằng khay nhựa tại các khu chung cư của TPHCM.
Tuy nhiên, hộ gia đình này vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 13 (ban hành ngày 20-3-2013) của UBND TPHCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP. Ông Phan Quốc Hưng cho biết vốn đầu tư vào vườn lan của gia đình khoảng 1 tỷ đồng. Muốn phát triển lên, cần đầu tư thêm 2-3 tỷ đồng, vay vẫn không được.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bà con nông dân cũng rất cần được hỗ trợ. Tại TPHCM, diện tích nuôi tôm hiện có hơn 6.000ha, tập trung ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Với mỗi ha tôm, người nông dân tốn chi phí đầu tư hơn 700 triệu đồng. Vì thiếu vốn và đầu ra không ổn định, người nuôi tôm không dám mở rộng sản xuất.
Trên thực tế, người nông dân muốn vay được tiền từ các nguồn vốn vay ưu đãi phải có phương án sản xuất, tài sản thế chấp và phương án đầu ra. Việc phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục khiến bà con không mặn mà với chính sách vay vốn ưu đãi. Họ đang cần sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương để tạo sự liên kết với DN từ khâu chọn giống, cải tạo ao nuôi, cách chăm sóc đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Thanh Việt, người dân ở ấp 2, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, bày tỏ: “Bà con mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để người nuôi tôm nuôi khép kín nhằm bảo đảm an toàn vuông tôm. Chứ nuôi kiểu tự phát như hiện nay rất bấp bênh”.

Nông dân cần tiếp sức

Đề cập về chủ trương phát triển NNCNC, ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng luôn là bài toán khó. Giữa sản xuất và đầu ra tuy đã làm được nhiều việc, nhưng về cơ bản ở từng lĩnh vực, từng địa phương giải quyết 2 khâu này chưa tốt, chưa có hoặc chưa tuân thủ theo định hướng, quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới; cung luôn vượt cầu; một bộ phận người sản xuất chưa tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Sự lẫn lộn giữa sản phẩm đạt tiêu chuẩn Gap và sản phẩm chưa đạt chuẩn cùng tồn tại trên thị trường, gây tâm lý không an tâm cho cả người sản xuất tốt và người tiêu dùng.

Mô hình trồng cà chua bi theo CNC tại Đà Lạt. 
Ảnh: ĐỨC TRUNG 
Bên cạnh đó, sự liên kết để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận nông dân còn yếu, chưa tin tưởng nhau, sản xuất còn dựa vào kinh nghiệm, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, chế biến chưa nhiều nên chưa tạo ra sản phẩm đồng dạng, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Theo chuyên gia Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý NN-PTNT II tại TPHCM (thuộc Bộ NN-PTNT), nếu tiếp tục để người nông dân “tự bơi”, sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được nền NNCNC. Phải cần nhiều DN tham gia NNCNC, có đơn vị cung cấp giống, kỹ thuật, công nghệ hướng dẫn người dân để tạo ra các sản phẩm sạch, từ đó thu mua và tạo ra vùng sản xuất có chất lượng, giá trị cung cấp cho thị trường. Bởi chỉ khi DN tham gia một cách bài bản vào nông nghiệp, công nghệ canh tác mới thay đổi, an toàn nông sản mới được đảm bảo và bài toán giá trị sản phẩm cũng như đầu ra được giải quyết tốt hơn.

Về chủ trương phát triển NNCNC, TPHCM đã bố trí 3 nguồn vốn ưu đãi cho bà con nông dân vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là: Nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 13 của UBND TPHCM, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách - xã hội và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân.
Song, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để những chính sách hỗ trợ đến gần hơn với nông dân. Khó khăn nữa cần tháo gỡ là thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Theo đó, các cấp Hội Nông dân TP cần phát huy vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất với DN để tạo thành chuỗi giá trị.
Cùng với đó, Sở NN-PTNT và Hội Nông dân TPHCM cũng cần nhân rộng những mô hình HTX kiểu mới, hướng bà con nông dân đến phương pháp làm ăn chuyên môn hóa, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Các tin khác