Phân cấp, ủy quyền để chủ động thực hiện 7 chương trình đột phá

(ĐTTCO)-Bước vào năm 2017, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nhiều chủ trương, Nghị quyết quan trọng của Đảng; toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành Thành phố đã và đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vì mục tiêu lớn: xây dựng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Trong đó tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt vẫn là huy động mọi nguồn lực, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, để thành phố có chất lượng sống tốt hơn, đời sống Nhân dân thành phố được chăm lo tốt hơn. Và để Thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình thì từng phường, xã, thị trấn phải văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

(ĐTTCO)-Bước vào năm 2017, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nhiều chủ trương, Nghị quyết quan trọng của Đảng; toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành Thành phố đã và đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vì mục tiêu lớn: xây dựng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Trong đó tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt vẫn là huy động mọi nguồn lực, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, để thành phố có chất lượng sống tốt hơn, đời sống Nhân dân thành phố được chăm lo tốt hơn. Và để Thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình thì từng phường, xã, thị trấn phải văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 

Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiều chương trình hành động, nhiều giải pháp đã được xác định, nổi bật là các chương trình hành động thực hiện 7 Chương trình đột phá của Đại hội X Đảng bộ Thành phố.

Mục tiêu đề ra rất lớn lao, trách nhiệm của các cấp rất nặng nề. Công việc bộn bề và cấp bách, Nhân dân cũng không chờ đợi được, do đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị của thành phố phải vào cuộc quyết liệt. Mà trong đó, cấp cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Quan trọng bởi đảng bộ phường, xã, thị trấn chính là nơi tiếp nhận toàn bộ những chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố, quận, huyện; lãnh đạo cấp chính quyền cuối cùng gần Dân nhất của bộ máy nhà nước, cụ thể hóa thành những chương trình, hoạt động, công việc; tổ chức, vận động quần chúng trên địa bàn tham gia thực hiện. Từ đó, kiểm nghiệm và góp phần quan trọng vào việc hình thành, bổ sung, hoàn thiện và phát triển chủ trương, đường lối của Đảng thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của đội ngũ đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Tổ chức Đảng tại phường, xã, thị trấn cũng là nơi gần gũi nhất, ghi nhận đầy đủ nhất thực tiễn sinh động cuộc sống của người dân, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh với Đảng. Dân có tin Đảng, yêu Đảng hay không, trước hết thông qua hình ảnh của người đảng viên tại từng khu phố, ấp; hình ảnh của người cán bộ, công chức của từng phường, xã, thị trấn. Do đó, 7 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X có thành công hay không, vai trò của tổ chức đảng tại phường, xã, thị trấn và đồng chí bí thư cấp ủy đóng vai trò rất quan trọng.

Từ tầm quan trọng đó, để thực hiện có hiệu quả và thành công 7 chương trình đột phá, trước hết, đảng ủy phường, xã, thị trấn cần quán triệt trong từng chi, đảng bộ cơ sở phải nắm vững từng nội dung cụ thể của 7 Chương trình đột phá. Nhanh chóng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, cụ thể hóa Nghị quyết đại hội thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện ngay trong toàn đảng bộ đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các chi bộ và toàn hệ thống chính trị phường, xã, thị trấn cùng triển khai thực hiện. Trong đó cần đặc biệt lưu ý, việc lãnh đạo hiện thực hóa mục tiêu ấy thành những chỉ tiêu, những chương trình, phần việc cụ thể nhất, có thể định lượng một cách tương đối nhất, không xác định “tăng cường, đẩy mạnh, phát huy…” một cách chung chung.

Với chương trình cải cách hành chính, trọng tâm cơ sở cần thực hiện là xây dựng một bộ máy tinh gọn; xây dựng chính quyền thân thiện, gần gũi với nhân dân; tác phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gần dân, sát dân, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với nhân dân; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “vì dân hành động”, “nói đi đôi với làm”.

Với chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, là lãnh đạo các lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp để góp phần giảm tải tình trạng kẹt xe cục bộ trên địa bàn; vận động, tuyên truyền người dân chấp hành luật giao thông, không buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; lãnh đạo các lực lượng (tổ tự quản khu phố, bảo vệ dân phố, công an, trật tự đô thị) phối hợp giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo đảm lưu thông; xây dựng các mô hình lực lượng xung kích tình nguyện của đoàn thể để cùng tham gia giảm ùn tắc giao thông.

Với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, là hỗ trợ người dân trong sửa chữa chống dột, đi lại đường điện trong các chung cư để phòng chống cháy nổ; động viên người dân cùng sửa chữa, nâng cấp đường, hẻm trong các khu dân cư, hình thành những không gian sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa…) khang trang, tạo diện mạo mới xanh sạch đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Với chương trình giảm ô nhiễm môi trường, đó là lãnh đạo xây dựng địa bàn có lòng đường, vỉa hè không bị chiếm dụng vào mục đích cá nhân; môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; mỗi người dân thực hiện nếp sống thị dân, văn minh đô thị, tôn trọng pháp quyền, cư xử văn hóa; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phân loại rác tại nguồn, từng bước hình thành thói quen bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Với chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là thường xuyên rà soát, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị phường, xã, thị trấn, lấy hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của quần chúng để thực hiện công tác đánh giá, bố trí cán bộ ở cơ sở; thường xuyên rà soát và xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt ở cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên, gắn công tác phát triển Đảng với công tác quy hoạch, đào tạo, quản lý, sử dụng, đảm bảo nguồn kế cận, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương.

Với chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, cấp cơ sở có thể tham gia bằng cách tổ chức, hướng dẫn người dân giúp nhau làm ăn để không còn hộ nghèo, vươn lên tăng nhiều hộ khá, hộ giàu; nỗ lực vận động xã hội hóa, huy động các nguồn lực cũng như sự tham gia của Nhân dân để thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Với chương trình giảm ngập nước, lãnh đạo địa phương vận động người dân tham gia chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện lắp đặt các hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường và tuyến đường, hẻm, xây dựng cống ngăn triều, vận động người dân giữ vệ sinh khu dân cư, không vứt, xả rác làm lấp kênh rạch để giảm thiểu tác hại của tình trạng ngập nước trong khu dân cư.

Với vị trí và tầm quan trọng của mình, phường, xã, thị trấn còn có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Nhưng để phường, xã, thị trấn có thể chủ động “thi triển” khả năng, hơn lúc nào hết, các sở ban ngành thành phố, quận huyện phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường hỗ trợ, tạo sự chủ động cần thiết cho cơ sở, giao cho phường, xã, thị trấn thẩm quyền nhất định quyết định những vấn đề cụ thể gắn với đặc thù của mỗi địa phương, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Việc phân cấp, phân quyền đó phải linh hoạt, dựa trên cơ sở không trái đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo được sự kiểm tra, giám sát có hiệu quả của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới.

Muốn thực hiện những điều tốt đẹp đó, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ phường, xã, thị trấn và tổ chức cơ sở đảng trực thuộc phải là công việc thường xuyên, cần dành nhiều thời gian và tâm sức. Là nơi gần Dân nhất, Dân dễ kiểm tra, giám sát nhất, do đó, đồng chí bí thư, từng đồng chí trong cấp ủy và mỗi đảng viên của Đảng bộ phường, xã, thị trấn phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Định hướng đã rõ, những việc đã làm, đang làm, những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện 6 chương trình đột phá và nay là 7 chương trình đột phá cũng đã được nhìn nhận rõ. Để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực tự nhiên - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự thống nhất trong hành động, quyết tâm cao độ trong cả hệ thống chính trị thành phố. Sự thống nhất đó phải được bắt đầu trước hết từ các phường, xã, thị trấn bởi đây là nơi trực tiếp diễn ra mọi hoạt động và cuộc sống của Nhân dân, nơi chính quyền gần dân nhất; nơi tổ chức và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Thành phố. Và tất cả mọi đường lối, chủ trương có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.

Các tin khác