Phải khai thông xã hội hóa

(ĐTTCO) - Kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá cho đến nay vẫn còn ngổn ngang nhiều đầu việc. Với tiến độ này, nếu thiếu giải pháp đột phá khó có thể mang lại những kết quả như mong muốn, đặc biệt là các giải pháp tạo lối ra cho nguồn vốn xã hội hóa.

Huy động bằng mọi nguồn lực
UBND TPHCM vừa đề ra các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong giai đoạn 2018-2022. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP trong giai đoạn 2018-2022 cần huy động khoảng 2.867.357 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách khoảng 219.351 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,6% trong tổng vốn đầu tư; tổng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước khoảng 564.722 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7%; tổng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước khoảng 1.727.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,2%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 575.442 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,1%.
 Việc giảm tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại như hiện nay làm ảnh hưởng đến việc cân đối đầu tư phát triển hạ tầng của TPHCM. Bởi thực tế có những dự án đầu tư công phải sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách nên cân đối nguồn rất lớn. Còn với những dự án khác dù kêu gọi đầu tư theo các hình thức khác, song TP cũng cần nguồn vốn không nhỏ để đối ứng.
Ông Nguyễn Thành Phong, 
Chủ tịch UBND TPHCM
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, vốn xem như nguồn lực quan trọng, trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của TP. Do vậy TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển. Hiện UBND TP đã cụ thể thành 21 đề án, tạo nguồn lực đầu tư để thực hiện Nghị quyết; tổ chức rà soát, công khai tất cả các quy hoạch, từ quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất để phát huy hiệu quả đầu tư.
Trong các chương trình đột phá, TP xác định đầu tư vào hạ tầng giao thông rất quan trọng, qua đó kéo giảm được nạn ùn tắc giao thông xảy ra triền miên. Trong năm 2018, TP tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường như Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Nguyễn Xiển (quận 9), Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), Nguyễn Tất Thành (quận 4) hay Đào Trí (quận 7) chạy dọc bờ sông Sài Gòn.
Tiếp đó là dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Dự án này kết nối hệ thống cảng nội địa của TP với cảng nước sâu Soài Rạp, thông qua các trục đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ...
Cùng với triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, TP cũng đang căng sức giải quyết các vấn đề thách thức như ngập nước, chỉnh trang đô thị. Để giải quyết các vấn đề nan giải này, trong giai đoạn 2016-2020, TP cần tổng nhu cầu vốn đầu tư ước lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong đó tính riêng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực giao thông, môi trường, chống ngập đã gần 500.000 tỷ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Tuy nhiên, khả năng ngân sách TP cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 20%.
Phải khai thông xã hội hóa ảnh 1 Khai thông xã hội hóa mới giải quyết được bài toán nhà ven kênh.
Ảnh: LONG THANH
 
Tìm cách huy động trong dân
Thách thức đặt ra là vậy, song tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và TPHCM trong những năm qua lại liên tục bị cắt giảm. Cụ thể, nếu vào khoảng năm 2003, TP cứ thu ngân sách được 100 đồng thì được giữ lại 33 đồng; nhưng những năm sau đó, tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm dần xuống 29 đồng, rồi 23 đồng và giai đoạn hiện nay là 18 đồng.
Việc thiếu vốn để đầu tư cơ sơ hạ tầng của TPHCM có thể thấy rõ nhất ở dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện nay. Dù TP đã chủ động thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, song khi tiến độ được đẩy nhanh thì gặp phải vướng mắc không đủ tiền để thanh toán cho các nhà thầu. 
Trong lúc tình hình nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, kêu gọi đầu tư bằng hình thức hợp tác công-tư (PPP) để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là giải pháp giải tỏa ách tắc nguồn vốn. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cần bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15-20%. Như vậy nguồn vốn cần huy động từ các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước khoảng 80-85% tổng vốn đầu tư dự án. 
Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ, nên hành lang pháp lý về hoạt động này phụ thuộc vào Luật DN, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công.
Như vậy cho thấy tính ổn định của chính sách không cao, cũng là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Còn với các ngân hàng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế.
Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân trên địa bàn TPHCM hiện nay là rất lớn, dư địa huy động lại không giới hạn, thừa khả năng tài trợ cho 7 chương trình đột phá của TPHCM. Quy mô nguồn vốn nhàn rỗi trong dân trên địa bàn TPHCM đang tồn tại dưới các hình thức tiết kiệm như vàng, ngoại tệ và tiền gửi với quy mô không nhỏ.
Trong bối cảnh được trao các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, vấn đề đặt ra là làm sao TP có thể khai thác và tận dụng tối đa cơ chế đặc thù này, để có thể huy động được các nguồn lực trong xã hội và tạo động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Các tin khác