Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém

Ngày 1-11, sau phát biểu giải trình, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Vì còn ít thời gian nên Thủ tướng chỉ trả lời một số câu, số còn lại Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản. 
Vi phạm nặng thì phải 
thay đổi công tác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn trả lời đầu tiên với câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) về kết quả tín nhiệm. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy hoạt động của nhiều bộ trưởng hiệu quả chưa cao, là cơ sở quan trọng cho thấy vẫn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ trong hoạt động của Chính phủ. Trả lời, Thủ tướng nói, 5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một cổ tay. Và cổ tay đó chụm lại trước sự đoàn kết như trong Chính phủ. Có một câu cho rằng “trăm dâu đổ đầu tằm”. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém. 
Thủ tướng nhấn mạnh, có 4 giải pháp để Chính phủ hoạt động “đều tay”. Một là, Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra đôn đốc tốt hơn các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thực tế, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt, trong khi nơi khác trì trệ, sai sót lớn, đều do điều hành mà ra. Hai là, thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác, kiểm tra các cục, vụ, viện..., chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Ba là, mỗi thành viên Chính phủ tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo sát dân, sát cơ sở, sát địa phương, không được lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ”, sơ sài, qua loa, sợ trách nhiệm. Cuối cùng, với trường hợp vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp. Thủ tướng cũng mong ĐBQH chia sẻ “vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu”, nước ta dân đông, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém ảnh 1  
Trước đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu câu hỏi về việc mới đây Trung ương đã ban hành quy định yêu cầu cán bộ cấp cao “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”, vậy làm thế nào để áp dụng quy định này? Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay, từ chức là vấn đề mới, mang tính tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy mình không còn đủ sức khỏe, uy tín và có vi phạm. Luật Cán bộ công chức đã quy định các hình thức kỷ luật, với cán bộ thì có bãi nhiệm và miễn nhiệm, nhưng pháp luật chưa quy định rõ việc từ chức. Tới đây, sau khi có Nghị quyết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa ở các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành. “Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong từ chức có hình thức tự nguyện, nếu vi phạm mà không từ chức thì qua bỏ phiếu tín nhiệm không đạt sẽ bị bãi nhiệm”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Trả lời về vấn đề phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đây là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm. Chính phủ đã bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho chương trình dự án liên quan, bổ sung 2.500 tỷ đồng; có 20 dự án tăng trưởng xanh với tổng mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh và TP Cần Thơ đã chủ động kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nguồn lực, kết hợp công tư. Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo, có cục trưởng chuyên theo dõi vấn đề này. Tuy vậy, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu rất lớn, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ hơn, nhất là ưu tiên hạ tầng và một số việc có liên quan để phát triển ĐBSCL. 
Quy mô nền kinh tế 
tăng gấp hơn 17,4 lần
Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD. Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản gấp từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần. Ước tính đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà giành được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. 
Dù mục tiêu khó khăn nhưng Thủ tướng cho rằng, chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc. 
Sẽ hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong nhiệm kỳ này
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 9.600 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã thỏa thuận với Ngân hàng Vietinbank cung cấp tín dụng 6.800 tỷ đồng nhưng Vietinbank có khó khăn nên đã liên danh 4 ngân hàng khác ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án này theo hình thức BOT. Tuy nhiên, theo quy định, ngân hàng cấp tín dụng chỉ được tính lãi suất khoảng 7,5%. Trong khi mức mà các ngân hàng đang cho vay với công trình tương tự khoảng 10,5%. “Đây là một sự chênh lệch rất lớn, nhà đầu tư hay ngân hàng đều không chấp nhận lỗ 3%, nên hai bên chưa thỏa thuận được. Sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch lãi suất. Sau khi Thủ tướng có quyết định về vấn đề này, chắc chắn dự án sẽ triển khai đúng tiến độ, hoàn thành trong nhiệm kỳ này” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.
Về vấn nạn sim rác, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trong khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tới đây, sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không được đưa ra thị trường sim giá rẻ. Bộ TT-TT cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh thư. Bộ TT-TT giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý 2-2019 sẽ xong. Công nghệ này không chỉ giúp đăng ký sim mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, từ tháng 7-2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim rác.
 Không để tái diễn vụ Con Cưng, phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD 
Theo Thủ tướng, tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cũng nêu một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai. Trong đó quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông… 
Thủ tướng nêu rõ, cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định. Thủ tướng đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. 
 Cho phép thanh toán nhân dân tệ 
ở biên giới không vi hiến 
Mặc dù đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho phép trả lời chi tiết bằng văn bản nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vẫn “xin trả lời sơ bộ” rằng cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới không vi phạm Hiến pháp. Pháp lệnh ngoại hối quy định trên lãnh thổ Việt Nam thì sử dụng đồng Việt Nam, song Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Hiện Việt Nam đã ký hiệp định thương mại biên giới với 3 nước là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bất kỳ quốc gia nào cũng có hoạt động thanh toán giao dịch thương mại với các nước khác trên thế giới. Việc cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới là hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật.

Các tin khác