Ngành thuế vào cuộc gỡ vướng

(ĐTTCO) - Hiện nay có khoảng 1,8-2 triệu hộ kinh doanh có đóng thuế cho Nhà nước, nhưng đa số không muốn chuyển thành DN vì sự phức tạp của chế độ kế toán, công tác thuế. 
Ngành thuế vào cuộc gỡ vướng
Điều quan trọng trong khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình DN là đơn giản đến mức tối đa chế độ kế toán, thủ tục hành chính và các dịch vụ quản lý thuế, giúp DN tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bước tiến hóa đơn điện tử
 Hội Tư vấn thuế Việt Nam và các đại lý thuế trong nước cam kết phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp hướng dẫn cụ thể về các thủ tục ban đầu, khai thuế, nộp thuế, hướng dẫn về hóa đơn, sổ sách kế toán cho DN khởi nghiệp, giảm phí hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức DN.
Ông Nguyễn Đình Cư,
Phó Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Trong các buổi đối thoại giữa DN và Cục Thuế TPHCM gần đây, những vướng mắc được giải đáp tập trung nhiều vào các nội dung liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, chi phí hợp lệ và hóa đơn. Riêng với vấn đề hóa đơn, một DN phản ánh đơn vị này tặng hơn 300 hộp bánh cho khách hàng, nếu xuất từng hóa đơn sẽ phải xuất hơn 300 tờ hóa đơn, trong khi khách hàng được tặng không có nhu cầu lấy hóa đơn.
Hoặc một DN khác nêu bất cập trong việc áp dụng Thông tư 39/2014/TT-BTC Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc yêu cầu các hóa đơn phải đồng nhất về tên, địa chỉ của DN là không cần thiết và gây nhiều khó khăn. Chính đại diện Cục Thuế TPHCM cũng thừa nhận nhiều công ty đang gặp phải vướng mắc về vấn đề hóa đơn.

Được biết, hiện tại Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó có đề xuất nhiều nội dung về hóa đơn điện tử của DN. Dự thảo cũng quy định rõ về điều kiện đối với hóa đơn điện tử của DN, như có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử, từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử. Đồng thời thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Người mua và người bán được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán. 

Theo một lãnh đạo ngành thuế, việc bổ sung hình thức hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các DN, nhất là những DN mới thành lập hiện đại hóa công tác quản trị DN phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Theo đó hạn chế được tình trạng các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, như tự đặt, tự in ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Đặc biệt hóa đơn điện tử giúp DN tiết kiệm được chi phí và giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán, tránh rủi ro mất hóa đơn. Theo số liệu thống kê, số lượng DN sử dụng hóa đơn điện tử tăng dần qua các năm, từ 30 DN năm 2011 đến năm 2015 con số này tăng lên 331 và năm 2016 là 656 DN. Theo đó, số lượng hóa đơn điện tử DN sử dụng cũng tăng từ 9.014 hóa đơn năm 2011 lên hơn 277 triệu hóa đơn năm 2016.

Đồng hành cùng khởi nghiệp

Trong 7 tháng năm 2017, TPHCM có 22.972 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 297.140 tỷ đồng, tăng 12,2% về số lượng so với cùng kỳ và tăng 69,1% về vốn đăng ký. Điều này giúp TP từng bước tiến tới mục tiêu phát triển 500.000 DN đến năm 2020. Đối tượng chủ yếu được các đơn vị tập trung tạo điều kiện khuyến khích để chuyển lên DN là các hộ kinh doanh đang hoạt động.
Trước đó, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tính đến hết tháng 5-2017 TP đã có 413 hộ kinh doanh làm thủ tục chuyển thành DN. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm từng bước phát triển đội ngũ DN. Qua đó cũng giúp các hộ kinh doanh có điều kiện nâng cao chất lượng lao động, tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn, tín dụng… 

Thống kê mới đây của Cục Thuế TPHCM cũng cho biết hiện có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành DN. Riêng năm 2017, có khoảng 21.000 hộ kinh doanh được Cục Thuế đánh giá tiềm năng cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên DN. Đây là những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng ở những quận trung tâm, và một số hộ kinh doanh thuộc các quận vùng ven với doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng. 

Nếu như trước đây DN được biết đến websie dành riêng cho chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp của Cục Thuế TPHCM, từ cuối tháng 7-2017, Tổng cục Thuế cũng chính thức thực hiện chiến dịch “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp” trên website. Theo đó, sẽ đăng tải, cập nhật các nội dung hướng dẫn DN khởi nghiệp về các thủ tục hành chính liên quan như chuẩn bị thành lập DN, các thủ tục ban đầu, hướng dẫn khai thuế, hướng dẫn nộp thuế, hướng dẫn về hóa đơn, sổ sách kế toán...  
Ngoài ra, website còn cung cấp các thông tin về địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ của DN khởi nghiệp. Đặc biệt, để hỗ trợ một cách nhanh nhất, người nộp thuế có thể gửi email đến cơ quan thuế để được giải đáp các vướng mắc về thủ tục ban đầu khi mới thành lập...

Đây là chương trình đồng hành cùng DN khởi nghiệp được triển khai trên phạm vi cả nước. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng hỗ trợ DN khởi nghiệp là nhiệm vụ của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện thuận lợi để DN khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ của cơ quan thuế, hoàn thành các thủ tục hành chính thuế ban đầu nhanh nhất, thuận lợi và tiết kiệm nhất.
Chương trình cũng góp phần hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 của Chính phủ. Việc làm cụ thể đầu tiên của ngành thuế với sự hỗ trợ của Hội Tư vấn thuế, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam là các dịch vụ trên lĩnh vực cung cấp chữ ký số, cung cấp phần mềm kế toán, các đại lý thuế sẽ có các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ cho các DN khởi nghiệp.

Các tin khác