Ngành ngân hàng 2019 - Sức ép ngoại lai

(ĐTTCO) - 2018, thị trường tiền tệ trong nước vẫn cơ bản duy trì tính ổn định khá tốt. Chính sách tiền tệ (CSTT) được điều hành cẩn trọng, linh hoạt. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các ngân hàng (NH) chứng kiến sự phân hóa, một số NH thể hiện hiệu quả hoạt động thấp hơn khi khó giữ mức tăng trưởng trước đó.

Thành công mục tiêu ổn định 
Trong báo cáo ngành NH 2019, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động đều giảm so với năm 2017. Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu nhích tăng từ tháng 9-2018, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ổn định; tình trạng thiếu hụt thanh khoản không xảy ra trên thị trường liên NH. Các quy định nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đang được giám sát chặt chẽ.
 Năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát an toàn nhằm duy trì ổn định hệ thống, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh một phần nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14, một phần đến từ chính các NH trong việc tích cực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, xóa nợ và thu hồi các khoản nợ đã xóa. Kết quả kinh doanh của các NHTM chứng kiến sự phân hóa, nhất là trong 9 tháng 2018. Trong khi một số NHTM tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, một số NH khác thể hiện hiệu quả hoạt động thấp hơn khi khó giữ mức tăng trưởng như năm trước đó.
Tại buổi gặp mặt đối ngoại cuối năm của NHNN ngày 14-12-2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2018 CSTT được điều hành cẩn trọng, linh hoạt, phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ giá và thị trường vàng được duy trì ổn định. Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ dưới 16%. Lượng dự trữ ngoại hối được tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2018. Bên cạnh việc duy trì ổn định vĩ mô, công tác tái cơ cấu hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu cũng được triển khai tích cực, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,16%.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, dòng vốn quốc tế ngày càng năng động, trước các biến động của dòng chảy thương mại và thị trường tài chính toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng với các lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thị trường tiền tệ trong nước vẫn cơ bản duy trì tính ổn định khá tốt. Mặc dù có những thời điểm có dao động nhất định, nhưng nhìn chung không có nhiều xáo trộn lớn trên thị trường ngoại tệ như đã từng xảy ra phổ biến trước năm 2016”.
Ngành ngân hàng 2019 - Sức ép ngoại lai ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Tiếp tục điều hành linh hoạt, cẩn trọng
Trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2019 nhằm làm đồng USD mạnh lên, có thể gây sức ép lên sự dịch chuyển dòng vốn vào, áp lực tỷ giá và lãi suất sẽ thách thức chính sách của NHNN. Điều này sẽ khiến năm 2019 đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt do yếu tố bên ngoài đối với CSTT và các tổ chức tín dụng (TCTD).  
Về diễn biến thị trường tiền tệ, theo VCBS, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể đạt trên 15%. Lãi suất huy động tiếp tục chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, do đó tỷ lệ chênh lệch lãi suất (NIM) của nhiều NH khó được cải thiện trong 2019. Thị trường tín dụng bán lẻ còn nhiều dư địa để mở rộng, dù vậy phân khúc tín dụng tiêu dùng là một trong những mảng đáng lưu ý vì độ rủi ro cao.
Mặt khác, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều NHTM tích cực trong việc tự xử lý nợ xấu, không chỉ trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu nội bảng và VAMC, mà còn là các khoản nợ tiềm ẩn, không thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính của TCTD.
Trong bối cảnh đó, 2019 cũng là năm các NHTM phải thực hiện Thông tư 41 (quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH) và Thông tư 13 (về kiểm soát nội bộ NH) có những quy định rất ngặt nghèo về công tác kiểm tra, kiểm soát và thực hiện Basel II, đòi hỏi các NHTM phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư đào tạo, công nghệ, máy móc…
Một chuyên gia tài chính nhận định, những rủi ro từ yếu tố bên ngoài, cộng sức ép và kỳ vọng trong nước có thể sẽ khiến một số NHTMCP nhỏ, yếu kém sẽ có nhiều thời điểm rơi vào khó khăn thanh khoản. Theo VCBS kết quả kinh doanh của các NH niêm yết năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự phân hóa. Tuy nhiên NIM khó mở rộng và lợi nhuận trước thuế khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2018.

Các tin khác