Ngân hàng đua lên sàn

(ĐTTCO)-Hiện mới có 10/35 ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết trên sàn chứng khoán (CK). Trong khi đó, theo Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch CK, đến cuối năm 2016, các ngân hàng sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch CK phải thực hiện đăng ký giao dịch CK trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết (sàn UPCoM).

(ĐTTCO)-Hiện mới có 10/35 ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết trên sàn chứng khoán (CK). Trong khi đó, theo Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch CK, đến cuối năm 2016, các ngân hàng sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch CK phải thực hiện đăng ký giao dịch CK trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết (sàn UPCoM).

Nâng cao tính minh bạch

10 ngân hàng đang niêm yết trên sàn giao dịch CK (Hà Nội và TPHCM) là: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Eximbank, Sacombank, MBbank, SHB, ACB… 25 ngân hàng còn lại, chiếm khoảng 2/3 số lượng ngân hàng, vẫn chưa lên sàn, mặc dù 3 năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã gửi nhiều công văn nhắc nhở các NHNN địa phương về việc theo dõi, đốc thúc các ngân hàng trên địa bàn sớm lên sàn để tăng tính minh bạch.

Hiện tại không ít các ngân hàng đang làm hồ sơ để “đua” lên sàn theo quy định. Trong tháng 12-2016, đã có 3 ngân hàng được chấp thuận đăng ký giao dịch tập trung cổ phiếu trên UPCoM.

 

Cụ thể, ngày 29-12-2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký CK và cấp mã CK cho Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) là KLB. Theo đó số lượng CK đăng ký là 300 triệu cổ phiếu, giá trị CK đăng ký là 3.000 tỷ đồng, tương đương 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ, với hình thức đăng ký là ghi sổ. Giữa tháng 12-2016, VSD cũng đã có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CK và cấp mã CK cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Theo đó, Techcombank được cấp mã CK là TCB, số lượng CK đăng ký là 887.807.871 cổ phiếu với giá trị CK hơn 8.878 tỷ đồng, hình thức đăng ký là ghi sổ. Tương tự, cuối tháng 12-2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) được đăng ký giao dịch 564.442.500 cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VIB. Ngày giao dịch đầu tiên là 9-1-2017.

Nói về việc chuẩn bị lên sàn, lãnh đạo KienLong Bank cho hay, trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2016, KienLong Bank đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM. Việc được VSD cấp mã CK được xem là bước đi đầu tiên để KienLong Bank chính thức gia nhập thị trường CK Việt Nam trong năm 2017, qua đó sẽ nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông cũng như các nhà đầu tư.

Mạnh dạn lên sàn

Đến nay, vẫn còn không ít ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết trên sàn nhưng chưa có động thái gì, mặc dù theo quy định tại Thông tư 180/2015, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung trước ngày 31-12-2016.

Ngoài các lý do mà ngân hàng đưa ra (như: chưa chọn được thời điểm thuận lợi; cổ phiếu ngành ngân hàng không còn “hot” như trước đây nên khi giao dịch trên sàn giá cổ phiếu sẽ giảm, không có lợi cho ngân hàng) thì nguyên nhân sâu xa được giới chuyên gia lý giải việc ngại lên sàn của các ngân hàng là yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.

Một số ngân hàng làm ăn được thì cần thời gian “làm đẹp” báo cáo trước khi lên sàn để cổ phiếu bán được giá, còn những ngân hàng lợi nhuận thấp, nợ xấu cao thì càng không muốn lên sàn, vì không công khai những thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới sẽ có hàng loạt ngân hàng ồ ạt lên sàn trước áp lực từ cơ quan quản lý theo Thông tư 180/2015. Ngoài ra, Nghị đinh 145/2016 của Chính phủ cũng quy định rõ doanh nghiệp đăng ký giao dịch, niêm yết CK không đúng hạn sẽ bị xử phạt 10 - 400 triệu đồng.

Ngoài việc phải tuân thủ quy định trên, trước yêu cầu về minh bạch chuẩn mới với các ngân hàng, cụ thể việc áp dụng lộ trình Basel II về tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) là rất cấp bách, nên có thể các ngân hàng cũng cấp tập lên sàn để huy động vốn, phục vụ lộ trình này. Đặc biệt là các ngân hàng chưa niêm yết nằm trong diện thí điểm áp dụng Basel II trong năm 2017 như VPBank, MaritimeBank, VIB và Techcombank.

Theo nhận định của các công ty CK, trong năm 2017, các ngân hàng có hoạt động quản trị, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản tốt như OCB, HDBank cũng phải tính đến việc niêm yết. Riêng các ngân hàng không niêm yết trong thời gian tới, nhiều khả năng có thể phải đưa vào diện cần tái cơ cấu.

Cùng với đó, triển vọng thị trường CK Việt Nam đang được đánh giá tích cực trong bối cảnh kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định, lãi suất và lạm phát được duy trì ở mức thấp và tỷ giá của tiền đồng không “nhảy múa”. VN-Index thời gian qua cũng đã tăng trưởng khá tốt cũng là động lực để các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc lên sàn.

Trong đại hội cổ đông năm 2016, HĐQT của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã được các cổ đông thông qua tờ trình không đăng ký giao dịch trên UPCoM mà chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) để có thanh khoản tốt hơn; đồng thời ủy quyền cho HĐQT OCB chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện thực tế của ngân hàng.

Cuối tháng 12-2016, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo với cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu nhằm chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phiếu VPBank tại VSD. Sau ngày 26-12-2016, VPBank đã thực hiện các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD…

Các tin khác