Năng lượng tái tạo: Chưa tạo động lực phát triển

(ĐTTCO) - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự báo tổng công suất nguồn điện vào năm 2020 phải đạt 60.000MW, đến năm 2030 đạt 129.500MW. 
Trong khi đó, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các dự án điện than đang buộc các cơ quan chức năng phải tính toán lại cơ cấu nguồn điện, theo hướng đẩy mạnh phát triển điện tái tạo.
Tiềm năng điện gió, điện mặt trời rất lớn
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy tổng công suất nguồn điện năm 2016 đạt 42.341MW, trong đó các nhà máy thủy điện lớn 16.522MW, nhiệt điện than 14.510MW, nhiệt điện dầu 1.476MW, tua bin khí hỗn hợp 7.438MW, điện gió 135MW, điện sinh khối 54MW, các thủy điện nhỏ 2.206MW. Về cơ cấu điện năng, thủy điện lớn 39,02%, nhiệt điện than 34,27%, tua bin khí hỗn hợp 17,57%, nhiệt điện dầu, điện tái tạo (điện gió, sinh khối, thủy điện nhỏ) chiếm 7,98%.
 Để phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển điện tái tạo; tăng cường hợp tác với các nước thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) dưới hình thức phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Hoàng Quốc Vượng, 
Thứ trưởng Bộ Công Thương
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn, riêng tiềm năng thủy điện ước tính cả nước khoảng 27.326MW, đã đưa vào vận hành 18.355MW, đang xây dựng các nhà máy công suất 3.603MW.
Theo tính toán của VEA, cả nước có thể phát triển thêm 421MW công suất thủy điện lớn, 608MW nhà máy thủy điện vừa, đặc biệt có thể phát triển thêm 4.340MW thủy điện nhỏ. Như vậy, nếu khai thác tối đa tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ và vừa trong những năm tới, hoàn toàn có thể thay thế phần công suất thiếu hụt từ các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Bên cạnh đó, theo tính toán tiềm năng điện gió của Việt Nam trên đất liền đạt khoảng 40.000-50.000MW. Nếu tính cả tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển trên 100.000MW điện gió trong những năm tới.
Cũng theo VEA, với số giờ nắng bình quân trong năm cao, các tỉnh miền Bắc đạt 1.500-1.700 giờ, các tỉnh miền Nam 2.000-2.600 giờ, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình cả nước đạt 4,6 kWh/m2/ngày, cho thấy tiềm năng điện mặt trời vô cùng lớn.
Một loại hình điện tái tạo khác cũng đang được phát triển mạnh trong những năm qua là điện sinh khối (sử dụng chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm... để sản xuất điện năng). 
Báo cáo đánh giá của VEA cũng chỉ ra rằng, trong những năm qua điện năng tái tạo được đưa vào sản xuất chủ yếu là thủy điện, công suất thủy điện năm 2016 ước đạt 18.000MW, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1990-2016 đạt 11,1%/năm. Nhưng tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu điện năng cả nước giảm từ 64% (1995) xuống còn 42% (2016). Tổng nhu cầu điện cho sản xuất năm 2016 đạt 182,9 tỷ kWh, trong đó thủy điện cung ứng được 63,9 tỷ kWh điện.
Kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu tinh sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Hiện nay tỷ lệ nhập khẩu điện tương ứng khoảng 3% nhu cầu điện, tỷ lệ nhập khẩu được dự báo sẽ tăng lên 24% vào 2030. Trong kịch bản không phát triển các nguồn điện tái tạo, tỷ lệ nhập khẩu điện dự báo sẽ tăng lên tới 44% nhu cầu điện sơ cấp.
Thực tế hiện nay các nhà sản xuất điện tái tạo chưa thể cạnh tranh bình đẳng với các nguồn điện thông thường như điện than, điện khí, cho đến khi có các chính sách mới được áp dụng để tính toán đầy đủ các chi phí sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường. Theo VEA, nếu tính đầy đủ các chi phí xả thải môi trường, chi phí nhập khẩu, các nguồn điện sản xuất từ than, khí và dầu đắt hơn chi phí sản xuất điện tái tạo. 

Cẩn trọng đầu tư thủy điện vừa và nhỏ
Tháng 11-2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết 62 yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện để hạn chế phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát và loại bỏ 468 dự án (công suất 2.044MW) thủy điện nhỏ và vừa không hiệu quả và tác động lớn đến môi trường. Bên cạnh đó, cả nước hiện còn 316 dự án (công suất 3.443MW) nằm trong quy hoạch chưa thực hiện đầu tư.
 Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020. Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia 0,2%, Lào 2,9% và Thái Lan 0,2%.
Báo cáo nghiên cứu của WB
Không thể phủ nhận đóng góp của các nhà máy thủy điện đối với an ninh năng lượng quốc gia. Tính riêng trong 8 tháng năm 2017, các nhà máy thủy điện đóng góp trên 40% công suất và sản lượng điện cho toàn hệ thống. Tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, để xây dựng các công trình thủy điện đã phải thu hồi khá nhiều đất đai. Bình quân để có công suất 1MW thủy điện vừa và nhỏ phải sử dụng khoảng 7,41ha đất (gồm đất ở, đất lúa, đất rừng…). Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông. 
Vì thế, Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với công tác quy hoạch, thiết kế, chất lượng xây dựng công trình, quản lý vận hành khai thác với thủy điện nhỏ. Đặc biệt chỉ xem xét bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả kinh tế, ít xâm hại đến môi trường, xã hội. Cần quản lý chặt khâu khảo sát, lập quy hoạch dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình và giám sát chất lượng công trình theo quy định. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư đối với cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng khi triển khai dự án.
Để thực hiện chiến lược phát triển điện tái tạo đã đề ra, ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng ban Kỹ thuật Sản xuất (EVN), cho biết hiện EVN và các tổng công ty thành viên đang chuẩn bị lắp đặt nhiều dự án điện tái tạo mới. Cụ thể, EVN và các tổng công ty thành viên đang chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời (công suất 3.100MW).
Trong đó, đáng chú ý là các dự án Phước Thái (200MW), Sông Bình (200MW), Sê San 4 (49MW), Lộc Ninh 1 (200MW). Các tổng công ty EVNGENCO 1, EVNGENCO 2, EVNGENCO 3, EVNCPC cũng đang triển khai đầu tư hàng loạt dự án như Đồng Nai 4 (50MW), Sông Ba Hạ (100MW), Thác Mơ (139MW), Buôn Tua Srah (120MW), Cà Ron (150MW), Phước Hữu (131MW)…
Trong số các dự án điện mặt trời này, ngoại trừ một vài dự án phát triển mới tại Ninh Thuận, Bình Thuận, hầu hết dự án điện mặt trời được EVN và các tổng công ty trực thuộc phát triển ngay tại các hồ thủy điện và khu vực phụ cận để tận dụng mạng lưới truyền tải sẵn có.

Kỳ vọng thu hút đầu tư
Ngoài EVN, một số doanh nghiệp khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo. Trong đó có CTCP Phong điện Bình Thuận, đã đưa vào vận hành 1 dự án điện gió công suất 24MW. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu phát triển 4 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 570MW. Một nhà đầu tư tư nhân nhiều năm nay đã tham gia xây dựng nhiều dự án thủy điện là Tập đoàn Bitexco.
Cụ thể hồi giữa năm 2016, tập đoàn này thông qua CTCP Năng lượng Bitexco hoàn thành việc thâu tóm cùng lúc 6 dự án thủy điện từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với tổng công suất khoảng 212MW, đến nay hầu hết nhà máy này đã đưa vào vận hành khai thác. Không chỉ đầu tư các dự án thủy điện ở phía Nam, những năm gần đây Bitexco cũng rót vốn đầu tư nhiều nhà máy thủy điện cỡ vừa ở khu vực phía Bắc, như dự án Thủy điện Nho Quế 1, Nho Quế 2, và Nho Quế 3 tại Hà Giang, với tổng công suất lắp máy khoảng 182MW.
Năng lượng tái tạo: Chưa tạo động lực phát triển ảnh 1 Tiềm năng điện gió Việt Nam rất lớn, nếu tính cả điện gió ngoài khơi  có thể phát triển công suất lên đến 100.000MW. 
Mới đây, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), đã quyết định đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển 10-20 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận và một số tỉnh Nam Trung bộ. Quyết định nhảy vào thị trường điện mặt trời được TTC Group công bố hồi giữa năm nay, khi đưa ra kế hoạch từ nay đến 2020 sẽ phát triển các dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến 1.000MW.
Theo đó, TTC Group sẽ phối hợp với một công ty chuyên sản xuất năng lượng sạch tại Singapore để phát triển điện tái tạo. Nguồn vốn phát triển điện tái tạo sẽ được TTC Group vay từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFC). Dự án điện mặt trời đầu tiên sẽ được TTC Group khởi công xây dựng trong tháng 10 này tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay cũng đang nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức tài chính quốc tế. Ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết thời gian qua WB đã tài trợ 330 triệu USD để EVN xây dựng dự án thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) công suất 260MW.
Với phương châm thực hiện dự án tổng hợp, đa mục tiêu dự án không chỉ bổ sung vào công suất nguồn điện chung, còn góp phần bảo vệ môi trường và ổn định sinh kế cho 2.500 dân vùng lòng hồ. Hiện nay, WB tiếp tục tài trợ 337,2 triệu USD để thực hiện dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP). Việc thực hiện dự án sẽ bổ sung vào công suất điện quốc gia thêm 250MW điện sạch. 

Các tin khác