Nâng cao hiệu quả "đất vàng" TPHCM: Xử lý tồn tại, minh bạch dự án

(ĐTTCO) - Thời gian qua, nhiều khu đất công được ví như đất vàng tại TPHCM đã chuyển mục đích, chuyển chủ sở hữu dưới nhiều hình thức nhằm phát huy tối đa giá trị sử dụng của khu đất, góp phần chỉnh trang đô thị, thu ngân sách về cho Nhà nước. 
Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khu đất chưa được sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí lớn.
Hầu hết đất công chuyển thành dự án nhà ở
 
 Quản lý chặt chẽ quỹ đất, kiên quyết thu hồi các khu đất bị sử dụng trái phép, không đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và  thu ngân sách tăng. Do vậy việc xử lý kịp thời các sai phạm, thu hồi đất nghiêm minh cũng là bảo đảm phân bổ các nguồn lực của xã hội một cách công bằng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiêm túc tham gia khai thác quỹ đất.
Ông Nguyễn Thiện Nhân
Bí thư Thành ủy TPHCM
Đầu tháng 5-2017, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với 60 dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Trong số 11 dự án bị đề nghị thanh tra tại TPHCM có nhiều dự án đã được doanh nghiệp (DN) hoàn thành, đã có cư dân sinh sống ổn định, một số dự án vẫn đang thi công hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.

 Trong văn bản báo cáo UBND TP về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, Sở Xây dựng cho biết kể từ ngày Nghị định 71/2013 có hiệu lực thi hành (ngày 1-9-2013), tổ chuyên gia của sở đã xem xét thẩm định 45 hồ sơ dự án, cho thấy đến nay nhiều dự án trong diện này vẫn còn dở dang, thậm chí có dự án mới được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư, DN chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã nhận đặt chỗ của khách hàng, bởi hầu hết khu đất công sau khi chuyển đổi mục đích đều trở thành dự án nhà ở.
Thí dụ, khu đất rộng gần 5.000m2 tại 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4 của CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam có nguồn gốc là đất sản xuất kinh doanh, nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất bằng Quyết định 5231 ngày 6-10-2016 của UBND TPHCM. Hiện khu đất này mọc lên dự án chung cư mang tên Riva Park đang trong giai đoạn hoàn thiện, với sự phát triển của CTCP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal), giá đang rao bán gần 40 triệu đồng/m2. Tương tự, tại khu đất 205 Lạc Long Quân, quận 11 cũng đang mọc lên một cao ốc.  Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), sau 10 năm thực hiện Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ và một số quy định liên quan về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, và Quyết định 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch xây dựng đô thị, đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án bất động sản (BĐS), hình thành các khu nhà cao tầng với chức năng căn hộ ở, văn phòng làm việc, các khu thương mại, dịch vụ, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị. Chưa khai thác hết hiệu quả đất vàng
Hiện nay, rất nhiều quỹ đất công của TP cho các DN thuê bị sử dụng lãng phí, nhiều nơi bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Thậm chí có những nơi DN đã tự ý cắt đất giao cho cán bộ, công chức. Nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép. Nhiều DN hết hạn thuê đất hoặc sử dụng không đúng mục đích còn chây ì, đùn đẩy trách nhiệm và không hợp tác với cơ quan chức năng. Để thu hồi, TP lại phải bỏ tiền thêm lần nữa để đền bù giải phóng mặt bằng. 
Ông Võ Công Lực
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM
 Đất đai là nguồn lực quý giá làm nền tảng, động lực cho TPHCM phát triển. Trong khi đó, quỹ đất TP là hữu hạn, nguồn đất cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khan hiếm, đặc biệt những khu đất ở những vị trí đắc địa có giá trị rất cao. Hơn 15 năm trước, đường Nguyễn Hữu Thọ nối Đại lộ Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè dài 7,5km, được giải tỏa rộng 210m, với tổng diện tích đất mở rộng thêm 68,7ha.
Từ quỹ đất này, cơ quan chức năng tổ chức đấu giá 48,7ha, tổng số tiền thu được 466 tỷ đồng (một con số rất lớn vào thời điểm đó) không chỉ đủ vốn làm đường, bố trí tái định cư mà còn đóng góp không nhỏ cho ngân sách.
Cho đến nay, dọc 2 bên con đường này hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, góp phần giãn dân ra ngoại thành. Tại trung tâm TP, năm 2015, TP mở phiên đấu giá khu đất vàng 23 Lê Duẩn - vốn là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP - có diện tích 3.025m2 với giá khởi điểm 558 tỷ đồng, đã thu hút 13 DN tham gia. Sau 16 vòng đấu, khu đất đã tìm ra chủ nhân với mức giá 1.430 tỷ đồng, là số tiền kỷ lục từ trước đến nay TP thu được thông qua hình thức đấu giá.

Tuy nhiên, bên cạnh số ít khu đất vàng được đấu giá thu về kết quả mỹ mãn, vẫn còn rất nhiều khu đất của DNNN được cổ phần hóa, chuyển mục đích sử dụng để phát triển dự án nhà ở chỉ được thẩm định giá để nộp tiền sử dụng đất, không qua đấu thầu. Đơn cử khu đất có diện tích 29ha thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), được chỉ định cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, đến nay văn bản công nhận chủ đầu tư của dự án đã hết hiệu lực. Cũng trong danh sách này đã lộ diện đại gia mới sở hữu 5 khu đất công không qua đấu thầu là Công ty Trung Thủy, gồm: khu đất tại số 230 Nguyễn Trãi (quận 1) có diện tích 8.827m2; khu đất tại 78 Tôn Thất Thuyết (quận 4) có diện tích 13.814m2; khu đất 32.902m2 tại số 1B/KC Nguyễn Lý; khu 1Bis/KC Tô Hiệu (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú)…  Việc đấu giá đất công được xem là minh bạch nhất để tránh thất thoát, đem lại nguồn thu cho Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở để không ít người lợi dụng. Để ngăn chặn tình trạng này, theo nhiều chuyên gia cần sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu “chân gỗ, quân xanh, quân đỏ”.
Nâng cao hiệu quả "đất vàng" TPHCM: Xử lý tồn tại, minh bạch dự án ảnh 1 Dự án 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4) có nguồn gốc đất công, nằm trong diện thanh tra. Ảnh: TRÀ GIANG  
Thu hồi đất sử dụng sai mục đích
Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TPHCM về việc sử dụng đất công trên địa bàn vào đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các sở, ban ngành đều cho rằng các đơn vị sử dụng sai mục đích phải thu hồi để tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai trên địa bàn.  Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho rằng, đối với các đơn vị đang thuê đất công, nếu sử dụng đúng mục đích cho tiếp tục sử dụng còn không sẽ thu hồi, thực hiện sắp xếp theo Quyết định 09 hoặc giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Đối với các quỹ đất đơn vị quản lý cắt giao cho cán bộ công chức ở, nay Nhà nước thu hồi nhưng cố tình không thực hiện, TP yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để xử lý theo quy định của pháp luật.  Liên quan đến kiến nghị của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án BĐS, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là hoạt động bình thường, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định, từ việc thu hồi, đình chỉ hoặc nộp bổ sung tài chính, kể cả xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan...
Được biết, Sở Xây dựng TPHCM đang tiến hành rà soát tất cả dự án có nguồn gốc đất công từ năm 2013 đến nay và sẽ báo cáo UBND TP. Sau đó, TP sẽ báo cáo Chính phủ đầy đủ, phân loại từng trường hợp, dự án nào ngưng cho ngưng, dự án nào cho làm sẽ tiếp tục triển khai, tinh thần là công khai minh bạch. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho rằng quỹ đất công phải được đem đấu giá, tạo nguồn vốn cho TP. Hiện nay TP rất khó khăn, vì các quỹ đất này trước đây giao cho các đơn vị quản lý, nhưng sau đó các đơn vị này lại cắt giao cho cán bộ, công chức, nay thu hồi lại rất khó khăn. Liên quan các quỹ đất được TP giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất hiện nay cho thuê ngắn hạn, toàn bộ tiền thu được nộp cho ngân sách.

Các tin khác