Muôn kiểu né thuế thời đại 4.0

(ĐTTCO) -  Với dân số trẻ, Việt Nam là quốc gia phổ cập rất nhanh về internet và điện thoại di động, đây là nền tảng vững chắc để phát triển thương mại điện tử (TMĐT).
Muôn kiểu né thuế thời đại 4.0

 Nhiều doanh nghiệp (DN), người dân đã tận dụng lợi thế TMĐT để quảng bá thương hiệu và giao dịch qua mạng trên quy mô quốc gia và toàn cầu. Tuy nhiên, việc thu thuế các giao dịch TMĐT của cơ quan thuế đang gặp khó khăn, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, bởi hành vi trốn thuế cũng tinh vi diễn ra trên mọi quy mô.

Lớn nhỏ đều né thuế
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2015 doanh thu của Google đạt 2.200 tỷ đồng, Facebook đạt 3.000 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020, doanh thu các công ty kinh doanh dịch vụ đặt phòng online như Agoda, Booking, Traveloka ước đạt 1,25 tỷ USD. Tuy nhiên, việc thu thuế từ các ông lớn này là điều không dễ dàng. Đơn cử như trang web nước ngoài tại Việt Nam Hotels.com với doanh thu khủng nhưng không chịu nộp thuế theo quy định.
 Phần lớn giao dịch TMĐT cung ứng dịch vụ trên nền tảng internet, điện thoại để buôn bán hàng hóa, dịch vụ rồi thu tiền qua visa, thẻ tín dụng của các ngân hàng, nên việc quản lý này hiện nay rất phức tạp. Những năm gần đây, tại Việt Nam khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin về loại hình TMĐT, kinh tế sẻ chia cũng đã bắt đầu phát triển, điều cần làm là quản lý tốt, tạo cơ chế để họ tin tưởng đăng ký kinh doanh và thu được thuế. 
Nguyễn Thị Cúc,
Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam
Trong khi đó, các DN, đại lý tại Việt Nam phải bỏ tiền ra nộp thay cho họ. Đó là trường hợp Công ty Du lịch Sài Gòn Mũi Né trong nhiều năm phải trả tiền thuế nhà thầu thay cho Booking.com, nhưng không được phía Booking.com khấu trừ.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Bộ Tài chính đã yêu cầu các trang kinh doanh như Booking.com phải nộp thuế 5% VAT và 5% thuế thu nhập DN trên doanh thu.
Theo đó, đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở này phải khai, nộp thuế. Nếu khách hàng trả tiền cho nhà thầu nước ngoài, cơ sở lưu trú phải thông báo cho các trang này biết nghĩa vụ và phải khai, nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài. 
Việc truy thu thuế các giao dịch TMĐT không chỉ phức tạp với DN kinh doanh trên quy mô toàn cầu, mà cả với DN buôn bán trong nước. Mới đây, Cục Thuế TPHCM đã truy thu 1 hộ kinh doanh bán các loại mỹ phẩm qua mạng vì có hành vi né thuế số tiền 9,1 tỷ đồng. Song việc thu thập thông tin về cá nhân này chỉ được Cục Thuế TP thực hiện sau khi nhận được đơn tố cáo. Kết quả chênh lệch doanh thu kê khai và doanh thu thực tế chuyển vào tài khoản cá nhân của hộ kinh doanh này lên đến hơn 400 tỷ đồng. 
Theo đó, hộ này bắt đầu kinh doanh qua mạng từ năm 2013 với doanh thu khoảng 120 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 95 tỷ đồng và đến năm 2016 đạt 344 tỷ đồng. Quá trình thu thập thông tin cho thấy trước khi chuyển sang kinh doanh qua mạng dưới hình thức hộ cá thể, cá nhân này đã là chủ 1 DN có đăng ký kinh doanh tại quận 10.
Việc cá nhân này ngưng hoạt động DN để ẩn mình kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể kê khai tại Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, toàn bộ số tiền thu được trong kinh doanh đều chuyển vào tài khoản cá nhân, cho thấy có hành vi né thuế rất tinh vi. Hiện cơ quan thuế TPHCM đang tiếp tục chỉ đạo rà soát mở rộng ra các cá nhân mua hàng từ người này để bán lại xem có kê khai thuế không, bởi hộ kinh doanh này không những sử dụng Facebook để để bán hàng trực tiếp mà còn bỏ mối hàng cho hàng trăm đại lý trong và ngoài nước.

Ngành thuế phải chạy theo
Theo Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm, với những hoạt động TMÐT trong nước biện pháp thu thuế tương đối dễ. Còn hoạt động trên mạng, giao dịch, thanh toán toàn cầu ngành thuế vẫn đang… tìm hiểu để có biện pháp xử lý. Cụ thể, hiện cả nước có khoảng 297 sàn giao dịch điện tử, hơn 8.100 website bán hàng trên mạng, 73 mạng xã hội được cấp phép hoạt động.
 Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT không chỉ là bài toán khó với ngành thuế, mà là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới nói chung. Do đó, việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Việt Nam đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Ông Đặng Ngọc Minh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Còn trên Facebook, tại TPHCM có 13.469 thành viên quảng bá sản phẩm, bán hàng trên các sàn giao dịch, qua các trang web, trong đó có rất nhiều DN lớn tham gia kinh doanh. Hiện có một số đơn vị đăng ký, nộp thuế, nhưng với một số trường hợp chưa đăng ký, thông qua các nickname trên Facebook ngành thuế đã nhận dạng và tác động để người tham gia có ý thức, trách nhiệm nộp thuế. Đến nay, ngành thuế TPHCM đã cập nhật được khoảng 3.000 tài khoản thường xuyên quảng cáo trên Facebook, phát hiện, truy thu một số trường hợp kinh doanh TMÐT và phạt hơn 21 tỷ đồng. 
Trên phạm vi cả nước, kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy trong quý III-2017 đã thực hiện 35.355 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 5.777 tỷ đồng, trong đó phát hiện và kiến nghị thu hồi 5.188 tỷ đồng, kiến nghị khác 589 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.126 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4.275 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm nay ngành tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách 8.928 tỷ đồng. Tính riêng ngành thuế trong 9 tháng thực hiện thanh tra, kiểm tra 57.935 cuộc, kiến nghị thu hồi 9.616 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Lai, quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), cho biết tính đến thời điểm hiện nay toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 217 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Truy thu, truy hoàn và phạt số tiền lên tới 575,75 tỷ đồng. Riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 256,21 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.748,67 tỷ đồng.
Theo đại diện Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nhiều DN hoạt động TMĐT có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhưng nộp ngân sách không đáng kể. Đa số DN tự khai báo doanh thu, tự tính toán cân đối số tiền nộp thuế và tự nộp cho Nhà nước, điều này gây thất thu cho ngân sách và mất công bằng trong quản lý thuế.
Cũng theo vị này, lĩnh vực hoạt động của các DN TMĐT tại Việt Nam rất nhiều, từ cung ứng dịch vụ đi lại, nghỉ dưỡng, làm đẹp, trò chơi online đến cả hàng hóa tiêu dùng, nhưng chưa thu được lượng thuế tương ứng đối với doanh thu và lợi nhuận của các DN, hộ kinh doanh qua mạng.
Thực tế tại Việt Nam đang tồn tại khá nhiều hãng, DN hoạt động cung ứng dịch vụ TMĐT theo hình thức kinh tế sẻ chia. Nhiều hãng hoạt động trên nền tảng công nghệ, kinh tế số hóa như dịch vụ gọi xe Uber, sàn TMĐT, dịch vụ game online... Tuy nhiên, hầu như các dịch vụ này đều không đăng ký kinh doanh theo đúng ngành nghề quy định. Chẳng hạn, Uber đăng ký kinh doanh theo dịch vụ cung ứng công nghệ thông tin, nhưng thực chất hoạt động dịch vụ vận tải, hành khách. Đây cũng là cách lách thuế bằng hình thức kê khai hoặc đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với loại hình dịch vụ.
Ðại diện một trang TMÐT cho biết mạng xã hội rất rộng lớn, hoạt động xuyên biên giới, người kinh doanh trên mạng đa dạng, quy mô khác nhau. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ, thu người này không thu người kia sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành TMÐT Việt Nam. Nhưng thu được thuế bán hàng qua Facebook rất khó, chẳng hạn cơ quan thuế phải xây dựng đội ngũ nhân lực rất lớn để thường xuyên giám sát, xác định đối tượng thu.
Vì nếu chỉ TPHCM thu thuế, người kinh doanh sẽ chuyển sang nơi khác hoạt động… Quan điểm là không nên bóp chết họ, hãy để họ hoạt động và tạo cơ chế tốt để họ công khai hình thức hoạt động, từ đó thu thuế tốt. Điều đó có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân tham gia kinh doanh.
Muôn kiểu né thuế thời đại 4.0 ảnh 1 Hàng ngàn website, hàng chục ngàn thành viên công khai buôn bán hàng trên các sàn giao dịch đang là thách thức cho ngành thuế 
Đang tìm cách truy thu
Để thu thuế các giao dịch TMĐT hiệu quả hơn, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Agoda, Booking… khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Hiện Google, Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua các đại lý trong nước và mua bán, thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, DN trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ, bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh, kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Nhiều chuyên gia về kinh tế nhận định, việc thu thuế với Google, Facebook… là phù hợp, vấn đề là cách thức thu như thế nào. Khách hàng mua quảng cáo, dịch vụ của Google, Facebook đa phần đều trả bằng thẻ tín dụng Visa, Master, các thẻ này hầu hết cấp phát qua đại lý ngân hàng Việt Nam. Do đó, chỉ cần lấy số liệu từ giao dịch thẻ Visa, Master từ ngân hàng chuyển vào tài khoản Facebook, Google là có thể biết được doanh số phát sinh để tính thuế. 
Theo quy định tất cả DN có hoạt động kinh doanh sinh lợi đều phải đóng thuế. Vấn đề hiện nay là Chính phủ cũng cần có thỏa thuận tư pháp với các quốc gia như Hoa Kỳ về việc nộp thuế của Google, Facebook. Có thể tiến hành đàm phán để có sự tương trợ song phương về mặt tư pháp để làm nền tảng pháp lý cho việc yêu cầu các DN này nộp thuế. Và cần phải truy thu thuế các DN này để tránh tạo ra sự bất bình đẳng với các DN khác. Nhưng để truy thu được thuế của các hoạt động TMĐT cần có luật, giải pháp, phương pháp cụ thể… mới đạt hiệu quả.

Các tin khác