Môi trường an toàn, minh bạch

(ĐTTCO) - DNTN được đánh giá là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế, với nhiều đóng góp như tạo ra việc làm, ổn định xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn chưa thể phát huy hết tiềm lực và dư địa phát triển. 
Môi trường an toàn, minh bạch
Trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định để DNTN phát triển bền vững cần hỗ trợ nhiều mặt, quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ về môi trường pháp lý an toàn và minh bạch.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Để thực hiện được mục tiêu này, khối DNTN cần sự hỗ trợ gì của Nhà nước?
 Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng. Vấn đề còn lại là làm sao thật sự tạo được môi trường pháp lý ổn định để DNTN có điều kiện phát triển, thay vì ra luật, sửa luật triền miên.
TS. TRẦN DU LỊCH: - Hiện nay, 700.000 DN thuộc khu vực tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhanh của nền kinh tế. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, trong đó lực lượng DN đóng góp 70%, trong khi 3 triệu hộ kinh doanh cá thể đóng góp đến 30%.
Vì vậy, vấn đề đặt ra làm sao đưa DNTN phát triển đúng tầm. Hiện nay, điều DN cần là môi trường pháp lý an toàn, minh bạch và tạo chỗ dựa để DN tin vào tương lai. Thực tế chúng ta không thiếu luật cho thị trường vận hành, nhưng thực thi pháp luật vẫn còn nhiều sự chồng chéo, mâu thuẫn, văn bản dưới luật vô hiệu luật, tuổi thọ của luật ngắn tạo nên yếu tố bất ổn, áp dụng luật thay vì vận dụng luật, và những tiêu cực trong thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng trong kinh doanh ở khía cạnh thực thi pháp luật chưa nghiêm, còn tình trạng gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, cạnh tranh bất chính… ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính. Đồng thời, niềm tin vào bộ máy công quyền vẫn chưa cao. 
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh 2 nguy cơ là bẫy thu nhập trung bình và dân số chưa giàu đã già. Để tránh 2 nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới.
Chúng ta đang ở trong thời đại sự thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô DN lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới, sáng tạo. DN Việt Nam đang cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế, ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường, bổ khuyến cho những khuyết tật của thị trường.
Vì vậy, để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển quốc gia, không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời, vì đây là chuyện của thị trường. 
- Hiện DN Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào vốn NH để hoạt động. Ông nhận định như thế nào về việc hỗ trợ vay vốn của các NHTM đối với DNTN hiện nay?
- Hiện nay NH thanh khoản tốt, đủ tiền để cho vay, ngành NH cũng phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với DN. Như vậy NH rất khát khao cho vay đối với DN làm ăn tốt, thậm chí có dòng tiền tốt. Những DN tốt luôn tiếp cận rất dễ dàng, thậm chí được vay với lãi suất thấp 5-6%/năm. Còn những DN chưa có thương hiệu gặp khó khăn, vì muốn vay phải có dự án tốt, có cách tiếp cận đúng.
Theo tôi, để hỗ trợ DNTN phát triển, NH nên xem xét cho vay đối với những đối tượng DN tuy khó khăn về tài sản thế chấp, nhưng lịch sử không vướng nợ nần và có phương án kinh doanh tốt. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nên cho vay để tái cơ cấu lại DN, phát triển đầu tư mới, đổi mới công nghệ. Đó là những điều cần thiết để thúc đẩy khu vực DNTN lớn mạnh.
Đồng thời, để có nguồn vốn bền vững, phía DN cũng cần cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ vay vốn NH, tìm vốn từ các kênh khác như TTCK, trái phiếu DN...
- Để có thêm kênh hỗ trợ tài chính cho DNTN phát triển, ngoài nguồn vốn NH, đã có nhiều đề xuất thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng đến nay vẫn chưa thúc đẩy được hình thức này, nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Thật sự quỹ đầu tư mạo hiểm được khuyến khích, nhưng khu vực tư nhân lập quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ dễ dàng hơn khu vực nhà nước. Vì khi đầu tư mạo hiểm có thể đầu tư 5-7 dự án, nhưng chỉ 1-2 dự án thành công còn lại có thể mất tiền.
Đối với khu vực tư nhân, đầu tư mạo hiểm có thất bại cũng không sao, nhưng khu vực nhà nước lại không được. Thông thường đầu tư mạo hiểm chỉ có những quỹ đầu tư lớn, có năng lực thật sự triển khai, như 10 năm trước quỹ đầu tư mạo hiểm IDG đã làm khi đầu tư vào công nghệ cao. 
Hiện nhu cầu gọi vốn đầu tư mạo hiểm vào những dự án đang nghiên cứu sản xuất thử rất nhiều nhưng không ai dám làm. Nếu tư nhân phát triển được rất tốt, nhất là trong giai đoạn này.
Một số NH nói rất muốn lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng do vướng cơ chế không thực hiện được. Nếu NH phối hợp với các tổ chức khác thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập, luật không cấm. Nguyên nhân chính do quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thực sự hấp dẫn, không phải do trói buộc pháp lý.
- Hiện nay một số vướng mắc đã kìm hãm sự phát triển của DNTN không chỉ do cơ chế mà còn từ chính DN. Ý kiến của ông về thực tế này?
- Đối với việc DNTN Việt Nam chậm lớn, có những vấn đề liên quan đến thể chế chính sách đang cải thiện và từ chính DN. Thủ tướng đã nhiều lần gặp các tập đoàn tư nhân, qua đó chỉ rõ vấn đề nổi lên ở đây là bản thân các DNTN trong nước liên kết thực sự chưa tốt, chưa ngồi với nhau được. Khi có DN làm ăn được, lại xuất hiện DN làm gian làm dối, ăn cắp nhãn hiệu, ăn cắp thương hiệu, làm hàng giả.
Có DN làm ăn chân chính hàng chục năm nhưng chỉ cần DN khác làm hàng giả sẽ tác động mạnh đến họ.
Ở đây, ngoài vai trò của Nhà nước phải nghiêm trị hàng gian hàng giả phá hoại thị trường, khu vực tư nhân phải có những hiệp hội hoạt động hiệu quả, có chế tài với những DN gian dối. Khi phát hiện DN làm ăn gian dối, hiệp hội phải mạnh tay phải loại trừ, tạo môi trường cho DN chân chính phát triển.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác