Mở thêm cửa để hút vốn ngoại

(ĐTTCO) - Đẩy mạnh CPH các DNNN lớn giai đoạn 2016-2020 cũng đồng nghĩa với việc làm tăng lượng cổ phần được đưa ra chào bán. 
Mở thêm cửa để hút vốn ngoại
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sức cầu thị trường trong nước có hạn để hỗ trợ CPH DNNN được hiệu quả, nên quan trọng cần có giải pháp thu hút dòng vốn ngoại.
Sức hút rất lớn

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI kể: “Khi gặp gỡ các đối tác Nhật Bản trong lần tham gia đoàn công tác của Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rất nhiều DN Nhật Bản đã đăng ký tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Tokyo.
Thậm chí, có tin đích thân Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng tham gia diễn đàn. Sự kiện Thủ tướng Nhật Bản tham gia là vô cùng hiếm hoi, chứng tỏ Nhật Bản nói chung và các DN Nhật Bản nói riêng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, vấn đề còn lại làm thế nào để Việt Nam mời được họ vào và giữ chân họ đầu tư cùng có lợi”.

 Hiện tổng số tiền NĐTNN rót vào chứng khoán Việt Nam đạt hơn 18,5 tỷ USD, song vẫn còn 1,5 tỷ USD nữa trong tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài chưa được giải ngân. Và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những điểm sáng của khu vực về thu hút dòng vốn ngoại, khi NĐTNN đã mua ròng hơn 220 triệu USD trên TTCK, tăng 30% cùng kỳ. 
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết các DN Nhật Bản “có chút lo ngại” khi Việt Nam chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các DN do bộ chủ quản đảm nhiệm (như Bộ Công Thương với chức năng vừa quản lý nhà nước, vừa đại diện vốn nhà nước và vừa quản lý thị trường), sẽ không đảm bảo tính minh bạch và giảm tính cạnh tranh của các DN, và họ sẽ chuyển suy nghĩ này đến Thủ tướng tại diễn đàn lần này.
“Ra nước ngoài tiếp xúc mới thấy, Việt Nam đang có sức hút rất lớn với cộng đồng DN quốc tế, thực sự họ có tầm nhìn xa hơn những DN trong nước của chúng ta rất nhiều. Khác biệt về tầm nhìn cũng như khác biệt về quan điểm phát triển bền vững của doanh nhân trong và ngoài nước đang là rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư” - ông Hưng nói.

Tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế năm 2017” tổ chức tháng 3 vừa qua, ông Don Lam, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital, nhận định năm 2017 dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ vào nhiều hơn ra, nhưng lượng vốn vào không lớn do thị trường chứng khoán (TTCK) không có nhiều sản phẩm.
Do đó, để thu hút vốn ngoại, bên cạnh phải thêm các sản phẩm mới Việt Nam cũng cần CPH thêm nhiều tập đoàn, DNNN, khi đó dòng vốn nước ngoài sẽ vào nhiều.

Tỷ lệ SHNN đã mở nhưng không vào được

Một trong những giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại mà UBCKNN, Bộ Tài chính đang làm là sửa đổi một số bất cập, hạn chế hiện nay và bổ sung vào Luật Chứng khoán sửa đổi sắp tới.
Theo UBCKNN, tỷ lệ sở hữu nước ngoài (SHNN) của các công ty đại chúng (CTĐC) hoạt động trên TTCK được quy định tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được đầu tư không hạn chế vào các CTĐC mà ngành nghề không có quy định về tỷ lệ SHNN thuộc điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể tỷ lệ SHNN...
Quy định này phù hợp với cam kết WTO và các cam kết tại các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế khác mà Việt Nam tham gia; phù hợp với thông lệ quốc tế; tháo gỡ một phần về dòng vốn đầu tư ngoại cho các CTĐC (nhất là các công ty luôn kín room nước ngoài ở mức 49%) khi được phép tăng tỷ lệ SHNN vượt mức 49% hoặc đạt mức 100% theo quy định. 

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 60 và các văn bản hướng dẫn liên quan khác có hiệu lực đến nay, thực tiễn triển khai thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và vướng mắc. Đó là đa số các CTĐC đều đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Đối với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc không quy định tỷ lệ SHNN mà chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của NĐTNN. Việc pháp luật chuyên ngành về chứng khoán phải xác định tỷ lệ SHNN đối với CTĐC hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nêu trên là khó chính xác, không thực sự phù hợp, thống nhất với pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan, DN sẽ bị áp dụng một số hạn chế như: phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐTNN khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; chịu các ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với các DN trong nước; không được phép thực hiện một số ngành, nghề kinh doanh đối với NĐTNN theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam...
Do vậy, trên thực tế nhiều NĐTNN “chưa mặn mà” với chính sách tăng tỷ lệ SHNN, có trường hợp một số DN không bị giới hạn tỷ lệ SHNN nhưng tự ấn định một tỷ lệ SHNN thấp hơn pháp luật quy định. 

Những đề xuất sửa đổi

Trong đề xuất Luật Chứng khoán sửa đổi, UBCKNN đề nghị thay đổi các quy định hiện hành liên quan. Theo đó, quy định SHNN tại CTĐC sẽ sửa đổi theo hướng: đối với những ngành, nghề không quy định tại biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với NĐTNN không quy định về SHNN, thì tỷ lệ SHNN được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100% thay vì mức 49% như hiện tại, sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế SHNN đối với lĩnh vực ngành, nghề đó. 

Đối với định nghĩa tỷ lệ SHNN tại CTĐC: bổ sung định nghĩa theo hướng tỷ lệ SHNN là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả NĐTNN và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư ngoại nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, tính trên tổng số vốn điều lệ của một CTĐC...

Theo đánh giá tác động của UBCKNN, việc này sẽ tăng hiệu quả hoạt động của các DN trong nước do phải tự đầu tư, nâng cao năng lực trong điều kiện cạnh tranh cao với các đối tác nước ngoài; tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Về tiêu cực, hoạt động của các DN nhỏ trong nước bị ảnh hưởng do cạnh tranh của những DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tùy theo chính sách của quốc gia lĩnh vực mà có những quy định cụ thể để kiểm soát hoạt động đầu tư (cấm đầu tư, đầu tư theo tỷ lệ, đầu tư có điều kiện, việc sử dụng lao động trong nước…).

Các tin khác