SAU CHUYẾN THĂM ĐỨC VÀ HÀ LAN CỦA ĐOÀN TPHCM

Mô hình hay sẽ áp dụng cho TPHCM

(ĐTTCO) - Ngay sau khi đoàn lãnh đạo TPHCM cùng với một số sở ngành trở về sau chuyến công tác trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại Đức và Hà Lan về quản lý và phát triển đô thị, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, về những vấn đề liên quan đến việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển để áp dụng vào phát triển độ thị TPHCM, khi TP đang đối mặt với nhiều “căn bệnh” đô thị.

 PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau chuyến công tác vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã làm cụ thể những việc gì cũng như học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị?
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN: - TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ rất cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được, TP cũng bộc lộ những yếu kém như ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe; những vấn đề phát sinh từ dân nhập cư như nhà ở, việc làm… Trong khi đó, những vấn đề này mà đoàn TP đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, họ đã từng trải qua và đúc kết được những bài học rất quý báu. Do đó lãnh đạo TP cùng với các sở ngành muốn tiếp cận giải pháp, giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. 
Mô hình hay sẽ áp dụng cho TPHCM ảnh 1
Trong chuyến công tác kéo dài 6 ngày, đoàn công tác đã có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, viện, trường, doanh nghiệp và quan chức chính phủ các nước sở tại. Lãnh đạo TPHCM đã ký các thỏa thuận ghi nhớ với Bộ Quản lý Tài nguyên nước và Hạ tầng Hà Lan, về chương trình quản lý nước tổng hợp cho TPHCM; ký chương trình hợp tác dài hạn, hỗ trợ các giải pháp khắc phục ngập nước của TPHCM đồng bộ, và đảm bảo cung cấp nước sạch cho 10 triệu người dân TP trong tương lai.
  Đức và Hà Lan được xem là thủ phủ về công nghệ cao, AI, nên khi làm việc với các chuyên gia chúng ta có tầm nhìn về 4.0 và ứng dụng AI trong khoảng 5 năm tới.
Đoàn cũng tham quan cơ sở xử lý nước thải bằng vi sinh của Hà Lan; tìm hiểu hệ thống đê bao ngăn nước biển dâng. Qua đó, chúng ta tìm kiếm được mô hình cụ thể, xác định được những đối tác lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu của TPHCM về chống ngập, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. 
Tại Đức, lãnh đạo TPHCM ký chương trình hợp tác với thị trưởng TP Frankfurt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính. Có thể nói, qua chuyến đi TP đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, mô hình quý báu về quản lý, phát triển đô thị tại các nước phát triển như Hà Lan và Đức.
- Vậy những mô hình của các nước có thể giúp TP giải quyết những tồn tại hiện nay trong quản lý đô thị như chống ngập úng, kẹt xe, ô nhiễm, nhà ở cho người nghèo… như thế nào?
- Thí dụ, hệ thống đê đa chức năng chống nước biển tại Hà Lan, chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng vào chương trình di dời, cải tạo nhà ven, trên kênh rạch. Theo đó, dọc các dòng kênh, bờ sông có thể vừa là đê chống triều cường, vừa là đường giao thông, tạo cảnh quan du dịch. Hay như học hỏi kinh nghiệm xử lý nước thải bằng vi sinh để cải tạo chất lượng nước các dòng kênh của TP thành những dòng kênh xanh mát trong tương lai… 
Hiện nay, TP đang triển khai đề án xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo, nên lãnh đạo TP rất quan tâm ứng dụng khoa học và công nghệ để xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Do vậy trong chuyến đi, đoàn đã làm việc tại TP Eindhoven (Hà Lan) và TP Damrstadt (Đức), được xem là thủ phủ về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) của 2 nước.
Các TP này đã cung cấp các mô hình rất tốt cho TPHCM. Làm việc với các chuyên gia ở 2 TP giúp chúng ta có tầm nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng AI trong khoảng 5 năm tới.
Mô hình hay sẽ áp dụng cho TPHCM ảnh 2 Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 2 từ phải qua); ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (bìa phải) cùng đoàn cán bộ TPHCM tham quan mô hình đê đa chức năngtại Rotterdam. Ảnh: MINH PHONG
Qua gặp gỡ, phía bạn cũng bày tỏ sẵn sàng nhận cán bộ của TPHCM sang đào tạo để chuẩn bị cho sự hợp tác về AI sau này. Hay tại Hà Lan, chúng ta tham quan phòng thí nghiệm sống.
Đây là khu dân cư rộng 150ha, dự kiến 5.000 dân, nơi sẽ thử nghiệm những vấn đề đặt ra trong tương lai. Tại đây, không chỉ công nghệ, môi trường, mà hành vi ứng xử của con người trong môi trường ấy, từ đó rút ra những quyết định quý báu khi triển khai vào thực tiễn.
Mô hình này giúp chúng ta thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, đánh giá tác động và cả hậu quả xã hội không tốt (nếu có), để điều chỉnh kịp thời trước khi triển khai trên quy mô lớn. Điều này giúp chúng ta hình dung bức tranh xã hội trong tương lai gần khi có ứng dụng công nghệ mới hay hành vi xã hội nào đó lan tỏa trong xã hội.
- Trong chuyến công tác lãnh đạo TP còn tổ chức 2 hội nghị, gặp gỡ doanh nghiệp nước bạn và Việt kiều để mời gọi đầu tư vào một số lĩnh vực tại TP, kết quả ra sao thưa ông?
- Tại các hội nghị này, nhiều doanh nghiệp Hà Lan và Đức bày tỏ quan tâm đầu tư vào TPHCM. Thí dụ, có doanh nghiệp nêu mong muốn đầu tư chế phẩm nano giúp tăng năng suất lúa cũng như phục vụ ngành chăn nuôi Việt Nam. Họ rất thiết tha đầu tư vào TPHCM, làm căn cứ cung cấp chế phẩm cho Việt Nam và cả vùng.
Đặc biệt, chúng tôi rất vui khi gặp gỡ bà con Việt kiều tại Đức và Hà Lan, họ mong muốn đầu tư về Việt Nam. Trong đó có doanh nghiệp muốn đầu tư dự án biến rác thành điện tại TPHCM. 
Hiện nay TPHCM có hơn 200 dự án đang kêu gọi đầu tư, trong đó nhiều dự án liên quan đến hạ tầng, đô thị, môi trường. Đây là các lĩnh vực thế mạnh của Đức và Hà Lan. Chúng tôi kỳ vọng sắp tới sẽ chào đón được các nhà đầu tư đến từ 2 quốc gia này.
Qua chuyến đi Hà Lan và Đức, chúng ta hiểu hơn sự phát triển của thế giới, xem họ phát triển thế nào, gặp vấn đề gì, từ đó rút ra những bài học cho mình.
Tại các buổi làm việc với chính quyền, doanh nghiệp, giới khoa học, chúng ta tìm được những giải pháp, mô hình hay giúp phát huy thế mạnh của TPHCM. Ngoài ra chúng ta gắn kết được những tổ chức, trường đại học, công ty trở thành đối tác lâu dài của TP trong 5-10 năm tới. TPHCM kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư, giúp TP nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển, đồng thời đem lại lợi ích cho nước bạn. 
Nói chung, những học hỏi kinh nghiệm qua chuyến đi sẽ được lãnh đạo TP lên kế hoạch cụ thể để triển khai sớm, nhằm áp dụng những thành tựu các nước đi trước vào thực tiễn của TP, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.
 TPHCM có hơn 200 dự án liên quan đến hạ tầng, đô thị và môi trường đang mời gọi đầu tư. Hy vọng sẽ chào đón các nhà đầu tư từ Đức và Hà Lan, vì đây là các lĩnh vực thế mạnh của họ.

Các tin khác