Minh bạch, công khai lựa chọn phương án thực hiện

(ĐTTCO) - Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, với quy mô tổng đầu tư  lớn đang đặt ra nhiều thách thức. ĐTTC ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.
 
Cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đoạn tuyến qua địa phận xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai với địa hình rất hiểm trở khi phải xẻ núi.
Cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đoạn tuyến qua địa phận xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai với địa hình rất hiểm trở khi phải xẻ núi.
Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ GTVT:

Đảm bảo quyền lợi các bên

Để khắc phục những khiếm khuyết, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ 8 dự án BOT. Đấu thầu lần 1 không xong chúng tôi sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để tiếp tục đấu thầu lần 2, lần 3 để chọn NĐT.
Hiện nay luật vẫn cho phép đấu thầu lần 1 không thành công và có 1 NĐT đăng ký thì được quyền chỉ định, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đấu thầu để làm sao thực hiện công khai, minh bạch, không chỉ định thầu. Nếu trường hợp chậm và không sử dụng hết vốn NS, chúng tôi xin cơ chế Quốc hội sẽ ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sử dụng hết 55.000 tỷ đồng NSNN.
Về thu phí, chúng tôi sẽ tổ chức thu phí kín, có nghĩa phương tiện vào, ra, đi bao nhiêu km sẽ trả tương ứng chừng đó tiền. Chúng tôi sẽ đưa vào công nghệ thu phí tự động để làm sao việc đi lại thuận lợi và đảm bảo nguồn thu công khai, minh bạch. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng, quyết toán kịp thời để xác định rõ từng dự án đã đầu tư bao nhiêu, từ đó có phương án thu phí nhằm đảm  bảo quyền lợi NĐT cũng như người dân. Đây là trục đường mới nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi lên đường cao tốc, còn không chấp nhận có thể chọn lựa những con đường hiện nay đang có.
Dự án có nhiều dự án thành phần với quy mô khác nhau. Do đó NĐT có tiềm lực nhỏ có thể tham gia dự án nhỏ, NĐT lớn tham gia dự án lớn. Để chọn được NĐT lành mạnh, có năng lực ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai chúng tôi còn yêu cầu vốn chủ sở hữu của NĐT ít nhất 15-20% trên tổng vốn đầu tư, tăng so với 10-15% làm Quốc lộ 1 trước kia. Điều lo lắng hiện nay là đấu thầu dự án còn phụ thuộc vào ngân hàng, nếu ngân hàng không cho vay cũng rất khó.
Vì thế, sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với NHNN, với Chính phủ để đề xuất cơ chế hợp lý. Thí dụ thành lập quỹ hay gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện bỏ kinh phí vào gói đó.
TS. HOÀNG QUANG HÀM, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Đặt trạm BOT đúng vị trí

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó có 3 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn NS. Đây là những đoạn có thể tạo đột phá, như cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo động lực đẩy nhanh tiến độ 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
3 dự án này thực sự cần thiết phải đầu tư công để tạo nền tảng đột phá cho những dự án khác. Vì thế, để khắc phục những sai sót, hạn chế cần đảm bảo tiêu chí để đánh giá năng lực và lựa chọn NĐT, quy định chặt chẽ để đảm bảo NĐT thực góp vốn.
Đồng thời, BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, quy định về tham vấn và lấy ý kiến người dân, vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ phải nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng.
TS. TRẦN HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội TPHCM:

Cần dự liệu phát sinh

Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phát triển du lịch, khắc phục những hạn chế của ngành giao thông hiện nay… Thực tế cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào điểm số về kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, Chính phủ cần dự liệu con số phát sinh của dự án, vì chắc chắn với dự án lớn, làm trong thời gian dài, trên diện rộng sẽ có nhiều phát sinh cần được tính toán. Công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 8.000 hộ dân nên phải bảo đảm tính minh bạch, công khai.
Công khai sớm dự kiến giá phí đường bộ để nhân dân có ý kiến, và dự kiến mức phí 1.500 đồng/km trong 2 năm đầu tiên cũng cần tính toán thật kỹ cho hiệu quả. 
Ông NGUYỄN VĂN THẮNG,Chủ tịch HĐQT VietinBank:

Huy động vốn hợp lý

Với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, việc huy động nguồn lực theo 3 hướng: huy động từ nước ngoài, NĐT và ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông khó huy động vốn nước ngoài vì phải có bảo lãnh Chính phủ trong khi Chính phủ đã không bảo lãnh việc vay này.
Mặt khác, NĐT nước ngoài có nhiều lựa chọn đầu tư cơ sở hạ tầng ở các quốc gia. Để huy động được vốn nước ngoài đòi hỏi cơ chế chính sách minh bạch, đặc biệt mới hy vọng kêu gọi được.
Về vốn trong nước, mỗi dự án thấp cũng vài ngàn tỷ đồng, cao thì chục ngàn tỷ đồng. Vì thế, để có tối thiểu 15% tổng vốn theo quy định, 1 NĐT sẽ không đủ sức mà phải nhiều NĐT cùng hợp tác, bên cạnh đó phải có sự tham gia của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đánh giá đầu tư dự án BOT có rủi ro cao nên đã hạn chế xem xét cho vay. Do đó, cần phải tính toán phương án huy động hợp lý để thay thế.
Thực tế các dự án trên chưa đấu thầu đã biết là khó. Do vậy, cần có phương án phân đoạn hợp lý và tính toán nguồn lực ở đâu. Nếu có chính sách kêu gọi ngân hàng thương mại tham gia cũng phải có cơ chế rõ ràng. Các dự án BOT vừa qua bị đình trệ trong thu phí, ngân hàng không có lỗi vì họ tham gia trên cơ sở hợp đồng. Nhưng nếu trường hợp này vẫn kéo dài, ngân hàng sẽ khó thu lại vốn cho vay, dẫn tới rủi ro về nợ xấu.

Các tin khác