CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỀ

Linh hoạt ứng phó cú sốc USD

(ĐTTCO) - Trong khoảng 10 ngày qua, đồng USD liên tục tăng giá. Trong khi đó, những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu, cũng là thời điểm Chính phủ và doanh nghiệp trả nợ nước ngoài nên cầu ngoại tệ rất lớn. Tuy nhiên, trong xu hướng đang tăng của đồng bạc xanh so với nhiều đồng tiền khác, nhiều chuyên gia cho rằng không nên cố gắng neo giữ tỷ giá tiền đồng vì có thể gây bất lợi cho sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và tạo áp lực đầu cơ găm giữ.

(ĐTTCO) - Trong khoảng 10 ngày qua, đồng USD liên tục tăng giá. Trong khi đó, những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu, cũng là thời điểm Chính phủ và doanh nghiệp trả nợ nước ngoài nên cầu ngoại tệ rất lớn. Tuy nhiên, trong xu hướng đang tăng của đồng bạc xanh so với nhiều đồng tiền khác, nhiều chuyên gia cho rằng không nên cố gắng neo giữ tỷ giá tiền đồng vì có thể gây bất lợi cho sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và tạo áp lực đầu cơ găm giữ.

Tỷ giá biến động mạnh

Tỷ giá USD/VNĐ đã có 1 tuần biến động mạnh kể từ sau sự kiện Brexit hồi tháng 6-2016, khi giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ trong vài ngày đã tăng vọt hàng trăm đồng mỗi USD. Các NH liên tục niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần. Giá giao dịch USD tại các NH thời điểm cuối tuần vẫn neo ở mức cao so với phiên đỉnh ngày 24-11 và đã tăng 170-200 đồng mỗi USD so với thời điểm trước đó.  

Có 2 kịch bản: Giữ ổn định tiền đồng như hiện nay, hoặc điều chỉnh để tăng tỷ giá. Nếu giữ ổn định tiền đồng sẽ tốt cho nền kinh tế, tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào tiền đồng. Nhưng nếu giữ nguyên tiền đồng với USD, trong khi các đồng tiền khác như NDT mất giá so với USD, hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt đỏ, mất tính cạnh tranh. Do vậy muốn hỗ trợ xuất khẩu điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, nhưng ở mức nào là bài toán cần tính toán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH

Sau khi NHNN chính thức lên tiếng trước diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường, một số đơn vị nếu có giảm cũng chỉ khoảng 10 đồng mỗi USD. Cụ thể, Vietcombank giảm 10 đồng cả 2 chiều mua và bán xuống 22.680-22.780 đồng/USD so với phiên 24-11, nhưng vẫn hơn 200 đồng so với trước khi đợt biến động diễn ra. Tương tự, tỷ giá mua vào, bán ra tại BIDV niêm yết 22.700-22.790 đồng/USD, tăng 230 đồng chiều mua và và 250 đồng chiều bán ra. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố áp dụng cho ngày 25-11 là 22.137 đồng/USD, tăng 7 đồng so với tỷ giá trung tâm ngày 24-11 và tăng 13 đồng từ đầu tuần. Trong tuần trước đó tỷ giá cũng đã điều chỉnh tăng tới 45 đồng, còn nếu so với thời điểm đầu tháng 11, tỷ giá trung tâm tăng 1,12% và tăng 1,13% so với đầu năm.

 Diễn biến tỷ giá tại các NHTMCP liên tục được điều chỉnh tăng như  ACB, VIB, Techcombank đang niêm yết tỷ giá bán tiến sát mức trần. Cụ thể giá mua vào tại ACB ngày cuối tuần 22.700 đồng/USD, tăng 210 đồng so với đầu tuần và bán ra tăng 230 đồng lên 22.800 đồng/USD. Tại VIB niêm yết mức 22.680-22.800 đồng/USD, Techcombank 22.695-22.800 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD đã tăng lên 22.850-22.950 đồng/USD. Hiện tỷ giá liên NH thấp hơn 0,2% so với mức trần theo quy định của NHNN là 22.801 và cao hơn 1,25% so với đầu năm ở mức 22.755 đồng/USD.

Trước diễn biến của đồng USD trên thị trường, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn chủ yếu do yếu tố tâm lý và có thể có diễn biến đảo chiều trong thời gian tới. Điều này cũng dễ hiểu do từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, có cả yếu tố bên ngoài và nội tại tác động lên thị trường ngoại hối những ngày qua. Cụ thể, áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất đồng USD sẽ ảnh hưởng lên tỷ giá VNĐ vì neo theo đồng USD. Bên cạnh đó những đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á - những nước có quan hệ mậu dịch với Việt Nam - cũng phá giá, đặc biệt đồng NDT đang phá giá mạnh hơn 6% và sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, vào những tháng cuối năm nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng lên do các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu hàng hóa cho dịp lễ, Tết, nhu cầu trả lương, trả nợ cho nước ngoài gia tăng và ngay cả Chính phủ cũng vậy. Tất cả tạo nên nhiều yếu tố cùng lúc gây áp lực lên tỷ giá.

Tránh tạo áp lực đầu cơ

Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta nên cư xử như thế nào trước xu hướng đang tăng lên của đồng USD và sự mất giá của các đồng tiền khác so với đồng bạc xanh. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ, là các yếu tố giúp tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại. Từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển về, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... và NHNN cũng sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Lời trấn an của Phó Thống đốc đã phần nào giúp căng thẳng tỷ giá dịu bớt khi tạm ngừng tăng. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng với biến động tỷ giá trong bối cảnh đồng USD vẫn chưa có dấu hiệu chững lại đà tăng giá.

Đồng USD đã lập đỉnh cao 13 năm vào giữa tháng 11.

Đồng USD đã lập đỉnh cao 13 năm vào giữa tháng 11.

Hiện NHNN đang có 2 công cụ hữu hiệu để ổn định tỷ giá là cơ chế tỷ giá trung tâm và dự trữ ngoại hối quốc gia dồi dào khoảng hơn 40 tỷ USD. Nếu NHNN muốn ổn định không phải quá khó, nhưng vấn đề đặt ra là có nên duy trì mức ổn định này hay nên điều chỉnh. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá trung tâm ít nhất 1% cho giai đoạn đến cuối năm. Việt Nam cần phải tăng cường xuất khẩu nếu tỷ giá không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc. Hơn nữa, không điều chỉnh tỷ giá, lãi suất cũng có thể sẽ tăng lên. Cụ thể, người dân sẽ có tâm lý găm giữ USD tạo áp lực lên tiền đồng, dẫn đến có sự dịch chuyển từ VNĐ sang USD. Do đó các NH muốn giữ chân khách hàng phải tăng lãi suất huy động. Thực tế trong bối cảnh hiện nay càng giữ ổn định tỷ giá bao lâu càng gây bất lợi. Việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm theo xu hướng sẽ giảm tâm lý kỳ vọng của người dân.

 Trong báo cáo mới nhất của Standard Chartered dự đoán tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Trong khi đó, xét tương quan cung cầu thực tế trên thị trường ngoại tệ hiện nay, giới phân tích trong nước cho rằng áp lực tăng tỷ giá đang chịu tác động lớn từ tâm lý đầu cơ găm giữ trong nước và sẽ dần hạ nhiệt trong thời gian tới. Tỷ giá trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay liên tục được giữ ổn định và chỉ biến động mạnh trong thời gian ngắn.

Thực tế, dù tỷ giá có lên cơn sốt trong mấy ngày qua nhưng so với nhiều đồng tiền khác, tỷ giá VNĐ/USD vẫn tương đối ổn định. Tính trong 1 tháng gần đây, hầu hết các đồng tiền mất từ 2-8% so với USD. Đồng tiền của các nước trong khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Như vậy, việc tiền đồng mất giá so với USD cũng nằm trong xu thế mất giá chung của các đồng tiền khác. Do đó nếu NHNN cố neo tiền đồng coi như chống lại xu thế chung. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế và hao tổn ngoại tệ dự trữ.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank:

Đủ điều kiện ứng phó

Về nguyên nhân biến động tỷ giá những ngày qua, tôi nghĩ cũng có yếu tố tâm lý. Cuối năm hay dồn cầu về thanh toán nên các doanh nghiệp, cá nhân nghĩ đến dự trữ ngoại tệ. Nhưng những điều này chỉ là tức thời. Việc các đồng ngoại tệ khác mất giá vì đồng USD lên giá nên tỷ giá nhích lên trong thời gian qua cũng rất bình thường. Trong khi các yếu tố nội tại trong nước có thể tác động đến sự điều chỉnh tỷ giá đang khá tích cực, thậm chí nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào như xuất siêu 3,2 tỷ USD; giải ngân vốn FDI đạt 12,7 tỷ USD... Với lực dự trữ ngoại tệ hiện nay vào khoảng 40 tỷ USD, tức gấp 6-7 lần so với 10 năm trước, nên nguồn lực này khá dồi dào và luôn sẵn sàng. Nhưng NHNN vẫn chưa cần đến nguồn lực này, vì cách điều hành tỷ giá trung tâm của chúng ta đang rất khoa học, xoay quanh 1 rổ các đồng tiền khác, không chỉ một mình USD, nên nó thích ứng nhanh và nhạy.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank:

Vẫn trong tầm kiểm soát

Trước các dự báo FED có thể sớm tăng lãi suất cuối năm, đồng USD tăng giá mạnh và ngay cả đồng NDT cũng đã phá giá, do đó áp lực về mặt tâm lý đã tác động đến tỷ giá USD/VNĐ. Thực tế, thanh khoản thị trường vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ bình thường, không có nhu cầu đột biến. Việc NHNN cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá. Theo tôi, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát vì NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết. Chúng ta không nên lo lắng quá, thị trường thế giới có biến động mạnh nên tỷ giá trong nước biến động là tất yếu.

Trong trường hợp FED tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 cũng có thể không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá, vì dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là dòng vốn FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường ngoại tệ trong nước. Đối với tác động tâm lý, khi thị trường có những biến động, với cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt như hiện nay, tác động của yếu tố tâm lý sẽ được giảm thiểu.

Các tin khác