Linh hoạt ứng phó

(ĐTTCO)- Theo nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019. ĐTTC ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia kinh tế.

Linh hoạt ứng phó
Ông LÊ ĐỨC THÚY,  nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Khó đoán định kinh tế thế giới 

Nhiều dự báo cho rằng năm 2019 giá dầu chưa chắc vượt vùng đáy hiện nay. Nếu điều đó xảy ra sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Về tăng trưởng, hầu hết chuyên gia kinh tế tôi tham khảo ý kiến đều nói kinh tế toàn cầu đã đạt đỉnh tăng trưởng trong năm 2018.
Do vậy năm 2019 không chỉ các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc giảm, mà ngay cả các nước Đông Nam Á cũng có tình trạng suy giảm tăng trưởng. Với Việt Nam, các con số đạt được năm 2018 không có gì phải phân vân, lo lắng, tuy nhiên những điều cần quan tâm tới đây thế nào?
Năm 2018, Việt Nam thành công về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Nhưng trong thành công đó, nhiều ý kiến cho rằng mô hình tăng trưởng thay đổi quá chậm, đồng thời bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lâu dài. Phát triển kinh tế là quá trình dài lâu và tương tự như chạy marathon, khác với chạy ngắn 100m hay 1.000m. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn cũng có những nỗi lo. 
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) vài tháng trước, Việt Nam sẽ được lợi từ chiến tranh thương mại, vì Việt Nam tham gia ít chuỗi sản xuất toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi đặt dấu hỏi liệu điều đó chính xác?
Nền kinh tế Việt Nam mở nhất toàn cầu, nên sự thu hẹp quy mô thương mại, tăng trưởng toàn cầu, giảm và đảo chiều dòng vốn đầu tư, không thể không gây ra tiêu cực cho tăng trưởng của Việt Nam. Báo cáo của WB gần đây dự báo năm 2019, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6,6% và năm 2020 là 6,5%, nhưng chưa thấy lợi ích được đưa ra. Dự báo luôn thay đổi và người nghiên cứu phải suy ngẫm về sự hợp lý hay chưa. 
Việt Nam đặt mục tiêu tương đối đúng và khả thi cho năm 2019 về tăng trưởng, lạm phát, song cũng không thể nói mục tiêu là chắc chắn. Bởi lẽ, tăng trưởng của ta dựa vào tiêu dùng. Khi TTCK giảm, bất động sản có chiều hướng đóng băng, người dân sẽ không mang tiền tiêu và tiêu dùng sẽ giảm sút nhanh.
Năm 2019, giá điện có thể điều chỉnh tăng; dịch vụ y tế bao cấp đang làm méo mó cũng phải điều chỉnh. Chúng ta đang tạm thời ghìm tăng giá, nên các dịch vụ trên càng tăng có thể làm tăng giá nhiều mặt hàng. Tôi đồng ý với dự báo lạm phát năm 2019 khoảng 3,6%, vì giá dầu thô, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, sức cầu yếu đi, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)…
Quan điểm của tôi phải luôn quan tâm tới lạm phát, nhưng trong điều hành chính sách phải linh hoạt hơn. Lạm phát mục tiêu có thể co giãn như khoảng 4% để lường bất thường, giống như FED đặt mục tiêu lạm phát 2%, nhưng cũng có ±1% để khi nới lỏng, khi thắt chặt tiền tệ.
TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH,  Giám đốc Phát triển Đại học Fullbright Việt Nam:

Tăng trưởng tiêu dùng rất quan trọng

Năm 2017 tăng trưởng tín dụng 18%, nhưng rất mừng là năm 2018 tăng trưởng tín dụng chỉ 15%, trong khi tăng trưởng GDP khá cao. Điều này cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam đã không phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng như các chuyên gia vẫn lo ngại. Trong kiềng 3 chân của động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư năm 2018 đều có sự chuyển động, nhất là tăng trưởng tiêu dùng dân cư.
Về trung hạn tăng trưởng tiêu dùng dân cư rất quan trọng, sức mua của dân tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Xuất khẩu cũng sẽ tăng dư, và thực tế cho thấy tăng trưởng xuất khẩu ròng hàng năm là động lực tăng trưởng kinh tế.
Điều băn khoăn đối với tăng trưởng trung hạn là đầu tư, đầu tư dài hạn của doanh nghiệp không có cải thiện, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 đã giảm hơn năm 2017. Cùng với đó, gánh nặng nợ của các tập đoàn tư nhân đến nay vẫn là ẩn số và chỉ số này cũng tác động đáng kể đến GDP.
TS. LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Đánh giá kết quả cải cách

Bài học nào rút ra khi chúng ta đạt được tăng trưởng cao trong năm 2018 và kinh nghiệm đó còn kéo dài năm sau không? Tôi cho rằng các bài học đó là: cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; duy trì kinh tế vĩ ổn định.
Thời gian qua chúng ta nói tới khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế số nhiều, nhưng trên thực tế, thể chế có thay đổi theo điều chúng ta nói không? Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp và đăng ký kinh doanh ở Singapore?... Thực tiễn và thể chế hiện có sự lệch pha. Chúng ta phải nhìn sâu vào những vấn đề như vậy để nhìn nhận cải cách thể chế đạt và chưa đạt được gì.
NGUYỄN THỊ HƯƠNG, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Du lịch còn dư địa để khai thác

Năm 2019, bên cạnh những khó khăn (như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung), Việt Nam cần khai thác những lợi thế của mình. Dịch chuyển kinh tế hiện nay đang theo hướng khá tích cực. Xuất khẩu, nhất là trong nông nghiệp đã đạt đến 8 tỷ USD. Đó là dấu hiệu hàng hóa đi vào chất lượng, chế biến sâu thay vì xuất khẩu theo chiều rộng như trước.
Hay như trong lĩnh vực du lịch, năm 2018 chúng ta thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đây là động lực để Tổng cục Thống kê đánh giá còn có thể khai thác được trong thời gian tới.

Các tin khác