Mô hình quản lý vốn nhà nước của HFIC

Làm vốn “mồi” để thu hút, đầu tư hạ tầng

(ĐTTCO)-Chiều 9-3, Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM đã tổ chức tổng kết thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC).

(ĐTTCO)-Chiều 9-3, Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM đã tổ chức tổng kết thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC).

 

Đến dự có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT); cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp. Dù hoạt động của HFIC thời gian qua đã đạt được thành tựu khả quan, tuy nhiên các đại biểu vẫn bàn cách làm sao để HFIC hoạt động vừa hiệu quả, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Đặc biệt, làm sao phải có nguồn vốn đối ứng, kêu gọi đầu tư nước ngoài giải quyết 60% các công trình phúc lợi xã hội của TP.

HFIC: Tiên phong trong huy động vốn vào hạ tầng

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC cho biết, qua 4 năm thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, HFIC đã tiếp nhận 8 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước làm doanh nghiệp (DN) thành viên và đã hoàn thành đúng lộ trình, mục tiêu cổ phần hóa 6/6 DN.

Trong đó, công tác xác định lại giá trị DN tăng gấp 2,5 lần so với vốn điều lệ ban đầu, tổng nguồn thu về từ cổ phần hóa đạt 1.240 tỷ đồng. Hiện còn 1 DN không thuộc diện cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TPHCM và một DN sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM.

Có thể thấy hiệu quả kinh doanh của HFIC qua tổng doanh thu đạt 38.131 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 72%/năm. Tổng lợi nhuận toàn hệ thống đạt 8.867 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 42%/năm. Tổng nộp ngân sách toàn hệ thống đạt 12.071 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 104%/năm.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở việc đạt các chỉ tiêu tăng trưởng về mặt kinh tế, HFIC được xem là một định chế tài chính chiến lược của TP, là nhà đầu tư mở đường, dùng vốn đối ứng tiên phong huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP. Giai đoạn 2010 - 2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng với tổng mức đầu tư là hơn 25.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, mặc dù việc chuyển giao còn khiêm tốn so với phương án ban đầu là HFIC sẽ tiếp nhận toàn bộ vốn của DN trực thuộc UBND TPHCM, nhưng với việc tổ chức nguồn lực con người và xây dựng được hệ thống nghiệp vụ để triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng đại diện chủ sở hữu DN, UBND TP đánh giá HFIC đã đạt được những mục tiêu của phương án thí điểm, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Từ kết quả đó, TPHCM mong muốn HFIC tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và đề nghị Chính phủ chấp thuận việc chuyển giao toàn bộ DN có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM cho HFIC. Bởi HFIC không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, mang lại hiệu quả cho đồng vốn, mà còn thực hiện huy động đầu tư nước ngoài, góp phần to lớn trong việc thực hiện thành công 7 chương trình đột phá của TP.

Giờ đây, vai trò của HFIC được xác định là huy động nguồn lực, kiến tạo hạ tầng, mở đường các chương trình an sinh xã hội, hoàn chỉnh hạ tầng của TP.

TPHCM: Cần một nghị định đặc thù…

TS Trần Du Lịch phân tích, HFIC khác với SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) ở chỗ SCIC chỉ làm nhiệm vụ đầu tư sinh lời, còn HFIC giữ nhiệm vụ nặng nề hơn là ngoài đầu tư sinh lời, HFIC phải thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà các DN tư nhân không làm.

Điển hình là mô hình đầu tư vốn vào khu công nghệ cao của TP đã mang lại kết quả không chỉ về kinh tế mà còn có mục tiêu phát triển xã hội. TS Trần Du Lịch đánh giá cao những kết quả mà HFIC mang lại.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cũng phấn khởi về kết quả thử nghiệm của HFIC. Thứ trưởng cho rằng, sau thử nghiệm thấy tốt thì ứng dụng chính thức, không tốt thì dừng và bộ nhận thấy đây là mô hình tốt, nên triển khai. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ về các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và HFIC là một trong số đó.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó ban đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) Trung ương đánh giá, bước đầu HFIC đã có đóng góp lớn, tuy là thí điểm quản lý vốn Nhà nước thực hiện ở Hà Nội, TPHCM nhưng chỉ có TPHCM làm được. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị làm rõ các nguồn vốn đầu tư, vốn huy động, vốn cho vay thật minh bạch.

Thống nhất với đề nghị bỏ thí điểm, áp dụng chính thức mô hình HFIC tại TPHCM, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng TP hiện còn 54 DNNN, chỉ chiếm 3,5% vốn Nhà nước - quá ít. Nhưng với bộ máy và kinh nghiệm hoạt động, thu hút tốt nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, cho thấy vai trò của HFIC rất lớn. 3,5% vốn này chỉ cần dùng bổ sung vốn điều lệ cho HFIC để phát hành trái phiếu - vì TP đã hết nguồn vốn vay - nhằm giải quyết vấn đề hạ tầng bức xúc hiện nay của TP.

Tuy nhiên, khi không còn thí điểm nữa, đưa vào áp dụng chính thức thì HFIC cần thêm công cụ tài chính để huy động nguồn vốn mà không bị ràng buộc bởi nợ công. Chẳng hạn, TP phải xin Nghị định cơ chế đặc thù về ngân sách, hành chính, giống như Nghị định 93 về phân cấp trước đây thì mới giải quyết được bài toán cho TP hiện nay.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Bộ KH-ĐT sẽ xây dựng bộ tiêu chí về tổ chức các nước kinh tế phát triển theo chuẩn quản trị DNNN, công khai minh bạch. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, để TPHCM nằm chung “size” một cái áo chật chội của các tỉnh, thành khác, bị hãm phanh bởi cản lực do cơ chế đặt ra là không nên. Bộ ủng hộ, phải có gì đó riêng cho TP, như cơ chế riêng về huy động vốn chẳng hạn.

Phát biểu tại buổi tổng kết, đồng chí Tất Thành Cang đánh giá: HFIC có chức năng lớn nhất chính là huy động nguồn vốn xã hội để phát triển công trình hạ tầng thiết yếu của TPHCM. Một mô hình dùng nguồn vốn nhà nước hiệu quả.

Do vậy, đồng chí Tất Thành Cang cho rằng, cái lo lớn nhất của TP không phải là HFIC hay SCIC giữ vốn Nhà nước mà vấn đề là chúng ta giữ và phát triển như thế nào, trong cách tham mưu chỉ đạo, điều hành ra sao để sử dụng nguồn lực này cho đúng, trúng, hiệu quả, tạo thành xung lực cho phát triển xã hội.

Các tin khác